MỒ HÔI GÂY MÙI KHÓ CHỊU – ĐÔNG Y CHỮA THẾ NÀO?
BS. Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT – ĐH Y Dược TP. HCM
Sự bài tiết mồ hôi giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nhiệt độ cơ thể, giúp cơ thể duy trì nhiệt độ ổn định khi nhiệt độ môi trường bên ngoài có sự thay đổi. Tuy nhiên, theo thống kê trên thế giới có khoảng 3% số người bị chứng tăng tiết mồ hôi, tức khoảng trên 210 triệu người. Khi thời tiết nóng bức, mồ hôi có thể bị tăng tiết ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể như vùng nách, hai bên bẹn, bộ phận sinh dục, bàn tay… gây trở ngại cho sinh hoạt và giao tiếp. Ngoài vấn đề tăng tiết mồ hôi gây ẩm ướt, một số người lại khổ sở vì mùi cơ thể. Mùi cơ thể không tốt làm “khổ chủ” mất tự tin, gây trở ngại trong giao tiếp, ảnh hưởng khả năng thành đạt trong cuộc sống
Theo Y học hiện đại, trên bề mặt da toàn cơ thể có khoảng 2- 5 triệu tuyến mồ hôi. Ngoài nhiệm vụ tham gia điều hoà thân nhiệt, mồ hôi còn có nhiệm vụ thải trừ các chất cặn bã, chất độc cho cơ thể.
Thành phần của mồ hôi gồm: 98 - 99% là nước, 0,6% chất hữu cơ, 0,5% muối, acid, và các chất vô cơ... Mồ hôi có tỷ trọng 1,001 - 1,008, có tính acid và thay đổi tùy loại mồ hôi, tùy nguyên nhân gây đổ mồ hôi do lao động nặng hay khi trời oi bức.
Trong số hàng triệu tuyến mồ hôi trên bề mặt da, có khoảng 1,5 - 3 triệu tuyến mồ hôi thông thường hay ngoại tiết (eccrine sweat glands) và số còn lại là các tuyến mồ hôi dầu hay tuyến đầu tiết (apocrine glands – endocrine glands).
Các tuyến mồ hôi được chi phối bởi sợi cholinergic của hệ thần kinh giao cảm, nên tốc độ bài tiết chịu ảnh hưởng của các kích thích xúc cảm và vị giác. Toàn bộ tuyến mồ hôi của cơ thể mỗi ngày có thể tiết ra 500 - 700 ml dịch, tùy thuộc vào thời tiết, trạng thái hoạt động hay nghỉ ngơi...
Tuyến mồ hôi ngoại tiết nằm rải rác khắp nơi trên cơ thể ngoại trừ vùng niêm mạc. Chúng tập trung nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân, trán, da đầu, lòng bàn tay, gò má, quanh bụng, lưng. Loại tuyến này có chức năng làm mát cơ thể, khi cơ thể nóng bức, mồ hôi sẽ được tiết ra và bay hơi làm hạ nhiệt độ cơ thể.
Tuyến mồ hôi dầu hay đầu tiết chỉ có ở nách, quanh núm vú, quanh rốn, ống tai ngoài, vùng niệu- sinh dục, bắt đầu tăng tiết từ tuổi dậy thì, hoạt động mạnh trong độ tuổi sinh đẻ, giảm tiết khi về già. Miệng ống đổ vào phần trên của tuyến bã rồi ra ngoài, mồ hôi tiết ra đặc hơn. Chức năng của tuyến mồ hôi dầu ở người chưa rõ ràng. Ở động vật có vú, nó có hai chức năng: Thứ nhất, một số động vật tiết ra mùi để xua đuổi các loài khác; Thứ hai, tiết ra các mùi đặc biệt để hấp dẫn bạn tình. Trong thành phần mồ hôi dầu của người có các hợp chất amoniac, acid béo chưa no... và bản thân các chất này khi vừa mới ra khỏi ống tuyến chưa có mùi hôi. Các vi khuẩn hoạt động trên bề mặt da phân huỷ các acid béo tạo ra mùi rất khó ngửi và được gọi là hôi nách, hôi vùng cơ quan sinh dục. Các tuyến mồ hôi loại này không có liên hệ đến tăng tiết mồ hôi khu trú và chức năng của chúng được điều hòa bởi các tiến trình nội tiết. Cũng có những tuyến mồ hôi hỗn hợp gọi là tuyến đầu-ngoại tiết (apo-eccrine glands), chủ yếu được tìm thấy ở nách và vùng quanh hậu môn. Vai trò của chúng trong sinh lý bệnh của tăng tiết mồ hôi khu trú hiện chưa rõ, dù vậy trên một số người, chúng chiếm đến 45% số tuyến mồ hôi được tìm thấy trong vùng nách.
