NƯỚC GIẢI KHÁT MÙA NÓNG
Lương y NGUYỄN CÔNG ĐỨC
Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM
Nước mát là gì?
Ngày xưa, nước mát – hiểu đúng nghĩa là những thuốc thang được tạo thành từ những dược liệu mang tính hàn lương (mát lạnh), có những tác dụng thanh nhiệt giải độc, tư âm giáng hỏa…, dùng để điều trị các chứng thực nhiệt (sốt cao, khát nước, táo bón, tiểu vàng…) và hư nhiệt (sốt nóng do cơ thể hư lao,đề kháng kém…). Bà con thường quen gọi là “nước sâm”.
Nước nấu “Hạ khô thảo + Lá dâu + Cúc hoa”; hay “Rễ tranh + Mía lau”… gọi là nước mát.
Nước mát với dược liệu nhiều hay ít, sức thuốc nhẹ hay mạnh đều mang tính mát, thích hợp cho người “bị nóng”. Người suy nhược cơ thể, thể chất hàn, sợ lạnh cần dùng thận trọng hoặc không dùng.
Nước mát từ thuốc thang cổ truyền, phát triển đến nay thành dạng hòa tan, dạng túi lọc, trà thành phẩm… vừa mở rộng con đường đưa thuốc vào cơ thể, vừa thích hợp nhu cầu của thời đại công nghiệp hóa.
Y học hiện đại và nghiên cứu dược lý cho thấy, những dược liệu sử dụng trong nước mát phần nhiều có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giải nhiệt, chống virus, điều tiết chức năng miễn dịch của cơ thể… Các nhà y học Trung Quốc ứng dụng nước mát rộng rãi trên các bệnh lây nhiễm, bệnh thuộc hệ miễn dịch, bệnh tim, tuần hoàn và cả điều trị các khối u của y học hiện đại…
Ngày nay, với sự đa dạng hóa trong ẩm thực, người ta cũng chế biến ra những món nước giải khát hay sinh tố với vật liệu là rau, quả, củ và hạt, có tác dụng “làm mát” như nước mát vậy.
Tại sao ta phải uống nước mát?
Về điều kiện khí hậu, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu ôn ấm ẩm thấp, thường phát bệnh thấp nhiệt. Về thói quen ăn uống, ta thích ăn đồ cay, nóng, béo, ngọt, hải đặc sản… Về phương pháp nấu nướng thường là chiên, xào, ram, nướng, quay…, có cả các gia vị cay nóng như gừng, tỏi, ớt, tiêu, hồi hương…, từ đó, chúng ta thường mắc các bệnh nóng, táo, thấp nhiệt. Cho nên, uống “nước sâm” là thói quen phổ biến trong dân gian, chẳng hạn khi bị cảm nóng thì dùng nồi xông, bát cháo giải cảm, khi “bị nóng” uống nước Cà rốt + Mía lau + Rễ tranh. Đau cổ họng uống nước Bí đao nấu đường phèn. Ho thì uống trà La hán quả. Phát sốt dùng xác Ve sầu nấu Bí đao. Gan nóng uống nước Kê cốt thảo, Bù ngót. Tiểu gắt, tiểu buốt nấu lá Mã đề, Xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hột), Rau má…
Cái nóng từ đâu ra?
Hễ “nóng” thì uống nước mát, đó là thói quen của bà con. Nói thế, cái nóng từ đâu ra? Y học cổ truyền cho rằng: “Nóng từ bên ngoài, hỏa sinh từ bên trong” . Nhiệt xâm nhập cơ thể khi làm việc, sinh hoạt trong môi trường nóng, bên cạnh việc ăn uống quá nhiều đồ cay nóng hay đồ bổ… làm cho các tạng phủ trong cơ thể mất đi cân bằng, tiêu hao âm dịch (thể dịch), nước không ức chế được hỏa, hỏa khí bốc lên.
Những ai thích hợp uống nước mát?
