Đông Dược Công Đức

kiến thức đông y ; phòng đông y quận 2 ; mỹ phẩm đông y ; thuốc thiên nhiên đông dược công đúc

sách về thuốc đông y ,cây thuốc đông y , bài thuốc đông y, thưc phẩm chức năng , sách y học đông y ,

Đông Dược Công Đức

Đông Dược Công Đức
Đông Dược Công Đức
Chi tiết bài viết

ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY DO KHÁNG SINH BẰNG ĐÔNG Y

 

ThS. BS. Nguyễn Trương Minh Thế

Giảng viên Khoa YHCT – ĐH Y Dược TP. HCM

 

Tiêu chảy là một trong những biến chứng thường gặp khi sử dụng kháng sinh trị liệu, chiếm tỉ lệ 5 - 39 % bệnh nhân, tùy loại kháng sinh và phổ kháng khuẩn của thuốc. Nguyên nhân là do kháng sinh gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Tiêu chảy liên quan kháng sinh (Antibiotic-associated diarrhea, AAD) là một vấn đề cần quan tâm giải quyết do tình trạng này không chỉ gây khó chịu cho người bệnh, làm suy nhược cơ thể, gây rối loạn hấp thu, mà còn kéo dài thời gian thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc, tăng nguy cơ nhiễm trùng trong tương lai và tăng tỉ lệ tử vong.

 

 

           

            Hiện nay, điều trị tiêu chảy do kháng sinh được khuyến cáo theo nhiều cách như ngưng kháng sinh, thay đổi kháng sinh khác ít gây tiêu chảy hơn, dùng metronidazole, vancomycin…hay như gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung vi sinh vật sống vào đường tiêu hóa để tạm thời thay thế các vi sinh vật có lợi đã bị tiêu diệt bởi kháng sinh đã mang lại nhiều lợi ích.

            Tuy các chế phẩm vi sinh (probiotic) có ưu thế trong điều trị loạn khuẩn về hiệu quả, chi phí và ít tác dụng phụ, nhưng vẫn cần phải thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc có các rối loạn tiềm ẩn.

            Đã từ rất lâu, các thầy thuốc Đông y dùng bài thuốc Sâm linh bạch truật tán để điều trị tiêu chảy do Tỳ khí hư bất kiện vận với các triệu chứng người mệt mỏi, tay chân yếu sức, không muốn ăn, bụng đầy tức, tiêu lỏng nhiều lần, … các triệu chứng này tương tự như tình trạng tiêu chảy do loạn khuẩn ruột sau sử dụng kháng sinh ngày nay.

            Về nguồn gốc bài thuốc “Sâm linh bạch truật tán” là bài cổ phương có xuất xứ từ Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương, đời nhà Tống (960 - 1279) Trung Quốc. Thành phần gồm có Nhân sâm 12 g, Sa nhân 6 g, Bạch linh 12 g, Ý dĩ 6 g, Bạch truật (sao cám) 12 g, Hạt sen (sao vàng) 6 g, Bạch biển đậu (sao vàng) 9 g, Cát cánh (chích mật) 6 g, Hoài sơn (sao vàng với cám) 12 g, Cam thảo (chích mật) 12 g.

 

 

 

            Công dụng

            Bổ Tỳ Thận, ích Phế khí

            Chủ trị

            Tỳ Thận hư nhược, ăn ít, tiêu lỏng, ho, mệt mỏi, tay chân thiếu sức

            Phân tích bài thuốc ta thấy:

            Nguyên nhân do Tỳ hư thấp thịnh. Tỳ vị hư nhược, công năng vận hóa thủy thấp suy giảm, không phân biệt được thanh trọc dẫn đến tiêu chảy. Thấp trệ đình đọng trung tiêu gây ngực sườn đầy trướng, buồn nôn. Tỳ thất kiện vận, sinh huyết kém, tứ chi thất dưỡng dẫn đến tay chân mỏi mệt thiếu sức, hình thể gầy ốm, sắc da vàng. Lưỡi nhợt, rêu trắng nhầy nhớt. Mạch hư hoãn. Cho nên pháp trị phải kiện Tỳ thẩm thấp chỉ tả. Vì vậy trong bài thuốc có Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh ích khí kiện Tỳ thẩm thấp đóng vai trò chủ dược. Phối ngũ với Hoài sơn, Hạt sen, Bạch biển đậu (Đậu ván trắng), Ý dĩ làm thần hỗ trợ chủ dược kiện Tỳ ích khí, chỉ tả. Dùng Sa nhân tỉnh Tỳ hòa vị, hành khí hóa trệ. Cát cánh tuyên Phế lợi khí, dẫn thuốc lên trên, bồi Thổ sinh Kim. Cam thảo kiện Tỳ hòa trung, điều hòa chư dược cùng đóng vai trò tá sứ.

            Toàn bài thuốc có tác dụng bổ trung khí, thẩm thấp, hành khí kiện Tỳ (nâng sức khỏe, ngừng tiêu chảy và tăng cường khả năng tiêu hóa hấp thu dinh dưỡng).

