TIẾT LỘ BỆNH TẬT QUA MỒ HÔI
Bs Nguyễn Trương Minh Thế
Giảng viên Khoa YHCT – ĐH Y Dược Tp. HCM
Hệ thống tuyến mồ hôi của con người bao gồm tuyến mồ hôi nước, tuyến mồ hôi dầu và tuyến nhờn. Trong đó, tuyến mồ hôi nước hiện diện khắp vùng da trên cơ thể, nó tiết ra nước ngay tại những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da, mục đích chính là để điều hòa thân nhiệt. Khi thời tiết nóng bức, con người vận động nhiều sẽ khiến cho mồ hôi tiết ra đủ để giảm bớt nhiệt lượng và làm mát cho cơ thể. Tuyến mồ hôi nước được hình thành từ khi còn trong bào thai, đến lúc em bé ra đời nó mới bắt đầu hoạt động. Nó được điều khiển bởi hệ thống thần kinh thực vật của con người và thường tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân. Còn tuyến mồ hôi dầu tập trung ở một số vùng như nách, quầng vú, bẹn, quanh rốn, có ống dẫn ra tại các nang lông để tiết chất dầu nhằm nuôi dưỡng, giữ thông thoáng cho nang lông.
Việc tiết mồ hôi là hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên thông qua mồ hôi cũng cảnh báo sớm cho chúng ta nhiều nguy cơ sức khỏe.
BẤT THƯỜNG VỀ LƯỢNG MỒ HÔI
Không có mồ hôi
Toàn bộ tuyến mồ hôi của cơ thể mỗi ngày có thể tiết ra 500-700 ml dịch, tùy thuộc vào thời tiết, trạng thái hoạt động hay nghỉ ngơi...và có thể tiết đến 3 lít mồ hôi nếu bị kích thích tối đa.
Khi mồ hôi không bài tiết, cơ thể không tự làm mát được, có thể dẫn đến say nắng và nhiều hệ lụy khác, nhất là khi thời tiết nóng nực. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh không bài tiết mồ hôi (anhidrosis) bao gồm rất ít hoặc không hề ra mồ hôi, chóng mặt, đau cơ hay yếu cơ, cảm giác nóng bức, khó chịu. Bệnh có thể phát triển riêng hoặc đi kèm theo một số rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh thần kinh hoặc bệnh vẩy nến. Nếu không đổ mồ hôi, thậm chí cả khi trời nóng hoặc làm việc nặng nhọc hay tập thể dục cường độ cao sẽ tạo ra hiện tượng suy nhược cơ thể, buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh, da khô, nổi mụn trên da.
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho mồ hôi không bài tiết như tổn thương thần kinh thực vật, mắc Hội chứng Ross*, một rối loạn thần kinh ngoại biên, mắc bệnh tiểu đường, nghiện rượu, mắc bệnh Parkinson, mắc chứng rối loạn chuyển hóa hiếm gặp, như bệnh Fabry hay Hội chứng Horner. Hoặc là các thương tích da, nhất là khi bị bỏng nặng, có thể gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi của cơ thể. Do thuốc chữa bệnh, kể cả một số thuốc về tim mạch, huyết áp, kiểm soát bàng quang, buồn nôn và tình trạng tâm thần.... Ngoài ra còn do các yếu tố khác như mất nước, do tuổi tác, rối loạn về da hoặc bất thường di truyền.
Một khi xuất hiện các dấu hiệu nói trên bệnh nhân nên ghi lại các diễn biến, kể cả các loại thuốc đang dùng và đến bệnh viện. Bác sĩ có thể khuyến cáo làm một số xét nghiệm như test xạ trục tiết mồ hôi định tính (QSART hoặc QSWEAT), test dấu ấn mồ hôi (Silastic sweat imprint) đo giới hạn phân bố mồ hôi, test mồ hôi điều nhiệt (Thermoregulatory sweat test) đo lượng mồ hôi tiết ra trên toàn cơ thể, cuối cùng là sinh thiết da. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi thư giãn, uống nước trái cây mát hoặc đồ uống thể thao, kết hợp điều trị hiện tượng kiệt sức vì nóng hoặc say nắng.
