Đông Dược Công Đức

kiến thức đông y ; phòng đông y quận 2 ; mỹ phẩm đông y ; thuốc thiên nhiên đông dược công đúc

sách về thuốc đông y ,cây thuốc đông y , bài thuốc đông y, thưc phẩm chức năng , sách y học đông y ,

Đông Dược Công Đức

Đông Dược Công Đức
Đông Dược Công Đức
Chi tiết bài viết

 

- DẠ ĐỀ 夜啼
Chứng trẻ em khóc đêm. Ban ngày thì trẻ yên tĩnh, đến đêm trẻ khóc liên tục không dứt, nặng thì khó đi vào giấc ngủ, trời sáng mới dần yên tĩnh lại. Nguyên nhân do thần khí chưa sung mãn hoặc Tâm hỏa bốc lên gây ra bệnh.
- DẠ MANH 夜盲
Chứng quáng gà. Là chứng bệnh đến đêm hoặc đi vào chỗ tối thì không thấy rõ vật. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Vị suy yếu dẫn đến Can huyết hư hoặc Thận âm bất túc gây nên. Còn gọi là Kê manh, Tước mục.
- DẠ THẤU 夜嗽
Ban đêm ho liên tục, ban ngày thì giảm. Chứng này kèm có miệng đắng, hông sườn đau, ăn không biết ngon… Nguyên nhân phần lớn do Thận âm khuy tổn, hư hỏa bốc lên gây ra bệnh.
- DẠNG PHONG 痒风
Tình trạng ngứa ngoài da mà da không bị tổn hại. Đột nhiên phát ngứa, về đêm ngứa tăng, ngứa đến độ phải gãi, gãi đến khi rách da chảy máu, để lại vết trầy xước do gãi. Nguyên nhân do thấp nhiệt uất ở ngoài da, làm cho da không lưu thông mà phát bệnh.
- DAO CHÂM 摇针
Thủ pháp châm cứu. Sau khi châm kim vào cơ thể. Một tay thầy thuốc cố định huyệt vị nơi có kim châm, tay còn lại lay động thân kim để kích thích. Còn gọi là Diêu châm.
- DÂM 淫
➊ Bệnh tà. Như Lục dâm ➋ Tràn đầy, dầm ngấm, phân bố. ❸ Nghịch loạn, nhiễu loạn ❹ Tên gọi tắt của chứng Bạch dâm.
- DẪN CHÂM 引针
Thao tác rút kim. Sau khi châm thích đủ thời gian quy định, một tay đặt cố định lên huyệt vị, một tay cầm chuôi kim vừa xoay vừa rút từ từ kim ra khỏi cơ thể. Còn gọi là xuất châm, bài châm, bạt châm.
- DẪN HỎA QUY NGUYÊN 引火归原
Phương pháp chữa hư hỏa ở Thận bốc lên. Triệu chứng biểu hiện là trên nóng dưới lạnh, sắc mặt đỏ bừng, choáng váng, ù tai, miệng lưỡi lở loét, đau răng, lưng gối đau mỏi, hai chân lạnh, lưỡi bệu, đỏ, mạch hư.
- DẪN KINH BÁO SỨ 引经报使
Dùng một số dược vật có tác dụng đưa các vị thuốc khác đến vị trí gây bệnh, giống như vai trò hướng đạo. Bệnh ở kinh Thái dương dùng Khương hoạt, Phòng phong để dẫn; Kinh Dương minh dùng Thăng ma, Cát căn, Bạch chỉ để dẫn; Kinh Thiếu dương dùng Sài hồ để dẫn; ở kinh Thái âm dùng Thương Truật để dẫn; Kinh Thiếu âm dùng Độc hoạt để dẫn; Kinh Quyết âm dùng Tế tân, Xuyên khung, Thanh bì để dẫn. Mục đích là để tăng cường hiệu quả điều trị.
- DẬT ẨM 溢饮
Một loại ẩm chứng. Tình trạng chứng thủy dịch ứ đọng tại các tổ chức dưới da và cơ nhục. Chứng thấy đau khắp người, chân tay phù thũng nặng nề, có khi kèm có ho suyễn.
- DẬT GIẢ HÀNH CHI 溢者行之
Phương hướng điều trị. Dật: Ý nói khí huyết nghịch loạn; Hành: Ý nói điều lý khí huyết, khôi phục lại mức bình thường. Thí dụ: Can khí hoành nghịch, hai bên sườn đau như dùi đâm, nên dùng phép sơ Can, làm cho Can khí lưu thông, chứng đau hông sườn sẽ khỏi.
- DẬT HUYẾT 溢血
Hiện tượng máu không lưu thông trong mạch máu mà tràn ra ngoài cơ thể qua đường miệng, mũi. Biểu hiện bằng các chứng xuất huyết như: Khái huyết, Lạc huyết, Thổ huyết, Nục huyết…
- DẬT NHŨ 溢乳
Hiện tượng ọc sữa. Do trẻ bú sữa quá no làm cho sữa theo đường miệng tràn ra ngoài.
- DI ĐỘC 遗毒
Do cha mẹ bị mắc bệnh Giang mai làm ảnh hưởng đến bào thai. Trẻ sau khi sinh ra vùng da toàn thân đỏ hồng, nổi mẩn to, mủ máu dầm dề, lở loét, vùng da thịt tại chỗ thối rữa. Tức là chứng mai độc bẩm sinh.
- DI CHỈ 移指
Một trong những phương pháp bắt mạch. Tức dùng ngón tay trỏ di chuyển để tìm mạch, ngón tay giữa và ngón tay áp út giữ nguyên vị trí để xách định vị trí của thốn, quan, xích, đồng thời tìm sự biến hóa của mạch.
- DI NỊCH 遗溺
Tức Di niệu.
- DI NIỆU 遗尿
Tình trạng tiểu tiện không tự chủ, hoặc do ngủ mê đái dầm. Bệnh thường gặp ở trẻ em.
- DI PHÁT 颐发
Tức Phát di.
- DI TIẾT 遗泄
Còn gọi là Di tinh.
- DI TINH 遗精
Bệnh danh. Đêm ngủ nằm mộng thấy có giao hợp với phụ nữ mà xuất dinh, gọi là mộng tinh. Ban ngày không mộng mà tinh xuất ra gọi là Hoạt tinh. Khi đi tiểu tinh theo nước tiểu mà ra, hoặc mỗi khi gắng sức xuất tinh thì gọi là Di tinh. Nguyên nhân chủ yếu do Tâm Thận bất giao, tướng hỏa bốc mạnh. Thận khí không bền, hoặc Thấp nhiệt hạ chú mà gây ra chứng di tinh.
- DĨ ĐỘC CÔNG ĐỘC以毒攻毒
