CÂY NHÀU

CÂY NHÀU

CÂY NHÀU

CÂY NHÀU

CÂY NHÀU
CÂY NHÀU
Chi tiết bài viết

                                     CÂY NHÀU

Lương y Nguyễn Công Đức

Nguyên Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM

 

 

 

 

Tên khác: Nhàu núi, Nhàu rừng, nhàu lớn
Tên khoa học: Morinda Citrifolia L. Họ Cà phê (Rubiaceae)
Tên nước ngoài: Great Morinda, Indian Mulberry, Nunaakai (India) Mengkudu (Malaysia)

Mô tả: Cây gỗ đứng, cao 4-8m. Cành non màu xanh, vuông, có rãnh, nhẵn, cành già tiết diện tròn, màu nâu xám. Lá đơn, mọc đối, phiến lá to hình bầu dục hai đầu thuôn nhọn, dài 15-30cm, rộng 10-15cm. Lá màu xanh bóng đậm ở mặt trên, mặt dưới nhạt hơn. Bìa lá dợn sóng ít, gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 6-7 cặp gân phụ. Cuống lá 1-2cm. Lá kèm nằm giữa 2 lá mọc đối, hình xoan cao 1-2cm màu xanh nhạt. Hoa trắng,  hợp thành đầu đường kính 2,5cm. Quả nạc gồm nhiều quả mọng nhỏ màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau, chứa mỗi cái 2 hạch có 1 hạt. Hạt có phôi nhũ cứng.

Nơi sống và thu hái: Cây của vùng nhiệt đới thuộc châu Á và Châu Úc, còn phân bố ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam cây mọc hoang khắp nơi, cũng có khi được trồng. Cây thích nơi đất ẩm, gần nước, có nhiều ở miền Nam, gần đây còn thấy ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Ra hoa quanh năm, nhiều nhất là tháng 11-2, cho quả tháng 3 – 5.
Bộ phận dùng: Rễ, quả, lá và vỏ cây (Radix, Fructus, Folium et Cortex Morindae Citrifoliae)

Thành phần hóa học:
Lignans, polysaccharides, flavonoids, iridoids, acid béo, scopoletin, catechin, beta-sitosterol, damnacanthal, alcaloids. Rễ chứa moridin là một anthraquinoic kết tinh thành tinh thể hình kim, màu vàng cam, tan trong nước sôi và các chất kiềm, ít tan trong nước lạnh, không tan trong ether. Ngoài ra còn có 1-metoxyrubiazin, modion, alizarin và 1-oxy-2,3 dimetoxy anthraquinon. Lá cũng có moridin. Năm 1982, tác giả Đàm Trung Bảo (Đại học Dược Hà Nội) cho biết trong Nhàu có nhiều Selenium.

Tác dụng dược lý – công dụng:
Rễ Nhàu:     Dùng chữa tăng huyết áp, nhức mỏi tay chân và đau lưng, sài uốn ván. Nhân dân dùng rễ nhuộm đỏ vải, lụa.
Lá Nhàu:    Dùng chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt và dùng nấu canh ăn cho bổ hoặc hầm với lươn ăn bổ thận. Dùng ngoài giã đắp làm lành vết thương, vết loét, làm chóng lên da non. Giã nhuyễn lá tươi đắp nơi bị viêm khớp, đau nhức.
Vỏ thân:    Nấu nước cho phụ nữ uống sau khi sinh uống cho bổ.
Quả Nhàu:    - Quả chín ăn cho dễ tiêu hóa, làm thuốc điều kinh, hạ áp.
- Quả già: Nướng chín ăn chữa kiết lỵ, ho hen, cảm. Dùng tốt cho người bệnh tiểu đường típ 2, phù thũng.
- Quả non: Thái nhỏ phơi khô có tác dụng như rễ. Quả tươi giã nhuyễn đắp lên mụn cóc băng kín, ngày thay 2-3 lần làm mụn cóc rụng.
Liều dùng: Rễ cây 30-40g, lá tươi 20-30g.

Đơn thuốc có Nhàu:
1. Tăng huyết áp: Dùng 30-40g rễ Nhàu khô sắc với 1 lít nước sôi 20 phút, uống hàng ngày, sau 15 ngày huyết áp sẽ ổn định. Dùng liên tục 2 tháng, sau đó giảm liều, có thể nấu thành cao lỏng để dành uống dần.
2. Trị đau lưng, nhức mỏi tay chân: Rễ nhàu hay quả Nhàu non thái nhỏ 100g. Chuối sứ phơi khô nướng vàng 2 mặt 10 trái, ngâm với 1 lít rượu ngon. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (30ml) trước khi ăn.
3. Trị ho ra máu: Rễ Nhàu 40g, Thiên môn 20g, Mạch môn 20g, Bách bộ 20g. Nấu với 1 lít nước còn nửa lít chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc nấu cao lỏng tỷ lệ 1-1 rồi pha với mật ong (nửa liều cao lỏng) để dành uống dần. Dùng liên tục 3 tháng. Nếu lao phổi thì phối hợp điều trị với thuốc Tây sẽ tăng tác dụng và nhanh khỏi bệnh.
4. Bài thuốc bào chế từ trái Nhàu chín
Nguyên liệu:     

- Trái Nhàu chín không bị dập nát, hư thối, rửa sạch 1 kg.
- Đường cát                  200g
- Rượu trắng 40 độ     200ml
Cách làm:     Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn trái Nhàu chín luôn cả hạt. Cho 200g đường cát vào trộn đều, để vào lọ thủy tinh đậy kín, ủ 5 ngày đêm, cho thêm 1200ml rượu trắng vào trộn đều, ép lấy nước cốt Nhàu cho vào chai thủy tinh sạch để dành dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh (5ml) sau khi ăn. Nếu không uống được rượu thì pha loãng với nước chín.
Chủ trị:    Tăng huyết áp, mất ngủ, táo bón, đau lưng, nhức mỏi tay chân, gout, kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới.

 

KINH NGHIỆM DÂN GIAN
1.    Chấn thương phần mềm (bầm, bong gân, trật khớp, tụ huyết, sưng đau): Dùng trái nhàu chín bẻ đôi thoa lên vết bầm, sau đó bóp nát bỏ hột,  đắp vào vết bầm bó lại, 1 ngày thay 2 lần. Sau 2 ngày các triệu chứng đã giảm.
2.    Ong đánh: Dùng trái nhàu chín bẻ đôi thoa lên vết ong đánh, ngày 3, 4 lần.

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top