Uống nước mát đúng cách được quyết định bởi thể chất của từng cá nhân. Thể chất có sự khác biệt giữa khỏe và yếu, nóng và lạnh. Với đặc tính của thân thể khác nhau,thì chức năng tạng phủ, khí huyết thịnh suy và những đặc trưng của bệnh lý cũng khác nhau, dưới đây là những đặc điểm cần lưu ý:
Người bình thường: Là người cơ năng sinh lý điều hòa, thân thể cường tráng. Thường không mất cân bằng rõ rệt, mập ốm vừa phải, mập nhưng không phì, ốm có tinh thần, sắc mặt, sắc da có thể khác nhau như hơi đỏ, trắng hay đen, nhưng phải sáng bóng, mắt sáng có thần, chức năng tiêu hoá bình thường, tinh lực tràn đầy, ngủ yên giấc ít mơ, tính cách cởi mở hòa đồng, đại tiểu tiện thông. Người thể chất bình thường do chức năng điều tiết bản thân và sức đề kháng với ngoại giới mạnh, nên không dễ bị ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết bên ngoài, ít sinh bệnh. Cho dù mắc bệnh cũng hồi phục nhanh. Do vậy, người thể chất bình thường nếu bị chứng nóng, nên dùng nhiều nước mát để cơ thể lấy lại sự quân bình âm dương.
Người nóng: Là người có thể chất dương thịnh âm suy (lệch nhiều về phần dương), dáng vóc hơi gầy, mặt má ửng đỏ, miệng táo họng khô, mất ngủ, tâm phiền dễ cáu, ù tai, thường ngày vốn thích uống lạnh, đại tiện dễ khô, tiểu vàng ngắn, lưỡi đỏ rêu ít. Nếu bị cảm dễ hao thể dịch, nhiệt đọng bên trong, gây bứt rứt, sốt hâm hấp, ra mồ hôi trộm… Thể chất này phù hợp uống nước mát, nhưng khi thanh nhiệt đồng thời lưu ý điều bổ phần âm (để cân bằng thể dịch).
Người lạnh: Là người có thể chất âm thịnh dương suy (lệch nhiều về phần âm), mặt trắng không sáng, tay chân lạnh và mệt mỏi yếu sức, thở ngắn lười nói, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp hay quên, uể oải, cử động tuông mồ hôi, không chịu lạnh nóng, dễ mắc cảm, ăn ít, không làm việc bền, kinh nguyệt lượng ít (nữ), đại tiện không thành khuôn, tiểu trong dài, lưỡi dầy hay bệu. Do sức đề kháng yếu, nên dễ mắc bệnh, bệnh thường lâu lành. Thể chất này nên thận trọng khi uống nước mát.
Người béo phì: Là người mập, thể chất thuộc “tỳ hư đàm thấp” (rối loạn chức năng tiêu hóa hấp thu, người nặng nề…), Y học cổ truyền cho rằng thấp tà dễ diễn biến ra lạnh, cũng dễ hóa nóng. Thường gặp ở người béo mập, mình mẩy nặng nề, miệng khô không thích uống, đại tiện nhão, rêu lưỡi dầy nhầy. Khi mắc bệnh thường thấy ngực sườn đầy tức, ăn vào không tiêu, chóng mặt buồn nôn, tay chân nặng đau, chất thải (đại, tiểu tiện) và chất bài tiết (đàm, huyết trắng…) đục và dầm dề, bệnh thường lâu lành.
Người mập thường có 2 tình huống xảy ra:
Nếu cảm phải nhiệt tà hay thấp tà hóa hỏa phần nhiều biểu hiện ra chứng thấp nhiệt (nóng), thích hợp dùng loại nước mát thanh thấp nhiệt.
Nếu cảm phải hàn tà hay hàn thấp phần nhiều biểu hiện ra chứng hàn (lạnh), phải dùng nước ấm tán hàn, thận trọng hay không dùng được nước mát.
Phân biệt chứng hàn và chứng nhiệt như thế nào?
Nước mát chỉ thích hợp dùng cho người bệnh nhiệt. Nếu như chứng nhiệt (nóng) dùng thuốc nóng, chẳng khác nào “châm dầu vào lửa”; chứng hàn (lạnh) dùng thuốc mát thì chẳng khác nào “thêm nước đá vào nước lạnh”, bệnh tất sẽ nặng thêm! Làm thế nào phân biệt chứng nhiệt và hàn?
- Chứng nhiệt: Do cảm nhiệt tà, hay bên trong cơ thể âm hư dương kháng mà gây ra bệnh, biểu hiện là ghét nóng thích lạnh, miệng khát thích uống lạnh, mặt đỏ mắt đỏ, bứt rứt bất ổn, đàm vàng đặc, hay chảy máu cam, tiểu ngắn, đại tiện khô kết, lưỡi đỏ, rêu vàng. Vì thuộc bệnh nhiệt, việc điều trị cần dùng thảo dược thanh nhiệt giáng hỏa.