Phương pháp sử dụng thuốc có độc để chữa bệnh có tính chất ác độc hiểm nghèo. Phương pháp này bao gồm cả thuốc dùng ngoài và uống bên trong. Tuy nhiên loại thuốc này có độc mạnh hay để lại tác dụng phụ. Khi sử dụng phải chú ý đến liều lượng và cách dùng.
- DĨ TẢ TRỊ HỮU, DĨ HỮU TRỊ TẢ 以左治右, 以右治左
Còn gọi là đau nam chữa bắc. Phương pháp châm cứu. Khi một bên thân thể bị đau nhức, lúc châm cứu thường châm bên đối diện, nói cách khác là châm cứu bên không đau để chữa bên có đau.
- DỊ BỆNH ĐỒNG TRỊ 异病同治
Nguyên tắc điều trị. Trên nguyên tắc bệnh khác nhau, chứng khác nhau thì phép trị khác nhau. Nhưng cũng có một số loại bệnh tuy không giống nhau, có đầy đủ tính chất ‘chứng’ như nhau, có thể sử dụng một phương pháp để điều trị. Thí dụ chứng Hư hàn gây tiêu chảy, lòi trôn trê hoặc sa dạ con, rõ ràng tật bệnh không giống nhau (dị bệnh). Nhưng đều thuộc chứng Tỳ hư, trung khí hạ hãm thì có thể sử dụng một phương Bổ trung ích khí để điều trị (đồng trị).
- DỊ KHÍ 异气
Tức Dịch lệ chi khí. Một loại bệnh mang tính truyền nhiễm cao. Người xưa cho rằng dịch bệnh phát sinh thường có liên quan đến sự thay đổi của khí hậu.
- DỊCH CHẨN 疫疹
Tình trạng bệnh truyền nhiễm có tính lây lan cao. Nguyên nhân do cảm nhiễm dịch tà hoặc do nhiệt độc phát ở bên trong, bệnh phát ra ở bên ngoài da. Triệu chứng: da nổi mẩn đỏ hoặc tím bầm, phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, nặng thì người vật vã, nói sảng, lưỡi nổi gai, mạch sác…
- DỊCH ĐẠO 液道
Tức đường đi của tân dịch trong cơ thể.
- DỊCH ĐINH 疫疔
Một loại Đinh nhọt do cảm nhiễm dịch độc mà phát ra. Thường hay gặp ở người chăn nuôi gia súc, hoặc ở các công nhân làm trong các lò thuộc da (súc vật). Bệnh thường phát ở vùng đầu mặt, cổ gáy và cánh tay. Tương đương với bệnh Bì phu thán thư của YHHĐ.
- DỊCH ĐỘC LỴ 疫毒痢
Tức Dịch lỵ.
- DỊCH HẦU SA 疫喉痧
Bệnh hầu họng truyền nhiễm do cảm phải độc tà phát thành dịch. Thường phát vào mùa đông xuân. Chứng thấy cổ họng sưng đỏ, gây đau nhức, lở loét. Trên nóc họng có một lớp màng giả màu trắng. Toàn thân đỏ ửng đồng thời nổi những nốt đỏ giống như ban chẩn, sau khi chẩn lặn để lại 1 lớp vẩy.
- DỊCH KHÁI 疫咳
Còn gọi là Ho gà, Bách nhật khái.
- DỊCH KHÍ 腋气
Tức Hồ xú. Hôi nách.
- DỊCH LỆ 疫疬
Bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, phát thành ổ dịch.
- DỊCH LỴ 疫痢
Bệnh kiết lỵ lây lan. Bệnh tình nghiêm trọng, tính truyền nhiễm mạnh. Biểu hiện lâm sàng: Phát bệnh nhanh, sốt cao, đau đầu, người vật vã, miệng khô khát, bụng đau quặn, đại tiện ra mủ máu, lưỡi đỏ tươi, rêu vàng khô, mạch hoạt sác. Nặng thì hôn mê, co giật, hơi thở gấp, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch vi muốn tuyệt… đó là chứng nguy hiểm.
- DỊCH NGƯỢC 疫疟
Bệnh sốt rét lây lan nhanh, phát thành dịch. Chứng thấy nóng lạnh, sốt cao, nhiều mồ hôi, miệng khô khát, tức ngực, nặng thì hôn mê nói sảng.
- DỊCH SA 疫痧
Tức Dịch hầu sa.
- DỊCH TÁO SINH PHONG 液燥生风
Các chứng phong do âm dịch hao tổn, gân mạch không được nuôi dưỡng mà phát sinh chứng chóng mặt, co giật, run rẩy.
- DỊCH THOÁNG 腋痛
Vùng nách đau nhức. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do phong hàn, táo nhiệt làm tổn thương Phế, hoặc do uất nộ làm tổn thương Can, hay do tích nhiệt hun đốt Phế, hoặc do Thận hỏa thượng xung đều có thể phát bệnh.
- DỊCH XÚ 腋臭
Tức Hồ xú. Hôi nách.
- DIÊM HÁO 盐哮
Chứng hen suyễn do ăn quá nhiều các thức ăn mặn mòi, làm cho đàm thấp ngưng tụ, lại gặp thêm phong hàn, khí bị uất đàm bị ủng gây ra.
- DIỆN CẤU 面垢
Chỉ vùng mặt có hiện tượng dơ như phủ lớp bụi. Nguyên nhân do cảm nhiễm thử tà hoặc do Vị nhiệt hun đốt, hoặc tích trệ đình ở bên trong.
- DIỆN CHÂM LIỆU PHÁP 面针疗法
Phương pháp châm cứu trị liệu nhưng chọn các huyệt đặc hiệu ở trên mặt.
- DIỆN DU PHONG 面游风
Chứng viêm da. Do người bình thường vốn có chứng huyết táo, lại ăn quá nhiều các chất cay nóng, kích thích, làm cho thấp nhiệt uất lại bên trong dạ dày, bên ngoài cảm nhiễm phong tà gây ra. Có triệu chứng mặt mắt phát đỏ, ngứa ngáy như có con gì bò, da khô, có lúc có vẩy trắng hoặc chảy nước.
- DIỆN ĐINH 面疔
Chứng đinh nhọt mọc ở trên mặt. Nguyên nhân do nhiệt độc súc kết gây ra.
- DIỆN HOÀNG CƠ SẤU 面黄肌瘦
Sắc mặt vàng sạm mà khô, bắp thịt teo róc. Phần nhiều do Tỳ Vị hư nhược, khí huyết khuy tổn gây ra. Thường gặp trong các bệnh tiêu hao mạn tính.

