NHỮNG CÂY THUỐC HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BỆNH GAN (2)
1. THỔ PHỤC LINH 土茯苓 (CỦ CUN, KHÚC KHẮC, KIM CANG)
Xuất xứ: Dùng thân rễ cây Thổ phục linh Smilax glabra Roxb. Họ Bách hợp.
Phân bố: Mọc ở sườn núi có cỏ, ven rừng, dưới rừng thưa, giữa các cây bụi.
Thu hái, bào chế: Thu hái mùa hè thu, bỏ bùn cát, rửa sạch, nhân lúc còn tươi cắt lát, phơi khô. Khi dùng rửa sạch, cắt vụn.
Tính năng: Ngọt, nhạt, bình. Có tác dụng trừ thấp, giải độc, lợi các khớp. Liều dùng: 15 – 60g.
NGHIỆM PHƯƠNG
Viêm gan thể hoàng đản:
Bài 1: Thổ phục linh 30g; Chi tử, Xa tiền thảo đều 15g, Hổ trượng căn 10g. Nấu nước uống.
Bài 2: Thổ phục linh 15g, Hoàng bá, Hoàng cầm đều 10g. Nấu nước uống.
Bài 3: Thổ phục linh, Kim anh tử, Bán biên liên đều 60g. Nấu nước uống.
Bài 4: Thổ phục linh 30g, Nhân trần hao 15g. Nấu nước uống.
2. MÃ TIÊN THẢO 马鞭草 (CỎ ROI NGỰA)
Xuất xứ: Dùng toàn cây Mã tiên thảo Verbena officinalis L. Họ Mã tiên thảo.
Phân bố: Mọc ở vùng đồng cỏ thoáng đãng, ven làng, ven đường, ven ruộng, ven suối, ven rừng.
Thu hái, bào chế: Thu hái vào tháng 6 – 8 lúc ra hoa, bỏ hết tạp chất, rửa sạch, cắt ngắn, phơi khô.
Tính năng: Đắng, mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, hoạt huyết tán ứ.
Liều dùng: 15 – 30g.
Cấm kỵ: Phụ nữ có thai cấm dùng.
NGHIỆM PHƯƠNG
1. Hoàng đản do thấp nhiệt:
Bài 1: Mã tiên thảo, Xa tiền thảo đều 30g. Nấu nước uống.
Bài 2: Mã tiên thảo tươi 60g. Nấu nước hòa thêm đường uống. Đau vùng gan thì thêm Sơn tra 10g cùng nấu uống.
Bài 3: Mã tiên thảo tươi 50g. Nấu nước uống, uống liên tục 3 – 5 ngày.
Bài 4: Mã tiên thảo, Nhân trần đều 30g, Cam thảo 3g. Nấu nước uống.
2. Viêm gan hoàng đản, xơ gan bụng trướng nước:
Mã tiên thảo, Xa tiền thảo, Kê nội kim đều 15g. Nấu nước uống.
3. Xơ gan và bụng trướng nước:
Bài 1: Mã tiên thảo 50g. Nấu nước uống, uống liên tục 10 ngày là 1 liệu trình.
Bài 2: Mã tiên thảo 30g, Đan sâm đều 15g, có bụng trướng nước gia Bán biên liên, Bạch mao căn đều 30g, có chảy máu cam gia Đơn bì, Chi tử đều 15g. Nấu nước uống, uống liên tục 15 ngày là 1 liệu trình.
4. Viêm gan mạn tính:
Bài 1: Mã tiên thảo 60g. Nấu nước uống.
Bài 2: Mã tiên thảo 15g, Long đởm thảo 30g. Nấu nước uống.
3. HỎA THÁN MẪU 火炭母 (THỒM LỒM)
Xuất xứ: Dùng toàn cây của cây Hỏa thán mẫu Polygonum Sinense L. Họ Rau răm (Polygonaceae)
Phân bố: Mọc ở nơi đất bằng có cây bụi, ven suối, ven sông, ven vườn, ven đường núi, ven rừng, trong rừng thưa nơi thung lũng.
