Đông Dược Công Đức

kiến thức đông y ; phòng đông y quận 2 ; mỹ phẩm đông y ; thuốc thiên nhiên đông dược công đúc

sách về thuốc đông y ,cây thuốc đông y , bài thuốc đông y, thưc phẩm chức năng , sách y học đông y ,

Đông Dược Công Đức

Đông Dược Công Đức
Đông Dược Công Đức
Chi tiết bài viết

 

HOA TRONG ẨM THỰC

 

Lương y NGUYỄN CÔNG ĐỨC

Nguyên Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM

 

 

Một số người cho rằng hoa tươi chỉ tồn tại với giá trị thưởng ngoạn, nếu lấy hoa tươi liên kết với dinh dưỡng, có lẽ chúng chỉ giúp ta “tẩm bổ” đôi mắt và tâm hồn mà thôi. Thật ra, bản thân hoa tươi vốn có giá trị “thực” dụng và giá trị dinh dưỡng luôn bị chúng ta bỏ sót, nói khác đi, hoa tươi còn là một thức ăn dinh dưỡng tự nhiên.

 

“Ăn hoa” từ xưa đến nay: 

Văn tự ghi nhận “ăn hoa” sớm nhất vào thời Chiến quốc Xuân Thu. Sách sử ghi thời Tùy – Đường, vào ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, Võ Tắc Thiên lệnh cho các cung nữ dùng hoa tươi và gạo tẩm chế ra “bánh hoa”, ban phát cho bá tánh (từng lớp nhân dân) để tỏ lòng yêu dân. Trong “Bí lục cung đình” đời Thanh ghi nhận: Từ Hy Thái hậu chán ngấy các món sơn hào hải vị, nhóm đầu bếp “ngự thiện phòng” phát minh ra món lẩu hoa cúc, cũng như chọn hoa sen, hoa lan là vật liệu chính làm ra nhiều món điểm tâm tại bàn, Từ Hy đặc biệt thích ăn. Do thường ăn hoa, cho nên làn da của bà quá “ngũ tuần” vẫn trắng nõn mịn màng, không thấy lão hóa.

 


Với xã hội hiện đại, “ăn hoa” đã không còn là chuyện mới lạ. Tại Nhật, ăn hoa càng là một loại tiêu thụ cao cấp. Bởi lẽ Nhật Bản và một số nước Âu Mỹ khoa học kỹ thuật phát triển hơn, có thể trồng hoa đại trà để ăn, cho nên ăn hoa cũng rất phổ biến. Cuộc nghiên cứu điều tra của viện khoa học Côn Minh (Trung Quốc) cho biết, loại hoa dân chúng thường ăn đạt trên 160 loại. Nếu nói đến ăn hoa mang tính “toàn dân”, đứng đầu là người Hồng Kông, tại đây có rất nhiều buổi tiệc hoa tươi. Người Hồng Kông ăn trên vài chục loại hoa, đối với việc khai thác, tận dụng và đánh giá công dụng của hoa họ đã luôn đi đầu.

 

hoa-phong-lan(2)


Thứ nhất, bởi hoa có thể làm thuốc, cho nên “thức uống chức năng” chế biến từ hoa cũng được chọn đầu tiên, người Hồng Kông gọi là “nước thuốc xinh xắn”; kế đến, các món ăn từ hoa cũng ngày càng nhiều, ngoài xà-lách, một số nhà hàng còn dùng hoa quả hay nụ hoa cùng thịt, cá làm ra món ngon có đủ màu sắc và mùi vị.


Hoa bưởi, thiên lý, bông bí, điên điển, so đũa, súng, chuối, hẹ… nằm trong bộ sưu tập ăn hoa của người Việt. Ngoài sự chiêm ngưỡng, nhìn ngắm hoa, người Việt còn sâu sắc hơn trong cách thưởng hoa, đó là nếm hoa, đây là cách ăn thật sự tinh tế và ngày càng được ưa chuộng.
Với những đứa trẻ, hoa bưởi được nhớ nhất là lúc nấu xong nồi chè trôi nước. Từng viên trôi nước màu trắng ngà nằm chen nhau trong nước đường trong vắt, sóng sánh. Vài hạt mè vàng rộm như điểm tô cho những viên bánh duyên dáng hơn. Lúc này chỉ cần một vài giọt nước hoa bưởi, nồi chè bắt đầu thơm ngan ngát của hoa bưởi quyện cùng mùi bột nếp, vị mật đường, nghe thanh thoát, ngọt lịm tận tâm can.