Các yếu tố kích thích sự bài tiết mồ hôi
Nhiệt độ: Có liên quan đến số lượng tuyến mồ hôi bị kích thích và sự gia tăng kích thước của mỗi tuyến. Thân mình chiếm 50% lượng mồ hôi bài tiết bởi nhiệt, chi dưới chiếm 25%, và 25% còn lại là do chi trên và đầu. Một số vùng đặc biệt tuyến mồ hôi hoạt động rất mạnh như: Trán, lưng và giữa ngực. Do đó, thân mình tham gia trước tiên vào sự đáp ứng bài tiết mồ hôi do nhiệt.
Tâm lý: Chỉ xuất hiện khi bị kích thích cảm xúc. Sự bài tiết mồ hôi này có nguồn gốc trung ương, xảy ra rất nhanh (dưới 20 giây), liên quan đến sự co thắt của các tuyến bài tiết mồ hôi. Vị trí xuất hiện cũng rất đặc biệt, thường là lòng bàn tay, háng, nách. Tuy nhiên, khi nhiệt độ môi trường cao trên 310C thì có thể toát mồ hôi khắp người.
Vị giác: Thường xảy ra ở người bình thường khi bị kích thích cay. Mồ hôi đầu tiên bài tiết ở mặt, lan ra cổ, đôi lúc lan đến phần trên thân mình, phụ thuộc vào cung phản xạ tủy.
Ở một số người có thể không có mồ hôi, là hiện tượng tuyến mồ hôi tiết ra ít hoặc cơ thể không sinh ra mồ hôi. Nó có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như vảy cá, khô da, xơ cứng bì, bệnh phong... hoặc dị ứng thuốc (như các thuốc ngăn cản thần kinh giao cảm).
Theo quan niệm Y học cổ truyền, trời đất và con người có tương quan với nhau, người ta chịu “khí trung hòa của trời đất” mà sinh tồn. Trong thân người, khí của lục phủ, ngũ tạng (khí, hình, tinh thần, ngũ tạng, ngũ dịch) đều có tương quan tương ứng với nhau. Tạng nhờ có huyết mà sinh tân dịch, mồ hôi là một loại tân dịch trong cơ thể ví như nước miếng, Vị dịch, Trường dịch, nước tiểu… có công năng duy trì sự hoạt động bình thường của cơ thể con người. Mồ hôi còn là tên riêng của huyết, là dịch của Tâm. Chứa ở tạng Tâm là huyết mà phát ra ngoài là mồ hôi. Trong cơ thể Tâm chủ huyết mạch, giữ vai trò chủ yếu. Cho nên, ở trạng thái bình thường mà ra nhiều mồ hôi cần chú ý theo dõi và chữa kịp thời.
Thường gặp các dạng ra mồ hôi như: Tự ra mồ hôi lúc thức (tự hãn), ra mồ hôi lúc ngủ (đạo hãn, còn gọi là ra mồ hôi trộm), ra mồ hôi khi bị ngoại cảm.
Nguyên nhân gây tự ra mồ hôi thường là dương hư, khí hư, khí huyết hư; gây ra mồ hôi trộm thường là âm hư hoặc âm và khí hư. Ngoại tà gây ra mồ hôi thường là phong thấp, ôn nhiệt, thấp nhiệt.
Điều trị như thế nào?
- 1. Không dùng thuốc:
- Tắm hàng ngày. Thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là với một chất tẩy rửa hoặc xà phòng kháng khuẩn.
- Lau khô chân hoàn toàn sau khi tắm. Vi sinh vật phát triển mạnh trong các không gian ẩm ướt giữa các ngón chân.