- DIỆN SẮC DUYÊN DUYÊN CHÁNH XÍCH 面色缘缘正赤
Sắc mặt đỏ. Thường gặp trong các bệnh nhiệt cấp tính, phản ánh nhiệt tà thịnh bốc lên trên mặt.
- DIỆN SẮC LÊ HẮC 面色黧黑
Sắc mặt xanh đen.
- DIỆN SẮC NUY HOÀNG 面色萎黄
Sắc mặt vàng khô không tươi. Nguyên nhân do Tỳ Vị hư nhược, khí huyết không thể nuôi dưỡng lên trên da mặt. Thường gặp trong các bệnh tiêu hao mạn tính.
- DIỆN SẮC THƯƠNG BẠCH 面色苍白
Sắc mặt trắng xanh, thường kèm có miệng môi, móng tay trắng nhợt. Nguyên nhân phần nhiều do mất máu hoặc do khí huyết hư suy gây ra.
- DIỆN SẮC THƯƠNG HẮC 面色苍黑
Sắc mặt đen tối. Nguyên nhân do Thận khí hư hao, khí huyết không lên vinh dưỡng trên mặt gây ra. Có thể thấy trong các chứng âm hoàng, hắc đản. Chức năng của vỏ tuyến thượng Thận suy giảm cũng phát ra chứng này.
- DIỆN THOÁT 面脱
Da thịt trên mặt gầy sút. Thuộc bệnh nặng.
- DIỆN THŨNG 面肿
Hiện tượng mặt sưng phù. Nguyên nhân do ngoại cảm phong tà hoặc tạng phủ bị hư tổn, làm cho thủy dịch trong cơ thể chuyển hóa khác thường gây ra.