            Trong những năm gần đây, có một số nghiên cứu làm rõ cơ chế tác dụng của Sâm linh bạch truật tán như:

            - Nghiên cứu của Dương Húc Đông, Trương Kiệt, Vương Uy (2004), Tác dụng và cơ chế bảo vệ đường ruột của Sâm linh bạch truật tán trên mô hình chuột Tỳ hư. Quan sát tổ chức ruột và mẫu phân Enterobacteriaceae, Enterococcus, Bifidobacterium, Bacteroides, Lactobacillus qua kính hiển vi điện tử. Kết quả cho thấy chuột Tỳ hư sau khi điều trị bằng Sâm linh bạch truật án có tỉ lệ Enterobacteriaceae, Enterococcus, Bifidobacterium, Bacteroides, Lactobacillus dần dần trở lại bình thường, tăng độ dày cơ trơn ruột, tăng số lượng các tế bào cốc, tình trạng rối loạn vi mao ruột, ty thể trướng to cải thiện đáng kể. Tốt hơn đáng kể so với nhóm Tỳ hư phục hồi tự nhiên, không có sự khác biệt đáng kể so với nhóm điều trị probiotic. Sâm linh bạch truật tán điều chỉnh tình trạng lợi khuẩn trên mô hình chuột Tỳ hư và thúc đẩy phục hồi tổn thương mô của hệ tiêu hoá.

            -Nghiên cứu của Lôi Anh, Lưu Lệ Sa, Trương Phàm, Hầu Thiến (2009), Ảnh hưởng của Sâm linh bạch truật tán đến sự thay đổi các thành phần protein tế bào biểu mô ruột non trên mô hình chuột Tỳ hư. Sử dụng phần mềm Quest one phân tích sự thay đổi của protein tế bào biểu mô đường ruột trong mỗi nhóm chuột. Kết quả cho thấy Sâm linh bạch truật tán có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng ở chuột, các thành phần protein ở các tế bào biểu mô ruột phục hồi gần bình thường.

            - Nghiên cứu của Nguyễn Trương Minh Thế (2015), Nghiên cứu tác dụng giảm tiêu chảy của Sâm linh bạch truật tán trên mô hình thực nghiệm. Chuột được gây tiêu chảy bằng kháng sinh. Sau đó tiến hành điều trị bằng Sâm linh bạch truật tán nhằm xác định liều tác dụng, so sánh tác dụng với probiotic (chứa Bacillus subtilis và Lactobacillus acisophilus). Kết quả cho thấy chuột được điều trị bằng Sâm linh bạch truật tán khác biệt có ý nghĩa thống kê với nhóm điều trị bằng probiotic về giảm tỉ lệ tiêu chảy, tỉ lệ chết và có khả năng phục hồi, tăng thể trọng tốt hơn.

            Qua đó cung cấp thêm sự lựa chọn tốt cho các bác sĩ lâm sàng trong điều trị tiêu chảy do kháng sinh. Thông qua việc dùng bài thuốc có nguồn gốc thảo dược, với ưu thế rút ngắn thời gian điều trị, tăng khả năng phục hồi và nâng cao thể lực cho bệnh nhân so với điều trị bằng probiotic.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thiên Quyến, Đào Trọng Cường (2003), Chứng phúc tả, Chẩn Đoán Phân Biệt Chứng Trạng Trong Đông Y, NXB Mũi Cà Mau, Tr 1127- 1132.

2. Đỗ Tất Lợi (1999), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Tr 804 – 808, 863 – 866, 222 – 223, 848 – 849, 783 – 786, 908 – 909, 716 – 717, 401 – 402

3. Nguyễn Văn Thanh, Huỳnh Thị Ngọc Lan, Trần Cát Đông, Võ Thị Mai (2002), Nghiên cứu phối hợp bifidobacterium bifidum và lactobacillus acidophilus để sản xuất chế phẩm trị loạn khuẩn đường ruột, Đề tài khoa học cấp bộ, TP. Hồ Chí Minh, tr 5 – 7.

4. Nguyễn Trương Minh Thế (2015), Nghiên cứu tác dụng giảm tiêu chảy của Sâm linh bạch truật tán trên mô hình thực nghiệm, Luận văn thạc sỹ y khoa, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh.

5. Beaugerie L, Petit JC (2004). Microbial-gut interactions in health and disease. Antibiotic-associated-diarrhoea. Best Pract Res Clin Gastroenterol;18:337-52.

6. Elstner CL, Lindsay AN, Book LS, Matsen JM (1983). Lack of relationship of Clostridium difficile to antibiotic-associated diarrhoea in children. Pediatr Inf Dis;2:364-6

7. McFarland L.V. (1998), Epidemiology, risk factors and treatments for antibiotic-associated diarrhea. Dig Dis 16: 292–307

8. Ullivan A, Edlund C, Nord CE (2001). Effect of antimicrobial agents on the ecological balance of human microflora. Lancet Infect Dis;1:101-14

9. 太平惠民和剂局方 (2012), 人民卫生出版社

10. 雷英, 刘丽莎, 张帆, 侯茜 (2009), 参苓白术散对脾虚证小鼠小肠上皮细差异蛋白质组分影响的初步研究, 甘肃省自然科学研究基金项目(2009GS03215)

11. 杨旭东  张杰  王崴 (2004), 参苓白术散对脾虚小鼠肠保护作用及其机制的研究, 牡丹江医学院科研项目(2004-10)

 

Link  

Điều trị tiêu chảy do kháng sinh

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top