Tăng tiết mồ hôi
Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi, trong đó thường gặp nhất là tăng tiết mồ hôi ở người trẻ tuổi hay vị thành niên, xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều.
Tăng tiết mồ hôi thường xảy ra ở tay hoặc chân. Với những người này, có sự rối loạn trong hệ thần kinh thực vật, gây cường thần kinh giao cảm, tạo nên sự rối loạn trong tiết mồ hôi, còn gọi là tăng tiết mồ hôi nguyên phát.
Một nhóm nguyên nhân tăng tiết mồ hôi khác gọi là tăng tiết mồ hôi thứ phát, nghĩa là xảy ra sau một bệnh khác của cơ thể. Loại này thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân. Các bệnh gây nên tăng tiết mồ hôi thường là:
-
- Cường giáp
Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hóc môn tuyến giáp lưu thông trong cơ thể. Các triệu chứng của cường giáp thường biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn sau của bệnh. Theo các nhà khoa học, cường giáp làm tăng tốc độ chuyển hóa của cơ thể, do đó dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi quá mức.
-
- Ung thư
Một số loại ung thư (bạch cầu, ung thư xương, ung thư gan…) đôi khi có thể là nguyên nhân gây đổ mồ hôi. Mặc dù các nhà khoa học chưa hiểu rõ vì sao một số bệnh ung thư lại gây đổ mồ hôi, nhưng họ giả định, đó là cách cơ thể cố gắng để chống lại bệnh ung thư.
Do đó, khi thấy có những bất thường tăng tiết mồ hôi kèm theo những triệu chứng chảy máu, đau, sốt kéo dài…thì bệnh nhân nên đi đến bệnh viện để kiểm tra.
-
- Rối loạn đường huyết
Rối loạn kiểm soát đường huyết bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là một trong những nguyên nhân gây đổ mồ hôi, khi nồng độ glucose trong máu hạ thấp.
-
- Mang thai hoặc Mãn kinh
Sự thay đổi nồng độ estrogen gây ra các triệu chứng nóng bừng và đổ mồ hôi ở nhiều phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh.
-
- Hội chứng mạch vành cấp
Sau gắng sức hoặc kích động về cảm xúc, bệnh nhân đột ngột vả mồ hôi, đau ngực như bóp nghẹt, đè nặng kéo dài vài phút hoặc lâu hơn … phải được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện.
-
- Bệnh truyền nhiễm
Bệnh lao: Những bệnh nhân này thường ra nhiều mồ hôi vào ban đêm hơn người bình thường, kết hợp chán ăn, ho, sốt về chiều, sụt cân….
Bệnh HIV: Khoảng một nửa số người bị đổ mồ hôi đêm trong giai đoạn đầu nhiễm HIV. Tương tự như tình trạng bốc hỏa xảy ra với phụ nữ mãn kinh. Tình trạng này có thể xảy ra nhiều hơn sau này khi bị nhiễm trùng, không liên quan đến tập thể dục hoặc nhiệt độ của căn phòng.
-
- Bệnh béo phì
Những người béo phì thường có thân nhiệt cao hơn người có cân nặng bình thường, bởi vì lượng mỡ dưới da của họ quá dày. Điều này có nghĩa là so với những người có trọng lượng trung bình thì người béo phì có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn không chỉ khi họ hoạt động thể chất mà kể cả khi nghỉ ngơi. Vì vậy, những người béo phì nên chọn một chế độ ăn kiêng giảm cân để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
BẤT THƯỜNG VỀ VỊ TRÍ TIẾT MỒ HÔI
Mồ hôi trán
Hiện tượng trán ra mồ hôi đơn thuần, nếu không kèm theo triệu chứng gì thì là bình thường. Nếu là người bị bệnh nặng, mồ hôi trán vã ra không ngừng biểu hiện bệnh đang tiến triển xấu đi, phải cảnh giác. Đột nhiên xuất hiện một bên trán ra mồ hôi thường là biểu hiện xơ vữa động mạch, hoặc u chèn ép hạch giao cảm.
Mồ hôi mũi
Cho thấy tình trạng miễn dịch đang khá thấp, cần phải tăng cường khả năng miễn dịch
Mồ hôi ở phần cổ
Tuyến mồ hôi phân bố rất ít ở vùng cổ, cho nên rất ít người bị ra mồ hôi ở cổ. Nếu thường xuyên ra mồ hôi ở cổ có thể có liên quan tới sự mất cân bằng của nội tiết của cơ thể.