- DIỆN TRẦN 面尘
Sắc mặt u ám như phủ một lớp bụi. Nếu là chứng thực, do táo tà làm tổn thương hoặc phục tà uất bên trong; Chứng hư, phần nhiều thuộc bệnh lâu ngày hoặc do Can Thận âm hư.
- DIỆP QUẾ 葉桂
1666-1746. Diệp Quế, tự Thiên Sĩ 天士, hiệu Hương Nham, người Tô Châu, Ngô Huyện, nhà ở ngoài cửa thành Tô Châu, trên bờ sông, nhân đó về già tự hiệu là Thượng Tân Lão Nhân (tân: bến, bờ); là thày thuốc nổi tiếng đời Thanh, người đặt nền móng cho phái ôn nhiệt học. Ông con nhà thế y. Tổ phụ Diệp Thời (tự Tử Phàm) thông y lý, càng tinh chuyên khoa tiểu nhi, trị bệnh trẻ con không hiềm nghèo khó, cứu sống rất nhiều, nổi danh một vùng đất Ngô. Cha là Diệp Triều Thái (tự Dưng Sinh), tinh y thuật, khinh tài, hiếu (bố) thí, người các địa phương vùng Ngô Trung đến xin trị liệu ngày đêm không dứt. Diệp Quế thông minh hơn người, đọc sách qua mắt rồi không quên. Ban ngày theo thầy học Thư Kinh, ban đêm học nghề thuốc với cha. Các sách ‘Tố vấn’, ‘Nạn kinh’ cùng các sách y do các danh gia Hán, Đường, Tống đều xem qua và lãnh hội. Có điều bất hạnh là cha ông mất lúc ông 14 tuổi. Tuổi trẻ mồ côi lại nghèo, để sinh sống, ông chỉ còn cách một mặt hành nghề xem mạch chẩn trị, một mặt bái sư đồ đệ họ Chu của cha tiếp tục học y. Chu đem toàn bộ sở học của thầy Diệp truyền lại cho con thầy. Thiên Sĩ hết lòng nghe dạy, giảng đến đâu hiểu ngay đến đó, thông thuộc rất nhanh, chỗ tâm đắc còn hơn cả thầy. Nhưng ông không hề tự mãn, nghe ai có sở trường nào về trị liệu thì tìm cách bái sư học thêm. Làm như thế trong thời gian từ 14 đến 18, 19 tuổi, trước sau học với 17 vị danh y, nhờ đó mà học được nhiều chỗ hay của các nhà. Ông chẩn đoán giỏi, lúc xem bệnh bắt mạch (thiết), xem thần sắc người bệnh (vọng), nghe giọng nói (văn), quan sát (sát) hình tướng, cho nên khi trị bệnh, ông không cố chấp thành kiến, trị được nhiều bệnh lạ, được người ta khen là y học đại gia. Ông nổi tiếng trong triều ngoài nội, trên từ nhà quyền quí, dưới đến bình dân bách tính, gần xa trong ngoài tỉnh, ít có người không biết tiếng ông. Sự cống hiến cực lớn của ông cho nền y học Trung quốc là ông đã sáng lập học phái ôn bệnh. Ông đã tổng kết kinh nghiệm của tiền nhân, nhận thấy các sách y học kinh điển của Trung quốc như ‘Nội kinh’, ‘Nạn kinh’, ‘Thương hàn luận’, tuy có tên là ôn bệnh nhưng không rõ ràng phép trị liệu; Lưu Nguyên Tố triều Kim, Ngô Hữu Tính đời Minh, đối với bệnh ôn nhiệt hoặc bệnh ôn dịch tuy có sáng kiến nhất định, nhưng lại thiếu sót lý luận và thực tiễn có hệ thống. Ông bèn nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng ôn bệnh, trải qua thời gian tìm tòi, bàn thảo không nghỉ, rốt cuộc đã có nhận thức mới đối với qui luật phát sinh, phát triển của ôn bệnh, mở con đường mới về biện chứng luận trị ôn bệnh. Hai trăm năm nay, không thiếu gì người kế tục hoàn thiện học thuyết của ông, học phái ôn bệnh do đó mà hình thành, mà ông cũng được tôn là tổ sư của học phái ôn bệnh. Ông trọn đời bận lo nhiệm vụ chẩn trị, đem kinh nghiệm của mình tùy lúc khẩu truyền cho đồ đệ. Hiện còn các sách ‘Ôn nhiệt luận’ và ‘Lâm chứng chỉ nam y án’ đều là do đồ đệ của ông, là Cố Cảnh Văn, Hoa Tụ Vân đem kinh nghiệm trị liệu và học thuyết của ông tập hợp chép ra thành sách.
- DO BIỂU NHẬP LÝ 由表入里
Chỉ hiện tượng tà từ bên ngoài vào trong. Tình trạng biểu chứng chưa khỏi, bệnh thế có xu hướng đi vào trong. Điểm phân biệt là: Ở biểu thì còn triệu chứng sợ gió, sợ lạnh; ở lý thì không sợ lạnh lại sợ nóng. Ở biểu phần nhiều không khát, rêu lưỡi trắng mỏng; ở lý phần nhiều phiền khát, rêu lưỡi vàng khô.
- DO LÝ XUẤT BIỂU 由里出表
Tình trạng bệnh từ bên trong được đưa ra bên ngoài. Đây là những dấu hiệu bệnh tình từ nặng chuyển sang nhẹ, tiên lượng tốt.
- DOANH 营
Cơ sở vật chất và động lực tất yếu trong quá trình hoạt động của sinh mệnh con người. Chất tinh vi do đồ ăn uống biến hóa ra. Chất này thông qua tác dụng khí hóa của tạng Tỳ rót lên Phế, đi trong kinh mạch, phân tán khắp các tạng phủ và các tổ chức khác trong cơ thể.
- DOANH HUYẾT 营血
(Doanh: Nơi ở; Huyết: Huyết dịch). Doanh huyết là nơi lưu trú và vận hành của huyết dịch.
- DOANH KHÍ 营气
Tinh khí vận hành trong mạch. Sinh ra từ thủy cốc, có tác dụng hóa sinh huyết dịch, doanh dưỡng toàn thân.
- DOANH KHÍ BẤT TÙNG 营气不从
Tình trạng huyết dịch doanh khí vận hành trong mạch bị trở ngại, xuất hiện bệnh ung thũng.
- DOANH PHẬN CHỨNG 营分证
Bệnh ôn nhiệt, giai đoạn tà khí hãm ở bên trong. Nguyên nhân do tà từ phần khí truyền sang hoặc từ phần vệ nghịch truyền đến. Xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như sốt nhiều về đêm, tâm phiền không ngủ được hoặc tinh thần hôn mê, nói sảng, ban chẩn, chất lưỡi đỏ tươi, mạch tế sác.
- DOANH VỆ BẤT HÒA 营卫不和
Chứng tự ra mồ hôi do chức năng của doanh và vệ không điều hòa.
- DOANH, VỆ, KHÍ, HUYẾT 营,卫,气,血
Cơ sở vật chất và động lực tất yếu trong quá trình hoạt động của sinh mệnh con người.
Khí, huyết trong kinh mạch không ngừng tuần hoàn. Nguồn gốc của doanh, vệ từ tinh khí của thủy cốc, sự sinh thành của chúng phải qua hoạt động khí hóa của tạng phủ (như sự tiêu hóa vận chuyển của Tỳ Vị, sự phân bố khí hóa của Tâm Tỳ) sau đó mới chia ra nuôi dưỡng các bộ phận của thân thể. Cho nên “Thức ăn vào Vị, chất tinh vi được chuyển lên Phế, năm tạng sáu phủ đều nhận khí tinh vi ấy, thứ trong là doanh, thứ đục là vệ” (Doanh vệ sinh hội, Linh khu). Trong và đục ở đây chủ yếu là nói sự khác nhau về công năng. Trong, nói về tác dụng của doanh khí tương đối nhu hòa, đục, nói lên tác dụng của vệ khí mạnh, hoạt lợi.
Vệ chủ khí, doanh chủ huyết, vệ thuộc dương, doanh thuộc âm. Dương chủ bên ngoài, âm chủ bên trong. Nói theo vị trí, doanh đi trong mạch, vệ đi ngoài mạch. Sự khác nhau này không phải là tuyệt đối, chỉ gợi lên khái niệm khác nhau của doanh và vệ với trong, ngoài mà thôi. Nói theo tác dụng, vệ có tác dụng bảo vệ, doanh có tác dụng doanh dưỡng. Nói chung, doanh và vệ chỉ về mặt tác dụng và công năng, khí và huyết chủ yếu thể hiện về mặt cơ sở vật chất.
Thông qua sự vận hành của khí huyết, phát huy được tác dụng của doanh vệ. Vì vậy “Âm ở trong, giữ gìn cho dương, dương ở ngoài, chịu sự vận hành của âm” [Tố vấn] (Âm: ở đây chỉ doanh huyết; Dương: ở đây chỉ vệ khí)
Trên cơ sở vệ khí doanh huyết, Diệp Thiên Sĩ đời Thanh, Trung quốc viết cuốn ‘Ôn nhiệt luận’, đem sự truyền biến của ôn bệnh chia ra bốn giai đoạn: vệ, khí, doanh, huyết, làm cương lĩnh cho biện chứng thi trị trong lâm sàng.
- DU HÃN 油汗
Hiện tượng mồ hôi ra như dầu nhớt dính không tan. Nguyên nhân phần nhiều thấy ở bệnh nặng, hoặc do vong dương hư thoát.
- DU KHÔI CHỈ GIÁP 油灰指甲
Tức nấm móng. Hiện tượng tay chân bị nấm móng lâu ngày làm cho huyết không nuôi được móng mà phát bệnh. Triệu chứng: móng tay dầy, biến dạng, hoặc bị sứt mẻ không được tròn trịa, màu sắc không bóng. Chỉ thấy có màu xám trắng.
- DU PHONG 游风
Đột nhiên vùng da sưng đỏ, láng bóng, hình như đám mây, sờ vào thấy cứng, có cảm giác nóng rát, ngứa và tê dại. Bệnh hay phát ra ở môi miệng, mi mắt, dái tai, ngực bụng, lưng. Thường không thấy các triệu chứng toàn thân, nhưng cũng kèm có các chứng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Nguyên nhân bệnh do Tỳ Phế táo nhiệt hoặc biểu khí không bền, phong tà xâm nhập vào tấu lý, phong nhiệt ứ trệ khiến doanh vệ không điều hòa.
- DU TẤT PHONG 游膝风
Tức Hạc tất phong.