 


Hoa thiên lý với hương hoa không nồng gắt như dạ lý, ngọc lan, mà cứ phảng phất đượm hương trong không khí. Có lẽ nhờ hương thơm dịu nhẹ mà thiên lý được dùng để làm món canh, một món ăn đặc trưng của loài hoa đằm thắm này. Nước canh nấu với một ít thịt thăn heo hoặc tôm nõn vừa sôi, chờ dịu hơi nóng một chút, cho một nhúm hoa thiên lý vào. Nước canh bắt đầu ánh lên màu xanh ngọc trong vắt, hương vị của hoa hòa cùng vị ngọt của thịt, khó có món canh nào ngọt ngào cho bằng.

 


Bông bí cũng là loại bông được dùng để ăn. Nhưng bông bí được chuộng hơn cả vì bông lớn, giòn, ngọt hơn. Bông bí được dùng nấu canh đã đành, nhưng nếu được xào tỏi thì khỏi chê. Vị ngọt tự nhiên của bông bí không cần nêm nếm thêm bất cứ thứ phụ gia nào, không khéo còn làm mất đi hương vị của nó. Xào bông bí vừa đúng lửa, màu xanh của đài hoa, màu vàng của cánh hoa như thắm hơn. Từng chiếc hoa giòn, ngọt lịm nhai rôm rốp thật đã miệng. Đơm chén cơm trắng nghi ngút khói, chấm bông bí với mắm đồng hoặc cá rô kho tộ, càng ăn càng tốn cơm.

 


Miền Nam là vùng đất trù phú với hoa cỏ tốt tươi quanh năm. Dưới nước lúc nào cũng sẵn bông súng, chỉ cần lội xuống ven bờ là có thứ rau tươi thơm mát màu tím từ hoa tới cọng để chấm cá kho tộ. Hay nồi mắm và rau mà thiếu bông súng, đọt bông kèo nèo thì rõ ràng mất ngon.

 


Đến mùa nước nổi, nhìn đâu cũng thấy những cánh hoa điên điển ánh vàng lấp lánh đầy mặt nước. Tôm, cá cũng không thiếu, gặp được con nước có cá linh chạy hàng đàn thì lo gì không có bữa canh chua cá linh nấu bông điên điển, cá linh kho tiêu chấm bông điên điển. Còn bữa nào có tép bạc, thì đổ bánh xèo bông điên điển. Bánh có hơi hướm nhân nhẩn đắng sao mà ngon lạ, ăn tới no căng mà vẫn không thấy ngán.

 


Canh chua nấu bằng me non, chua thanh còn lẫn vị đắng của bông so đũa, cùng với vị ngọt của tép bạc đất, hình như không có gì ngon hơn. Nồi canh vừa chín tới trút rổ bông so đũa mới hái để bông còn giòn mới ngon. Hương vị tô canh gồm đủ vị chua, mặn, nhẩn đắng của bông so đũa, càng ăn càng trở nên đậm đà.

 


Người Việt còn nhiều loại hoa được dùng làm thức ăn quanh năm như hoa chuối không thể thiếu trong những món ăn như bún riêu, bún và rau, gỏi trộn hoa chuối…, hoa hẹ trong những món xào, canh… Các loài hoa ngày càng được ưa chuộng trong các món ăn, nhất là lẩu hải sản, lẩu chua ngọt, lẩu mắm… thật sự tinh tế, đầy đủ hương vị, ngon ngọt hơn là nhờ những loại hoa ăn kèm như thiên lý, so đũa, sen, súng…

 


Ăn hoa tươi quan tâm nhất là thành phần dinh dưỡng tự nhiên, chúng hoàn toàn có thể cùng rau cải “được” đặt lên bàn ăn, theo thống kê, cho đến nay đã có hơn 500 loại hoa tươi có thể ăn được.


Hoa với thức uống:
Hoa tươi có thể trực tiếp làm ra món ăn hay tráng miệng, nhưng với nhiều người dù chưa “ăn tiệc” hoa, nhưng lại được “ăn hoa” một cách không ngờ, đó là uống trà hoa, uống rượu hoa.