Mồ hôi ngực
Mồ hôi ra nhiều ở ngực chủ yếu là những người hoạt động trí óc nhiều, thường kèm theo các triệu chứng như tinh thần thường xuyên mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay mơ…Nguyên nhân do tuần hoàn máu quá chậm, vận chuyển dưỡng khí không thông suốt.
Nách
Dưới cánh tay là nơi tuyến mồ hôi phân bố khá nhiều, cho nên dễ có mồ hôi. Nhưng nếu mồ hôi quá nhiều, lại còn nặng mùi nữa, có thể do thức ăn (tỏi, hành tây…) hoặc do vi khuẩn sinh mùi làm tổn thương các tuyến tiết…
Mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân
Do tinh thần thường xuyên căng thẳng, hay bị kích động, sợ hãi…làm ảnh hưởng đến thần kinh thực vật.
Mồ hôi ở lưng
Có rất ít tuyến mồ hôi phân bố ở lưng cho nên khi ra mồ hôi ở lưng chứng tỏ cơ thể bị mất cân bằng do suy nhược, mệt mỏi kéo dài.
BẤT THƯỜNG VỀ MÀU SẮC MỒ HÔI
Hiện tượng mồ hôi tiết ra có thể bắt màu xanh, đen, đỏ nhưng phổ biến là màu vàng, do trong mồ hôi có nhiều chất tạo sắc tố, lúc gặp ánh mặt trời bị oxy hoá và đổi màu. Đây là một hiện tượng rối loạn chức phận tiết mồ hôi kèm theo rối loạn chuyển hóa một số chất trong thành phần mồ hôi. Nguyên nhân và cơ chế của hiện tượng này hiện nay y học vẫn chưa giải thích được rõ ràng. Có nhiều tác giả cho là do nguyên nhân rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh giao cảm, tác hại của một số nấm, vi khuẩn, ký sinh trên da.
Ra mồ hôi màu tuy không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ nhưng thường gây phiền phức và gây mùi khó chịu (hôi nách) ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân trong quá trình tiếp xúc với xã hội.
BẤT THƯỜNG VỀ MÙI
Mồ hôi có mùi khai
Nếu mồ hôi đột nhiên có mùi lạ và khai, có thể bệnh nhân đang bị nhiễm độc chất urat. Quá trình nhiềm độc này xảy ra khi bị rối loạn chuyển hóa chất urat trong cơ thể. Chất urat vốn có nhiều trong thức ăn, trong các chất protein. Khi cơ thể bị nhiễm độc, thận không kịp đào thải qua đường nước tiểu, chất này sẽ ứ lại trong máu, và thoát ra đường mồ hôi, dẫn đến mồ hôi có mùi khai như nước tiểu.
Mồ hôi có mùi thơm
Mồ hôi có mùi thơm thường thấy ở người bị tiểu đường khi có nhiễm độc aceton.
Mồ hôi tanh mùi cá ươn
Những thực phẩm giàu cholin (lòng đỏ trứng, gan, cá biển - nhất là cá sụn, đậu...) khi vào đại tràng sẽ phân giải thành Trimethylamine (TMA) - một hợp chất có mùi tanh cá. Nhờ enzym flavin chứa monooxygenase 3 (FMO3), TMA bị phân hủy thành chất không mùi. Một số ít người bị thiếu enzym FMO3 nên chất TMA còn lại theo đường máu đi khắp cơ thể và thải ra ngoài làm cho hơi thở, nước tiểu, mồ hôi bốc mùi tanh như cá ươn. Một số trường hợp có tính di truyền.
Chú thích:
* Hội chứng Ross là sự kết hợp cường đồng tử (đồng tử hai bên không cân đối nhau (anisocoria). Đồng tử bị tổn thương thường giãn rộng hơn ở bên mắt lành khi ở chỗ sáng nhưng vào chỗ tối mờ mờ thì có thể thu nhỏ hơn. Phản xạ ánh sáng ở mắt cường đồng tử giảm hoặc mất) với không tiết mồ hôi từng phần hoặc giảm tiết mồ hôi.