- DỤ XƯƠNG 喻昌

1585-1664. Dụ Xương, hiệu Gia Ngôn嘉言, sau đó lấy hiệu là Tây Xương lão nhân, người Giang Tây, Tân Kiến, là thầy thuốc nổi tiếng cuối đời Minh, đầu đời Thanh, tiếng tăm ngang với Trương Lộ, Ngô Khiêm, được tiếng là “Tam đại gia” đầu đời Thanh. Theo sách “Mục Trai di sử”: Dụ Xương vốn họ Chu, là hậu duệ của tôn thất nhà Minh, từ nhỏ giỏi văn chương, đọc nhiều sách vở, thông cả Phật học. Niên hiệu Sùng Trinh (1628 -1644), với bằng cống sinh Phó bảng đến kinh đô, ông từng dâng thư lên vua nghị luận chính sự. Vua mời ông đến cho làm quan, ông cố từ chối. Sau khi nhà Minh mất ngôi, ông sợ liên lụy bèn cắt tóc làm tăng, đổi họ là Dụ, qua lại vùng Nam Xương và Tịnh An. Về sau, ông ra sức học y, du lịch Giang Nam. Niên hiệu Thuận Trị (1644 -1661), ông ngụ cư ở Thường Thục, hành nghề y, trị bệnh hiệu nghiệm, nổi tiếng là thầy thuốc giỏi. Vì ông giao du với các danh sĩ đương thời nên được gọi là một trong số “mười bốn thánh nhân”. Về mặt trị bệnh, ông chú trọng về thực tế. Cả đời ông viết sách rất nhiều, sách tiêu biểu có ‘Thương luận thiên’, ‘Thống luận hậu thiên’, ‘Y môn pháp luật’, ‘Ngụ ý thảo’. ‘Thương luận thiên’ là tên gọi tắt của ‘Thống luận Trương Trọng Cảnh Thương hàn luận 897 pháp’, là sách tiêu biểu cho sự nghiên cứu sách ‘Thương hàn luận’ của ông. Trong sách, đối với Vương Thúc Hòa, Lâm Ức, Thành Vô Kỷ, ông đều có phê bình, chỉ tán thưởng nghị luận ‘giảm sai’ của Phương Hữu Chấp, đồng thời mạnh dạn đưa ra học thuyết tam cương: ‘phong thương vệ, hàn thương doanh, phong hàn lưỡng thương doanh vệ’. Lại viết thêm ‘Thương luận hậu thiên’ để cùng tham khảo với sách này. Bộ ‘Ymôn pháp luật’ 6 quyển, mỗi môn, trước luận bệnh nhân, bệnh lý, sau luận pháp, luật. ‘Pháp’ chủ yếu thuật rõ phép tắc biện chứng luận trị, ‘Luật’ chủ yếu đưa ra sai lầm dễ phạm phải tại lâm sàng của một số y gia, đồng thời phán định tội của họ. Sách ‘Ngụ ý thảo’ là sách ông viết lúc cuối đời. Sách ghi chép 62 điều kinh nghiệm trị án của ông, kiên trì giữ trình tự ‘Tiên nghị bệnh, hậu nghị dược’ (trước luận bệnh, sau luận dùng thuốc), suy luận các mặt của các loại tật bệnh để giải rõ đạo lý thâm chứng dụng dược, so với các y án khác chỉ nói bệnh gì dùng thuốc gì, càng rõ hơn trong lý giải và nắm chắc vấn đề. Ông còn thu nhiều đồ đệ, mở đường cho kẻ hậu học. Đệ tử của ông có hơn 75 người.

- DỤC ÂM 育阴

Tức Bổ âm.

- DỤC ÂM TIỀM DƯƠNG 育阴潜阳

Phép chữa phối hợp dùng các loại thuốc tư âm chung với thuốc tiềm dương. Thích hợp chữa Can Thận âm hư, Can dương thượng kháng. Triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, tai ù, tai điếc, phiền táo, hay nổi giận, mất ngủ, hay mộng mị, chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế sác.

- DỤC TRUYỀN 欲传

Hiện tượng bệnh có xu hướng phát triển. Như chứng ngoại cảm phong hàn. Thường thấy phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi. Tuy nhiên mồ hôi ra được dâm dấp mà sốt vẫn không hạ, tâm phiền, miệng khát, mạch sác. Đây là các biểu hiện bệnh tà đã hóa nhiệt, truyền vào lý.

 

- DŨNG THỔ 涌吐

Tức Thổ pháp.

- DŨNG THỔ CẤM LỆ 涌吐禁例

Một số bệnh không nên dùng thổ pháp. Như chứng ngực sườn không có đàm nhớt đình trệ, bế tắc; suy nhược cơ thể; phụ nữ mới sanh; người bị bệnh nặng mới khỏi; mất máu; người già; phụ nữ có thai.

- DŨNG TUYỀN ĐINH 涌泉疔

Còn gọi là Túc đinh.

- DŨNG TUYỀN UNG 涌泉痈

Tức Túc tâm ung (nhọt ở lòng bàn chân).

- DỰNG BI 孕悲

Tình trạng phụ nữ đang mang thai, phát sinh chứng tạng táo (loại giống như Ý bệnh).

- DƯỢC ĐỒNG BẠT PHÁP 药筒拔法

Phép giác nóng dùng trị ngoài. Dùng ống trúc cho vào nồi thuốc nước đang nấu sôi, lấy ống trúc đổ nước trong ống ra, nhân lúc còn nóng, giác vào vùng da cần giác. Phương pháp này dùng để hút máu độc do bị rắn cắn hoặc nhọt độc để hút nước độc ra ngoài cơ thể.

- DƯỢC QUÁN 药罐

Đem ống giác làm bằng trúc cho vào nồi thuốc nấu cho sôi, vớt ống trúc ra để hơi nguội rồi giác bình thường.

- DƯỢC TUYẾN DẪN LƯU 药线引流

Phương pháp chữa ngoài. Dùng giấy tốt se thành sợi, bên ngoài phết bột thuốc hoặc rắc bột thuốc vào bên trong rồi quấn lại thành sợi. Đem sợi thuốc nhét vào chỗ ghẻ hoặc mạch lươn để loại bỏ thịt thối hoặc thúc đẩy cho mủ ra ngoài, giúp sinh cơ. Phương pháp này có tác dụng chữa ghẻ lở hoặc mạch lươn.

- DƯỢC ÚY 药熨

Phương pháp chữa ngoài. Có 2 cách làm.

Cách 1: Cho thuốc vào nồi nấu lấy nước, dùng khăn lông nhúng nước thuốc, vắt hơi ráo rồi nhân lúc còn nóng đắp lên nơi có bệnh.

Cách 2: Cho thuốc vào nồi nấu sôi, lấy ra cho vào túi vải, vắt hơi ráo rồi chườm nóng vào chỗ có bệnh.

- DƯỢC VẬT NGẢI QUYỂN 药物艾卷

Dùng Ngải nhung và bột thuốc cuốn thành điếu Ngải. Thường dùng để chữa các chứng viêm khớp do phong thấp.

- DƯƠNG 疡

Tức Sang dương.

- DƯƠNG 阳

Sự vật hoặc tính chất đối lập với âm. Thường những vật có tính hoạt động, hướng ra bên ngoài, bốc lên trên, nóng ấm, sáng sủa. Về công năng thì hưng phấn, cang tiến đều thuộc Dương. Đông y vận dụng thuật ngữ này để giải thích các hiện tượng về sinh lý, bệnh lý của con người và chỉ đạo trong việc điều trị, chẩn đoán. Ví dụ: Trong bát cương  những chứng thuộc Biểu chứng, Thực chứng, Nhiệt chứng thì quy nạp thuộc Dương chứng.