 


Trà hoa có “trà hoa khô” và “trà hoa tươi”. Thường gặp nhất là hoa cúc, hoa nhài (lài), còn có hoa hồng, bách hợp, hoa sen… đều có thể mua liền khi thích, hái xuống những cánh hoa rửa sạch, hãm với nước sôi, mọi lúc có thể dùng thay trà, vừa làm đẹp vừa bảo vệ sức khỏe. Một số dân địa phương còn thích thường xuyên nấu canh hoa khế, hoa thiên lý, hoa điên điển, hoa so đũa…, nước kim ngân hoa, chế món trà ngũ hoa. Nói đến dùng hoa ngâm rượu, món rượu hoa cúc có lịch sử lâu đời nhất, bây giờ còn có “rượu hoa hồng” ngâm bằng hoa hồng.


Hoa với dinh dưỡng:
Hoa liệt vào món ăn phù hợp nhu cầu của khoa học thực phẩm, cũng như phù hợp với thói quen ăn uống của người dân khắp nơi. Hoa trong khi sinh trưởng, nở rộ cần hấp thu nhiều chất hữu cơ cần thiết và nguyên tố vi lượng rồi mới hoàn tất được quá trình “đâm hoa kết trái”. Cho nên hoa là nơi chứa “tinh hoa” của cây, nghiên cứu dinh dưỡng học cũng chứng minh, hoa chứa dinh dưỡng cao gấp nhiều lần so với những phần khác như rễ, lá. Trong tế bào hoa chứa nhiều protid, lipid, glucid, tinh bột, vitamin và muối vô cơ, trong hoa tươi còn chứa các chất sinh học giúp tăng thể chất, cũng như có những thành phần làm thuốc, quả là thực phẩm sức khỏe với nhiều triển vọng. Chẳng hạn hoa sen có tác dụng thanh thử khu thấp (làm mát, chống ứ), cầm máu; hoa cúc giúp thanh nhiệt giải độc, sơ phong giáng hỏa (bổ gan, làm mát); cúc hoa dại là một loại kháng sinh phổ rộng; chất rutinoside trong kiều mạch và hoa hòe có tác dụng bảo vệ và làm bền thành mạch…

 


Thơm mát nhờ hoa:
Vào đời Tống (Trung Quốc) đã ghi nhận dùng những cây thơm giúp cho cơ thể phát tán mùi thơm, tiếc rằng với nhiều nguyên do, nên chưa được phổ biến. Hiện nay, người “sành điệu” và “đúng mode”; không chỉ mưu cầu hòa đồng “hương hoa”, mà còn thông qua việc chọn “nước hoa” đặc thù để làm cho thân thể thơm tho. Chỉ cần mến mộ một loại “hương hoa” có thể ăn được, thì có thể đem phơi khô tán bột dùng uống lâu dài, tự nhiên sẽ có “mặt đẹp như hoa”, đồng thời cả thân thể cũng thơm tho đáng yêu.

 


*Mùi hương hoa nhài (lài): Hoa lài chứa tinh dầu, thơm, mỗi lần dùng 5g bột hoa lài phơi khô tán mịn, trộn cháo để ăn, giúp thân thể tỏa mùi hương lài thanh nhạt.

 


*Mùi hương hoa đào: Trong hoa đào chứa nhiều sắt, dùng cánh hoa hãm trà hay tán mịn làm thuốc hoàn, dùng cho bạn gái, giúp thân thể tỏa mùi hương đào.

Những điều cần lưu ý:
Không phải tất cả hoa nào cũng ăn được, một số hoa độc thì không được dùng. Ngoài ra, thực phẩm phấn hoa kèm “hội chứng phấn hoa” (tức dị ứng với phấn hoa) có xu hướng tăng, có liên quan trực tiếp trong khâu chọn nguyên liệu. Trên thị trường thực phẩm phấn hoa về cơ bản dùng phấn hoa từ ong gia công chế biến, ong “hút” phấn từ nhiều loài hoa. Do vậy, trong phấn hoa từ ong cũng có thể lẫn vào phấn hoa có độc, phấn hoa gây dị ứng.

 

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top