- Chứng hàn: Do cảm hàn tà, hay bên trong cơ thể dương thịnh âm suy mà gây ra bệnh, biểu hiện là ghét lạnh thích nóng, miệng nhạt không khát, sắc mặt trắng nhạt, tay chân lạnh, mệt mỏi, đàm trong loãng, tiểu trong dài, đại tiện lỏng, lưỡi bệu, rêu trắng. Vì thuộc bệnh hàn, việc điều trị cần dùng thảo dược ôn ấm tán hàn.
Chọn dùng nước mát cho từng cá nhân như thế nào?
Dùng nước mát ra sao, tùy người khác nhau. Bởi vì tuổi tác; giới tính; bệnh trạng và nghề nghiệp khác nhau của từng cá nhân, thường sẽ ảnh hưởng đến sự phát sinh, diễn biến và quá trình hồi phục sức khỏe về sau cũng khác nhau. Do vậy, chọn dùng nước mát nên căn cứ thể chất của từng người.
Tuổi tác: Trẻ con cơ thể non nớt, khí huyết chưa sung, dễ nóng dễ lạnh, một khi mắc bệnh, diễn biến thường khó lường. Vì thế, trẻ con chọn dùng nước mát thật đơn giản. Thường trẻ dưới 3 tuổi dùng ¼ liều người lớn, trẻ dưới 6 tuổi dùng 1/3 liều người lớn, trẻ trên 6 tuổi dùng ½ liều người lớn. Người cao tuổi khí huyết suy dần, sức chịu thuốc hơi yếu, chọn dùng nước mát nên tránh loại mạnh, liều dùng thì ít hơn so với người trẻ khỏe, ngưng ngay khi lành bệnh, để tránh gây tổn thương chính khí.
Giới tính: Liều dùng nước mát cho nam nữ khác biệt không lớn. Tuy nhiên, phụ nữ trong thời gian hành kinh, liều dùng không quá nhiều, quá mạnh, thời kỳ mang thai, sau khi sanh cần dùng nước mát thận trọng. Nam giới với thận là tiên thiên, khi dùng nước mát thanh nhiệt, cần lưu ý bổ thận dưỡng tinh (không mất tinh lực), nữ giới với can là tiên thiên, khi thanh nhiệt cũng chú tâm để dưỡng can (không gây mất máu).
Thể chất: Người khỏe mạnh dùng liều nhiều, người suy yếu nên dùng liều ít. Thể chất nóng chọn dùng nước mát mạnh và nhiều, thể chất lạnh nên dùng nước mát thận trọng hoặc không dùng.
Bệnh sử: Người mới bệnh, bệnh không lâu, sức lực tổn thương ít, nóng đang mạnh (tà thịnh), liều dùng có thể hơi nhiều. Bệnh đã lâu, sức lực suy giảm, liều dùng nên ítï.
Tình trạng bệnh: Người bệnh cấp tính, bệnh nặng liều dùng nên nhiều, người bệnh mạn tính, bệnh nhẹ, liều dùng nên ít.
Nghề nghiệp: Người lao động trí óc, chọn dùng nước mát sức thuốc nhẹ, người lao động tay chân nên dùng nước mát sức thuốc nặng hơn một ít.
Dùng vật dụng gì nấu nước mát tốt nhất?
Nấu nước mát với đồ sành sứ là chọn lựa tốt nhất, có 2 nguyên do: Một là đồ sành sứ tính chất ổn định, phản ứng hóa học trong quá trình nấu thuốc sẽ không ảnh hưởng đến sự phân giải và hợp thành của thuốc, hoạt chất nấu ra với chất lượng tốt nhất. Hai là đồ sành sứ tính truyền nhiệt ôn hòa, chịu nhiệt đều, giữ ấm tốt. Nấu nước mát kỵ dùng đồ kim loại như sắt, đồng, nhôm…, bởi vì trong quá trình nấu, các nguyên tố kim loại xảy ra phản ứng hóa học với các thành phần của thuốc. Điều này làm giảm hiệu quả của dược chất, thậm chí xuất hiện tác dụng độc và tác dụng phụ. Một số người do điều kiện hạn chế, dùng nồi cơm điện nấu nước mát, cách làm này không đúng.