- DƯƠNG BAN 阳班

Còn gọi là Dương chứng phát ban. Tức chứng ban thuộc thực nhiệt, nguyên nhân phần nhiều thuộc cảm phong nhiệt, nhiệt uất ở kinh dương minh mà phát bệnh. Triệu chứng: bệnh phát triển nhanh, kèm theo phát sốt, miệng khát, phiền táo không yên, nặng thì hôn mê, nói sảng, lưỡi đỏ mà khô.

- DƯƠNG BẾ 阳闭

➊ Bế chứng. Có biểu hiện thần chí hôn mê, hàm răng nghiến chặt, hai tay nắm chặt, đờm rãi vít nghẽn, mạch huyết cấp hoặc hồng sác.➋ Nếu kiêm có hiện tượng nhiệt là dương chứng gây bệnh, phần nhiều biểu hiện chứng dương nhiệt, dễ tổn thương âm và tân dịch.

- DƯƠNG BỆNH 阳病

➊ Bệnh ở ba kinh dương. ➋ Tên chung cho Thực chứng, Nhiệt chứng.

- DƯƠNG BỆNH TRỊ ÂM 阳病治阴

Phương pháp vận dụng học thuyết Âm Dương vào điều trị. Bệnh thuộc dương chứng, nhưng chữa gốc ở âm. ➊ Các bệnh thuộc dương nhiệt cang thịnh, thường dễ làm tổn thương âm, tân dịch, điều trị thường dùng các loại thuốc có vị ngọt, tính hàn để sinh tân dịch nhằm bảo vệ âm dịch. ➋ Chứng trạng của bệnh ở dương kinh, khi điều trị dùng phép châm ở âm kinh.

- DƯƠNG CHỨNG 阳证

Một thuộc tính trong bát cương như: Biểu chứng, Nhiệt chứng, Thực chứng đều thuộc Dương chứng. Triệu chứng: phát sốt, sợ lạnh, mặt đỏ, đau đầu, người nóng, thích mát, cuồng táo không yên, miệng môi nứt nẻ, khát nước, tiếng nói và hơi thở ồ ồ, đại tiện bí kết hoặc thối khắm, đau bụng cự án, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng khô, mạch phù, hồng, sác, hữu lực.

- DƯƠNG CHỨNG PHÁT BAN 阳证发班

Tức Dương ban.

- DƯƠNG CHỨNG TỢ ÂM 阳证似阴

Hiện tượng bệnh nhiệt phát triển tới cực độ, có khi xuất hiện một loại giả tượng, tức là bản chất bệnh vốn dương chứng nhưng lại biểu hiện chứng trạng rất giống với âm chứng. Thường gặp trong bệnh nhiệt, bệnh tình tới giai đoạn nghiêm trọng mà xuất hiện giả tượng.

- DƯƠNG DUY MẠCH 阳维脉

Một trong kỳ kinh bát mạch. Đường kinh bắt đầu từ phía dưới mắt cá chân ngoài, qua phía ngoài chi dưới, cạnh bụng, qua cạnh ngực, tới vai, tới phía sau má, đến đỉnh đầu là cuối cùng. Khi Dương duy mạch bị bệnh, có các triệu chứng phát sốt, sợ lạnh.

- DƯƠNG ĐÁN 阳旦

Bệnh chứng điều trị bằng ‘Dương đán thang’. ‘Dương đán thang’ tức là ‘Quế chi thang’ gia giảm [Kim quỹ]. Các thầy thuốc đời sau như Tôn Tư Mạo… cũng có bài ‘Dương đán thang’, là từ ‘Quế chi thang’ gia Hoàng cầm, chữa thái dương biểu hư, chứng trạng phát sốt, hơi sợ lạnh, tự ra mồ hôi, tâm phiền, tiểu tiện luôn, đau gót chân… tuy cũng gọi là ‘Dương đán thang’ nhưng sử dụng thuốc và luận điểm có khác nhau đôi chút với ‘Dương đán thang’ trong Kim quỹ yếu lược.

- DƯƠNG GIẢN 阳痫

➊ Chứng giản thuộc loại hình thực nhiệt. Nói chung thể chất bệnh nhân khá khỏe mạnh, lên cơn nhanh, đột ngột ngã lăn, co giật, sùi bọt dãi, răng nghiến chặt, mắt trợn ngược, mình nóng, mạch huyền. ➋ Tên gọi riêng chứng cấp kinh phong.

- DƯƠNG GIẢN PHONG 羊痫风

Tức Giản chứng. Bệnh điên giản.

DƯƠNG HÓA KHÍ, ÂM THÀNH HÌNH 阳化气, 阴成形

Hiện tượng chuyển hóa của âm dương. Hóa khí và thành hình là hình thức vận động vừa tương phản vừa tương thành của vật chất. Dương động mà tán, cho nên hóa khí; Âm tĩnh mà ngưng, cho nên thành hình. Âm và Dương ở đây là chỉ vật chất động và tĩnh, khí hóa ngưng tụ, phân hóa và hợp thành. Đó là sự vận động tương đối, nói khác đi là sự tồn tại lẫn nhau của vật chất và năng lượng, có tác dụng chuyển hóa lẫn nhau.

- DƯƠNG HOÀNG 阳黄

Một trong các chứng Hoàng đản. Nguyên nhân phần nhiều do cảm nhiễm thấp tà, hoặc do thấp tà xâm nhập vào Can Đởm mà phát bệnh. Triệu chứng đặc trưng thường thấy bệnh phát cấp bách, mặt mắt và toàn thân đều vàng kèm có phát sốt, miệng khô khát, ăn uống không biết ngon, bụng đầy, hông sườn đau tức, đại tiện bí, tiểu vàng như nước trà đậm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.

- DƯƠNG HƯ 阳虚

Chứng Dương khí bất túc, Dương hư sinh ngoại hàn. Biểu hiện lâm sàng tinh thần mệt mỏi, yếu sức, hụt hơi, lười nói, sợ lạnh, tay chân lạnh, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng nhợt, tiểu tiện trong trắng, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi bệu nhạt, mạch hư đại hoặc trầm tế.