Thu hái, bào chế: Thu hái vào mùa hè thu, bỏ hết tạp chất, rửa sạch, chặn ngắn, phơi khô.
Tính năng: Hơi chua, sáp, hơi mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc.
Liều dùng: 15 – 30g.
NGHIỆM PHƯƠNG
1. Hoàng đản thể thấp nhiệt:
Hỏa thán mẫu, Kê cốt thảo đều 30g. Nấu nước uống.
2. Viêm gan thể hoàng đản:
Bài 1: Hỏa thán mẫu 30g, Nhân trần hao 15g, Hoàng bá, Cam thảo đều 10g. Nấu nước uống.
Bài 2: Hỏa thán mẫu căn 30g, Rau má 60g, thịt nạc heo 100g. Nấu nước uống.
Bài 3: Hỏa thán mẫu, Kim tiền thảo đều 30g. Nấu nước uống.
Bài 4: Hỏa thán mẫu, Diệp hạ châu đều 30g, Chi tử 15g. Nấu nước uống.
4. XA TIỀN THẢO 車前草 (MÃ ĐỀ)
Xuất xứ: Dùng toàn cây Mã đề Plantago asiatica L. Họ Mã đề.
Phân bố: Mọc ở ven đường, ven lạch nuớc, ruộng ẩm ướt, vùng cỏ mọc, ven vườn, ven làng xóm.
Thu hái, bào chế: Thu hái vào mùa hè thu, bỏ tạp chất, rửa sạch, chặt ngắn, phơi khô.
Tính năng: Ngọt, nhạt, lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, trấn khái khử đàm.
Liều dùng: 10 – 30g.
Cấm kỵ: Không có thấp nhiệt và phụ nữ có thai không dùng.
NGHIỆM PHƯƠNG
1. Viêm gan cấp tính thể hoàng đản ở trẻ em:
Xa tiền thảo 15g, Nhân trần hao 10g. Nấu nước uống.
2. Viêm gan cấp tính thể không có hoàng đản:
Xa tiền thảo, Phượng vĩ thảo đều 30g. Nấu nước hòa với đường cát trắng uống, hoặc Xa tiền thảo tươi 100g, rửa sạch giã vắt lấy nước uống.
3. Viêm gan thể có hoặc không có hoàng đản, xơ gan bụng trướng nước:
Xa tiền thảo 30g, Nhân trần hao, Thổ phục linh đều 15g, Chi tử, Hoàng bá, Bạch truật đều 10g, Mẫu đơn bì 6g. Nấu nước uống.
4. Viêm gan:
Bài 1: Xa tiền thảo, Mặc hạn liên, Hổ trượng căn đều 15g. Nấu nước uống.
Bài 2: Xa tiền thảo tươi, Chi tử 10g. Nấu nước uống.
5. MỘC HỒ ĐIỆP CĂN 木蝴蝶根 (CÂY NÚC NÁC)
Xuất xứ: Dùng rễ hoặc vỏ thân của cây Mộc hồ điệp Oroxylum indicum (L. ) Vent. Họ Tử uy.
Phân bố: Mọc ở rừng thưa trên núi, ven lạch nước, ven đường và vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới ở trong rừng, ven sông
Thu hái, bào chế: Thu hái vào mùa hè thu, cạo bỏ vỏ ngoài, thái phiến, phơi khô. Khi dùng rửa sạch, cắt vụn.
Tính năng: Hơi đắng, ngọt, mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc.
Liều dùng: 10 – 15g.
NGHIỆM PHƯƠNG
1. Viêm gan mạn tính và viêm gan thể không có hoàng đản:
Mộc hồ điệp căn 30g, thịt bò 100g. Nấu ăn. Dùng liên tục 5 – 7 ngày.
2. Viêm gan:
Bài 1: Vỏ thân núc nác 15g. Nấu nước uống.
Bài 2: Vỏ thân núc nác , Kê cốt thảo đều 15g. Nấu nước uống.
Bài 3: Vỏ thân núc nác, Nhân trần hao, Chi tử căn đều 15g, Kim tiền thảo 30g. Nấu nước uống.