Dùng siêu điện sắc thuốc để nấu nước mát như thế nào?
Việc phát minh siêu điện sắc thuốc có thể nói là sự kết hợp hoàn hảo giữa phương pháp nấu thuốc cổ truyền với khoa học hiện đại, nó đã cải thiện những hạn chế như : cần có người “canh lửa”, nước thuốc dâng trào, dịch thuốc dính siêu…, với ưu điểm là sắc nấu tự động, giữ ấm tự động, hiển thị đèn báo, không nấu khét, dễ tẩy rửa…, ngày càng được nhiều người ưu chuộng. Tuy vậy, trong nước mát vì thường dùng những dược thảo mang tính thanh nhiệt phát tán, cho nên, dùng siêu điện để nấu, tốt nhất chọn mức sôi nhanh, nếu không, do thời gian nấu quá dài sẽ làm giảm hiệu lực của nước mát. Ngoài ra, siêu điện tuy có chức năng giữ ấm, nhưng nước mát đã nấu tốt nhất không để trong siêu giữ ấm quá lâu, thời gian giữ ấm càng dài, làm cho sức thanh nhiệt của nước mát bị sụt giảm do chịu nhiệt nhiều.
Tại sao nước mát cần ngâm rồi mới nấu?
Trước khi nấu nước mát nên dùng nước sạch để ngâm dược liệu. Trong các thảo dược có chứa protid và tinh bột, nếu không ngâm nước sạch mà trực tiếp dùng lửa lớn để nấu, chất protid trên bề mặt dược liệu sẽ vón kết do chịu nhiệt đột ngột, tinh bột cô đặc, gây tắc nghẽn các lỗ nhỏ li ti của thảo dược, phần nước khó thấm vào, không thể phân giải những thành phần có ích bên trong thảo dược, từ đó ảnh hưởng hiệu quả của thuốc. Về thời gian ngâm: nước mát với thành phần chính là cỏ, hoa, lá nên ngâm khoảng 20 phút. Nước mát với thành phần chính là rễ, hạt, quả, củ, nên ngâm 1 giờ. Mùa nóng nhiệt độ hơi cao, dược liệu dễ hút nước mà giãn nở, thời gian ngâm ngắn hơn; mùa lạnh nhiệt độ thấp, dược liệu khô cứng, thời gian ngâm có thể lâu hơn.
Dùng nước để nấu như thế nào?
Vấn đề là dùng nước gì, dùng bao nhiêu để nấu nước mát. Thuở xưa, việc dùng nước sắc thuốc người ta đòi hỏi rất tỉ mĩ, nước dùng để sắc thuốc thang mà sách Bản thảo cương mục đề cập với hơn 43 loại nước, có nguồn từ trên trời và dưới đất! Thực tế, nước sạch, không tạp chất được cung cấp trong sinh hoạt hiện nay đều có thể dùng để nấu nước mát. Đối với việc dùng bao nhiêu để nấu, thao tác này khó đạt được chính xác, thường xếp thảo dược dưới đáy siêu, sau đó đổ nước ngập qua mặt khoảng 2-3cm (khoảng 1 lóng tay) là được. Nước mát giải cảm với thảo dược là cỏ, hoa, lá thời gian nấu nên ngắn, nước ít hơn. Ngoài ra, thảo dược liều nhỏ thì dùng nước ít (khoảng 3 chén), nước mát thanh nhiệt giải độc, trừ thấp với thảo dược liều cao và các loại như rễ, hạt, quả, củ thì thời gian nấu lâu hơn, nước dùng nhiều hơn (khoảng 4, 5 chén).
Dùng lửa để nấu như thế nào?