- DƯƠNG HƯ ÂM THỊNH 阳虚阴盛

(Dương hư: Thận dương hư; Âm thịnh: Âm hàn thịnh ở trong). Vì Thận dương hư không sưởi ấm được tạng phủ, khiến công năng của tạng phủ suy yếu, có các chứng Âm hàn như: Chân tay lạnh, sợ lạnh, ỉa chảy, phù thũng, mạch trầm vi…

- DƯƠNG HƯ ĐẦU THỐNG 阳虚头痛

Chứng đau đầu do dương khí bất túc, thanh dương không thăng phát lên trên đầu gây ra bệnh. Triệu chứng: đầu đau lâm râm, sợ lạnh, tay chân lạnh, người mệt mỏi, yếu sức, ăn không biết ngon, lưỡi nhợt, mạch vi tế hoặc trầm trì.

- DƯƠNG HƯ HUYỄN VỰNG 阳虚眩晕

Chứng chóng mặt, xây xẩm. Do dương khí bất túc, khí thanh dương không thăng phát lên đầu bộ, gây nên chứng huyễn vựng. Triệu chứng: xây xẩm, đau đầu hoặc choáng váng muốn ngã, tai ù, tai điếc, sợ lạnh, hơi thở ngắn, tự ra mồ hôi, tay chân lạnh, mạch trầm tế.

- DƯƠNG HƯ Ố HÀN 阳虚恶寒

Chứng sợ lạnh. Nguyên nhân do dương khí suy nhược, không thể ôn dưỡng cơ nhục, bì mao, gây ra hiện tượng sợ lạnh. Thường thấy chứng sợ lạnh, nằm co, tự ra mồ hôi, mạch trầm tế.

- DƯƠNG HƯ PHÁT NHIỆT 阳虚发热

Chứng hư nhiệt do dương khí suy. Triệu chứng chủ yếu là phát sốt, phiền táo, hai gò má đỏ, miệng khát mà không muốn uống nước, kèm có 2 chân lạnh, tiểu trong dài, kiết lỵ ra nước trong, mạch trầm tế hoặc phù sác vô lực.

- DƯƠNG HƯ TẮC NGOẠI HÀN 阳虚则外寒

Bệnh chứng ngoại hàn do dương hư. Dương hư ở đây chỉ dương khí suy yếu hoặc Mệnh môn hỏa kém, công năng tạng phủ giảm sút, có triệu chứng sắc mặt trắng xanh, sợ lạnh, tay chân lạnh.

- DƯƠNG HƯ TỰ HÃN 阳虚自汗

Do vệ dương hư, da dẻ thưa hở, tự ra mồ hôi. Thường thấy sợ lạnh, mồ hôi ra mà có cảm giác lạnh, người mệt mỏi, mạch tế…

- DƯƠNG HƯ THẤP TRỞ 阳虚湿阻

Do Tỳ Thận dương hư, mất chức năng ôn vận, sinh ra hiện tượng thấp tà đình trệ ở bên trong, gây ra các chứng phù thũng, tiểu không thông, tiêu chảy hoặc ra phân nhão, tay chân uể oải.

- DƯƠNG HƯ THỦY PHIẾM 阳虚水泛

Chức năng của Tỳ Thận kém, việc trao đổi thủy dịch bị trở ngại, làm cho thủy dịch bị ngưng trệ gây ra phù thũng hoặc do đàm ẩm gây ra.

 

- DƯƠNG KẾ CHÂU 杨继洲

1522-1620. Dương Tế Thời, tự Kế Châu, người đời Minh, Tam Cù (nay là Chiết Giang, Cù Huyện). Là nhà châm cứu học nổi tiếng đời Minh. Ông là con nhà thế y. Ông nội từng nhậm chức Thái y viện, cho nên nhà ông cất giữ rất nhiều sách thuốc. Thuở nhỏ ông theo học chữ Nho, nhưng đi thi mấy lần không đỗ, bèn bỏ học khoa cử mà theo học y. Ông gắng công đọc sách thuốc của ông nội để lại, không kể mùa nóng mùa rét, bền lòng học không ngơi nghỉ, trở nên một danh y ở đời. Ông từng là ngự y trong 40 năm dưới ba triều vua Gia Tỉnh, Long Khánh, Vạn Lịch, vang danh trong triều ngoài nội. Ông đọc nhiều sách vở, thông hiểu học thuyết của các nhà, tinh thông nhất về môn châm cứu. Trong thời gian hành nghề suốt 40 năm, ông dùng phép châm kim cao siêu trị lành rất nhiều bệnh kinh niên, bệnh lạ. Nghề châm cứu của ông vốn là do học sách gia truyền ‘Vệ sinh châm cứu huyền cơ bí yếu. Về sau, ông nhận thấy sách này cũng chưa hoàn bị, bèn tìm xem trong các sách, quyết tâm biên soạn một quyển sách chuyên về châm cứu. Ông lấy ‘Tố vấn’, ‘Nạn kinh’ làm gốc, thu nhặt những phần liên quan đến châm cứu trong các sách, như: ‘Thần ứng kinh’, ‘Cổ kim thống’, ‘Càn khôn sinh ý’, ‘Yhọc nhập môn’, ‘kinh tiểu học’, ‘Châm cứu tụ anh’, ‘Châm cứu tiệp yếu, ‘Tiểu nhi ánma’, kết hợp với kinh nghiệm cá nhân, đồng thời tham khảo các hình đồ, soạn ra một quyển ‘Châm cứu đại thành’ (‘Tứ khố toàn thư’ gọi là ‘Châm cứu đại toàn’). Niên hiệu Càn Long năm thứ 2, Chương Đình Khuê ở Cối Kê khắc bản gọi là ‘Châm cứu tậpthành’(tức ‘Châm cứu đại toàn) gồm 10 quyển, in vào tháng 8 niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, năm thứ 29 (1601). Đây là bộ sách đầy đủ nhất về châm cứu từ đời Minh trở về trước, được các đời sau đánh giá rất cao.

 

 

- DƯƠNG KẾT 阳结

Chứng bí đại tiện do Trường Vị có thực nhiệt gây ra.

- DƯƠNG KHIẾU 阳窍

Tức Thất khiếu, bao gồm 2 tai, 2 mắt, 2 mũi và miệng.

- DƯƠNG KHÍ 阳气

Khái niệm y lý cơ bản, tương đối với âm khí, chỉ một trong hai mặt của sự vật mang tính đối lập như: Nói theo cơ năng và vật chất, dương khí chỉ về cơ năng; Nói theo cơ năng của tạng phủ, thì khí của sáu phủ là dương khí; Nói khí của doanh vệ, thì vệ khí là dương khí; Nói theo phương hướng và tính chất thì những cái gì đi ở bên ngoài, hướng lên trên, cang thịnh tăng cường, nhẹ nhàng bốc lên… đều thuộc dương khí.