- Chọn giày và tất làm bằng vật liệu tự nhiên. Thay đổi tất thường xuyên.
- Chọn quần áo bằng sợi tự nhiên. Mặc đồ vải tự nhiên như len, bông, lụa…
- Thay đổi chế độ ăn uống. Tránh các thức ăn làm ra mồ hôi nhiều hơn như ớt, tiêu, café.. hay các loại có mùi mạnh như tỏi, hành, hành tây…
- 2. Dùng thuốc:
Y học hiện đại
- Các thuốc kháng cholinergic như Pro-banthine hoặc Glycopyrrolate cũng có tác dụng giảm tiết mồ hôi toàn thân trong vòng 4-6 giờ.
- Bôi tại chỗ bằng aluminum chloride 20% vào các buổi tối có tác dụng tốt.
- Hiện nay có phương pháp mới là chích botox vào các hạch giao cảm để gây liệt hạch giao cảm khiến mồ hôi không được tiết ra nữa. Phương pháp này khá hiệu quả và đơn giản nhưng khá đắt và chỉ hiệu nghiệm từ 6 – 9 tháng nên có lẽ thích hợp cho những người làm các công việc như ngoại giao phải tiếp xúc với nhiều người, người làm các công việc chính xác như điện tử, kim hoàn ...
- Việc tiêm botox vào mỗi bàn chân, tay hoặc nách cũng giảm tiết mồ hôi rất tốt, nhưng lại gây yếu cơ khi cầm nắm. Phương pháp này có tác dụng trong 5 tháng, giá thành cao. Ở điều kiện Việt Nam, chỉ cần tiêm một lần vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè.
- Khi tất cả các phương pháp trên thất bại, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ hạch giao cảm ngực, hoặc tiêm huyết thanh nóng để diệt hạch giao cảm ngực thay cho phẫu thuật cũng đạt hiệu quả cao.
Y học cổ truyền
Dùng ngoài:
Cách 1: Sau khi tắm sạch, dùng quả chanh tươi thái lát mỏng, xát vào nách, chờ khoảng 15 phút rồi rửa sạch, làm thường xuyên, ngày 1 lần sẽ có tác dụng khử mùi rất tốt.
Cách 2: Bạc hà 10g, bạch chỉ 10g tán thành bột, trộn đều, tắm rửa sạch, rồi xát vào nách ngày 1 lần, liên tục 10 ngày.
Cách 3: Dùng phèn chua nung lên thành bọt xốp, tán mịn. Sau khi tắm sạch, lau khô hố nách, lấy bột phèn chua xát vào hai hố nách. Mỗi ngày một lần.
Cách 4: Dùng 4 lá trầu tươi, rửa sạch, giã nát. Sau khi tắm sạch chà xát vào hố nách. Làm liên tục trong 1 tháng sẽ cải thiện tình trạng hôi nách, do trầu có tác dụng khử khuẩn, khử mùi mồ hôi cơ thể.
Cách 5: Mai hoa băng phiến, Thanh mộc hương, Thiên trạch hương, Khô phàn, hoạt thạch, mỗi thứ 30g. Nghiền nhỏ mịn các dược liệu. Sau khi tắm sạch, thoa vào hố nách, kẽ ngón chân, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 10 – 15 ngày, đạt hiệu quả cao.
Uống trong:
Vệ khí hư:
-
-
-
- Bệnh nhân tự ra mồ hôi không do mệt nhọc hay nhiệt độ oi bức, đồng thời có sợ gió sợ lạnh, dễ bị cảm, thường là do vệ khí hư, cần bổ vệ khí và khu phong.
- Phương thuốc hay dùng là Ngọc bình phong tán gồm: Hoàng kỳ 8 g, Bạch truật 16 g, Phòng phong 8 g. Sắc uống.
- Mồ hôi cũng được gọi là "tâm dịch" (dịch của tâm), vì vậy nên thêm thuốc để bổ tâm âm tâm khí và liễm âm khí gồm các vị: Đảng sâm hoặc Sa sâm 10 g, Mạch môn 15 g, Ngũ vị tử 4 g.