Dùng lửa nấu nước mát có lửa lớn và lửa nhỏ (xưa gọi vũ hỏa và văn hỏa). Thường nấu nước mát dùng lửa “trước lớn sau nhỏ”, tức trước tiên dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó dùng lửa nhỏ để duy trì trạng thái hơi sôi, để tránh nước trào ra hay nấu sệt. Nước mát giải cảm sau khi ngâm có thể dùng lửa lớn nấu, sau khi sôi dùng lửa nhỏ duy trì khoảng 15 phút thì được, bên cạnh đó trong quá trình nấu không nên thường xuyên mở nắp để khuấy trộn. Bởi vì nước mát giải cảm phần nhiều là thảo dược hương thơm chứa tinh dầu, nếu khi nấu “mở nắp” nhiều lần, các thành phần thăng hoa trong thuốc sẽ phát tán, giảm hiệu quả của thuốc. Nấu các loại nước mát khác, trước dùng lửa lớn nấu sôi, rồi nấu với lửa nhỏ, trong quá trình nấu khoảng 10 phút khuấy trộn 1 lần, mục đích để thuốc nấu đồng đều. Một khi bất cẩn để nước nấu cạn, không nên thêm nước nấu lại. Nước mát giải cảm đều có thành phần thăng hoa nhất định, thời gian nấu quá lâu, chất thăng hoa phần nhiều bị biến mất, hiệu quả giảm sút. Các loại nước mát khác tuy thành phần thăng hoa ít, nhưng một khi nấu sệt thì các thành phần hữu ích cũng bị phá hủy hoặc biến chất, cộng thêm có mùi khét, uống vào dễ gây ra buồn nôn, ói mửa.
Nước mát có thể nấu nhiều lần được không?
Tất cả nước mát đều có thể sắc lại. Một thang nước mát thường có thể sắc lại lần hai, bởi lẽ trong khi nấu trước tiên các thành phần hữu ích sẽ hòa tan trong phần nước ngấm vào các tổ chức của thảo dược, sau đó lại phóng thích ra phần nước bên ngoài của thảo dược, khi nồng độ bên trong và bên ngoài thảo dược đạt mức cân bằng, các thành phần hữu ích sẽ không phóng thích ra nữa, khi ấy chỉ có gạn lấy nước một, thêm nước mới vào nấu, thì các thành phần hữu ích mới tiếp tục phóng thích ra ngoài. Nước mát giải cảm phần nhiều chứa thành phần thăng hoa, tuy có thể “nấu lại”, nhưng thời gian nấu nên ngắn, nước thứ nhất nấu khoảng 15 phút kể từ lúc sôi, nước thứ hai nấu khoảng 10 phút kể từ lúc sôi thì được, các loại nước mát khác nước thứ nhất nấu 30 phút kể từ lúc sôi, nước thứ hai nấu 20 phút kể từ lúc sôi.
Nên uống nước mát vào lúc nào?
Về lý thuyết, uống nước mát ở giữa khoảng cách hai bữa ăn là thích hợp, tức uống vào 10 giờ sáng và 15 giờ chiều (nghĩa là ăn sau khi nước mát đã ngấm, hoặc uống nước mát sau khi thức ăn đã tiêu hóa hấp thu). Ngoài nước mát dùng thông tiểu, thường nước mát nên uống sau bữa ăn 1 giờ. Vì uống trước bữa ăn bụng đói, nước mát mang tính hàn (lạnh), đối với niêm mạc dạ dày có sự kích thích ít hay nhiều có thể gây đầy bụng, không muốn ăn… Hơn nữa uống sau bữa ăn lại có thể giảm tính kích thích đối với đường ruột, cũng có thể mượn “hơi cơm” để dẫn thuốc đi lên trên, đặc biệt thích hợp cho các bệnh thuộc phần trên cơ thể, chẳng hạn như bệnh cảm, ho, đau đầu, mất ngủ…
Cách uống nước mát ra sao?
Nước mát trị bệnh thông thường mỗi ngày dùng 1 thang, bệnh cấp tính, bệnh nặng mỗi ngày có thể dùng 2 thang, thậm chí 3 thang tùy theo lời dặn của thầy thuốc. Nước mát điều trị bệnh mạn tính hay săn sóc sức khỏe cách ngày hay 3 ngày dùng 1 thang. Cách uống nước mát tùy theo bệnh trạng mà chia ra uống 1 lần, 2 lần, nhiều lần.
Uống 1 lần: Cả thang sau khi nấu xong 1 lần uống sạch, sức thuốc sẽ lớn và mạnh, khống chế cơn bệnh, thích hợp dùng cho bệnh cấp tính, bệnh nặng.
Uống 2 lần: Sau khi nấu chia 2 lần uống. Thích hợp dùng cho các bệnh thông thường.
Uống nhiều lần: Sau khi nấu xong chia uống nhiều lần với liều nhỏ, không gò bó thời gian. Thích hợp dùng cho người bệnh hầu họng và mồm miệng.
Nước mát nên uống ấm hay uống nguội?
Người xưa từng nói: “Thuốc bổ uống ấm, thuốc mát uống nguội”. Nước mát dùng trị bệnh thông thường nên uống ấm, uống ấm là uống lúc không nóng không nguội sau khi nấu. Vừa giúp giảm nhẹ tác dụng phụ và phản ứng xấu của một số thảo dược, vừa giúp giảm nhẹ sự kích ứng đối với đường ruột. Tuy nhiên, một số bệnh cấp tính, bệnh nặng mang tính nóng như viêm amiđan, viêm phổi, viêm nhiễm đường tiểu… xảy ra sốt cao thì thích hợp uống nguội. Uống nguội là uống lúc không còn nóng sau khi nấu. Thực tế, bất kể uống ấm hay uống nguội đều phải căn cứ theo bệnh trạng cơ thể.
Uống nước mát có kiêng ăn không?
Kiêng ăn, tức trong thời gian uống nước mát thì không ăn một số thức ăn nào đó. Sở dĩ người ta uống nước mát, là mượn tính mát của thảo dược để tẩy trừ cái nóng trong cơ thể, nói thế tức thảo dược có tính hàn nhiệt, mới chỉnh đốn được những thiên lệch nóng – lạnh của cơ thể. Thức ăn cũng mang tính nóng và mát, do vậy, trong thời gian uống nước mát nên lưu ý kiêng khem trong ăn uống, làm cho thảo dược và thức ăn tương thích nhau, giúp ích cho việc hồi phục sức khỏe.
Trong thời gian uống nước mát, nên kiêng các thức ăn khó tiêu và mang tính kích thích như đồ cay, nóng, béo, tanh. Ngoài ra, tùy bệnh trạng khác nhau, kiêng ăn cũng khác nhau. Chẳng hạn người nóng sốt kiêng thức ăn cay nóng, mỡ, chiên, nướng như gà,vịt quay, thịt cầy, thịt phá lấu. Người bệnh cao huyết áp và cao mỡ máu kiêng ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, rượu và thuốc lá. Người mắc chứng can nóng chóng mặt hoa mắt, phiền táo dễ tức giận… kiêng thức ăn cay nóng như tiêu, ớt, rượu trắng, tỏi, hành. Người bệnh tiểu đường kiêng ăn trái cây ngọt, thức ăn giàu đường, nhiều tinh bột. Người bệnh trĩ, ngoài da kiêng thức ăn tanh và thức ăn cay nóng gây kích thích như tôm, cua, cá nước mặn, thịt cầy, thịt bò, măng… Người có đường ruột yếu kiêng các thức ăn khó tiêu như khoai môn, đậu phộng, ốc, sò, nghêu. Người đàm nhiều kiêng thức ăn quá ngọt và béo. Người bệnh cảm kiêng thức ăn như gà, ngỗng, ba ba, thịt dê. Người mắc bệnh sỏi kiêng ăn bó sôi, quả hồng và ít uống nước giàu chất khoáng. Người mất ngủ do hỏa bốc trước khi ngủ kiêng thức uống gây hưng phấn như trà đậm, càphê. Điều đáng nói xứ ta trái cây nhiệt đới dồi dào, trong thời gian uống nước mát đối với một số trái cây mang tính nóng như vải, nhãn, sầu riêng cũng nên tránh.
Ngoài các cách nấu nước mát kể trên còn một cách khác để có món nước mát tuyệt vời, đảm bảo giá trị nguyên chất, bổ sung các sinh tố vi lượng cần thiết cho cơ thể theo yêu cầu phòng bệnh hay chữa bệnh. Đó chính là dùng trực tiếp nước cốt tươi của dược liệu, rau quả sạch bằng cách sử dụng máy xay sinh tố hoặc máy ép. Nơi không có điện thì dùng cối giã rồi ép lấy nước cốt tươi.
Theo kinh nghiệm dân gian ta mỗi khi thấy cơ thể nóng thì uống nước rau má; tiểu gắt, tiểu buốt thì uống nước rễ tranh, râu ngô… Nước mát giải nhiệt đã đi vào đời sống của nhân dân ta vì ra chợ thì có thể mua được một bó Rễ tranh, Mã đề, Mía lau… Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin giới thiệu một số cây thuốc, vị thuốc và rau, củ, quả làm nước mát để giải nhiệt trong mùa nóng và một số bài thuốc có các vị thuốc ấy trong việc phòng và trị bệnh.