- Khí huyết hư:
-
-
Bệnh nhân gầy yếu, mới ốm nặng dậy có vã mồ hôi thường do khí huyết hư. Cần phải bổ cả khí và huyết.
Phương thuốc thường dùng là Thập toàn đại bổ gồm Đảng sâm 16 g, Bạch truật 12 g, Bạch linh 12 g, Cam thảo 6 g, Đương qui 12g, Thục địa 20 g, Bạch thược 12 g, Xuyên khung 8 g, Hoàng kỳ 10 g, Nhục quế 6 g. Sắc uống.
Khí hư: Do dùng thuốc làm ra mồ hôi quá liều (xông, thuốc cảm) làm mồ hôi cứ chảy liên tục không dứt, cần phải bổ khí. Có thể ngậm những lát nhân sâm để bổ khí, mồ hôi sẽ ngừng ra.
Hoặc dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh thang gồm: Nhân sâm 12 g, 16 g, Đương quy 16 g, Thược dược 16 g, Địa hoàng 16 g, Bạch Truật 16 g, Phục linh 16 g, Quế chi 8 g, Hoàng kỳ 12 g, Trần bì 8 g, Viễn chí 8 g, Ngũ vị tử 8 g, Cam thảo 6 g.
Khí Huyết hư thoát: Do sau sanh mất nhiều máu hoặc mất nhiều máu do nguyên nhân khác có vã mồ hôi hột (choáng mất máu), đó là do khí thoát theo với huyết thoát. Cần bổ gấp nguyên khí. Phương thuốc hay dùng là Độc sâm thang: Nhân sâm 6 – 8 g sắc uống. Nếu ngoài vã mồ hôi hột lại có thêm chân tay lạnh toát, mạch rất khó bắt, đó là do cả dương và khí đều thoát, phải bổ gấp cả dương và khí (hồi dương cứu nghịch).
Phương thuốc hay dùng là Sâm phụ thang: Nhân sâm 8 g, Phụ tử 8 g sắc uống. Nếu thấy chân tay ấm lại, mạch đập rõ là đã có kết quả.
Âm hư: Ban đêm ngủ say tỉnh giấc thấy: Mồ hôi ướt quần áo và không thấy mồ hôi ra nữa gọi là mồ hôi trộm (đạo hãn). Thường do âm hư, cần bổ âm.
Phương thuốc Lục vị hoàn gồm: Đan bì 9 g, Bạch linh 9 g, Trạch tả 9 g, Thục địa 24 g, Sơn thù 12 g, Hoài sơn 12 g. Luyện mật làm hoàn ngày uống từ 8 - 12 g, ngày dùng từ 2-3 lần uống với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt.
Tâm khí bất túc, Tỳ khí hư: Bệnh nhân hồi hộp, ngủ không yên, ăn uống kém, không ngon miệng, thường đổ mồ hôi :
Phương thuốc: Quy Tỳ Thang (khử Mộc hương gia Ngũ vị) gồm: Đảng sâm 12 g, Chích Hoàng kỳ 8 g, Đương quy 8 g, Bạch truật (sao) 8 g, Chích thảo 4 g, Táo nhân (sao) 8 g, Viễn chí 4 g, Phục thần 8 g, Long nhãn 8 g, Ngũ vị 10 hột, Hồng táo 2 quả, Gừng sống 3 lát. Sắc uống.
Trúng thử thuộc Thái Dương: Bệnh nhân nóng sốt, khát nước, đổ mồ hôi, sợ lạnh, chân lạnh, mạch vi.
Phương thuốc: Bạch Hổ Gia Nhân Sâm Thang gồm: Thạch cao 40 g, Tri mẫu 16 g, Sinh cam thảo 8 g, Gạo tẻ 20 g, Nhân sâm 12 g. Sắc uống.
Thương hàn tà ở Thiếu dương, hỏa uất: Bệnh nhân lúc nóng, lúc lạnh, ngủ ra mồ hôi.
Phương thuốc: Tiểu Sài Hồ Thang gồm: Sài hồ 12 g, Hoàng cầm 12 g, Bán hạ 8 g, Chích thảo 4 g, Nhân sâm 8 g, Gừng 3 lát, Táo 2 quả. Sắc uống.