- DƯƠNG KIỂU MẠCH 阳跷脉

Một trong kỳ kinh bát mạch. Đường kinh bắt đầu từ phía ngoài gót chân, men theo mắt cá chân ngoài đi lên, qua phía ngoài chi dưới, qua cạnh bụng, cạnh ngực, tới vai, vòng qua má, đến phía sau cổ là cuối cùng.

Khi Dương kiểu mạch bị bệnh, phía trong các chi lỏng nhẽo, ngược lại phía ngoài các chi co cứng, có các chứng bệnh và triệu chứng điên cuồng và mất ngủ.

- DƯƠNG KINH 阳经

Tức là Dương mạch. Những đường kinh mạch thuộc dương kinh bao gồm ba kinh dương ở chân và tay, Đốc mạch, Dương duy mạch và Dương kiểu mạch.

- DƯƠNG KÍNH 阳痉

➊ Chứng Cương kính (co giật). ➋ Bệnh kính mà không có hiện tượng tay chân lạnh quíu. Nguyên nhân phần nhiều do phong nhiệt tà thịnh gây nên.

- DƯƠNG LẠC 阳络

➊ Những đường lạc tách ra từ ba kinh dương chân và tay. ➋ Những đường lạc đi ở phần trên hoặc bộ phận tương đối nông ở cơ thể. Thiên ‘Bách bệnh thủy sinh’ (Tố vấn)ghi: “Dương lạc bị thương thì huyết tràn ra ngoài, huyết tràn ra ngoài thì thành đổ máu mũi” ➌ Lạc mạch thuộc kinh túc Dương minh Vị. Thiên ‘Điều kinh luận’ (Tố vấn) ghi: “Hình hữu dư thì tả ở Dương kinh, bất túc thì bổ ở dương lạc”. Vương Băng giải thích: “Đều là kinh lạc của Vị”.

- DƯƠNG LẠC THƯƠNG TẮC HUYẾT NGOẠI DẬT 阳络伤则血外溢

Chảy máu mũi, hoặc khạc ra máu ở các cơ quan phần trên cơ thể. Nguyên nhân do dương lạc, thuộc các lạc ở phần biểu, bị tổn thương, làm cho huyết tràn ra ngoài.

- DƯƠNG MẠCH 阳脉

Kinh mạch trong dương kinh, bao gồm ba kinh dương tay và chân, Đốc mạch. Dương duy mạch, Dương kiểu mạch. Còn gọi là Dương kinh.

- DƯƠNG MẠCH CHI HẢI 阳脉之海

Tên gọi khác của Đốc mạch. Vì ba kinh dương ở chân và tay đều phân nhánh trực tiếp hội hợp với mạch Đốc, có tác dụng điều tiết dương khí toàn thân, cho nên gọi là ‘bể của dương mạch’.

- DƯƠNG MAI KẾT ĐỘC 杨梅结毒

Tức là Dương mai sang.

- DƯƠNG MAI SANG 杨梅疮

Một loại nhọt độc (vì loại hình của loại nhọt lở này giống như Dương mai, nên đặt tên như vậy). Bao gồm nhiều loại bệnh ở ngoài da. Còn gọi là Mai độc.

- DƯƠNG MINH 阳明

Tên gọi một đường kinh mạch, là giai đoạn dương khí phát triển đến tận cùng, cũng là kế tục trên cơ sở của hai kinh Thái dương và Thiếu dương. Vị trí ở phần lý bên trong Thái dương và Thiếu dương. Khi ngoại tà xâm nhập bệnh thường truyền từ kinh Thái dương, rồi đến Thiếu dương và sau cùng là Dương minh.

- DƯƠNG MINH BỆNH 阳明病

Một trong các bệnh của lục kinh. Dương minh bệnh chia hai loại hình Kinh chứng và Phủ chứng. Đây là chứng lý thực nhiệt do nhiệt thịnh làm tổn thương tân dịch, hoặc do nhiệt kết ở Vị Trường gây nên.

- DƯƠNG MINH DỮ THIẾU DƯƠNG HỢP BỆNH 阳明与少阳合病

Bệnh lý ở kinh Dương minh và kinh Thiếu dương cùng xuất hiện. Đây là bệnh tương đối phức tạp.

- DƯƠNG MINH ĐẦU THỐNG 阳明头痛

➊ Chứng đau đầu do thương hàn xâm nhập vào kinh Dương minh. Biểu hiện là đau đầu, phát sốt, không sợ lạnh mà sợ nóng. ➋ Chứng đau đầu theo lộ trình kinh Dương minh đi qua. Đau trước trán, thường đau lan vào trong mắt.

- DƯƠNG MINH KINH BỆNH 阳明经病

Một loại bệnh thuộc kinh Dương minh do nhiệt tà ở Vị kinh gây ra. Triệu chứng: mình nóng, không sợ lạnh mà sợ nóng, ra mồ hôi, phiền khát, mạch hồng đại có lực.

- DƯƠNG MINH KINH CHỨNG 阳明经证

Tức Dương minh kinh bệnh.

 

- DƯƠNG MINH PHỦ BỆNH 阳明腑病

Một loại bệnh thuộc kinh Dương minh. Phần phủ chứng: Xuất hiện chứng táo thực kết ở Vị phủ gây bệnh. Triệu chứng: sốt cao, hoặc ngày mát chiều nóng, tay chân ra mồ hôi, bụng đầy đau, hoặc đau vòng quanh rốn, đại tiện bí kết, nặng thì nói nhảm, mạch trầm thực.

- DƯƠNG MINH PHỦ CHỨNG 阳明腑证

Tức chứng Dương minh phủ bệnh.

- DƯƠNG MINH VI HỢP 阳明为合

Tức là Dương minh.

- DƯƠNG NUY 阳痿

Còn gọi là Liệt dương, Dương sự bất cử. Chỉ nam giới chưa đến thời kỳ suy nhược mà xuất hiện chứng dương vật không cương cứng hoặc có cương mà không cứng, hoặc cứng nhưng không lâu. Nguyên nhân phần nhiều do tình dục quá độ hoặc do thủ dâm quá mức, làm tinh khí bị tổn thương, Mệnh môn hỏa suy; hoặc tư lự ưu uất, tổn thương Tâm Tỳ; hoặc sợ hãi quá mức, tổn thương Thận khí. Cũng có thể do Can Thận hư hỏa, hoặc do thấp nhiệt hạ chú mà phát sinh bệnh.

- DƯƠNG PHONG 痒风

Tình trạng ngứa ngoài da mà da không bị tổn hại. Đột nhiên phát ngứa, về đêm ngứa tăng, ngứa đến độ phải gãi, gãi đến khi rách da chảy máu, để lại vết trầy xước do gãi. Nguyên nhân do thấp nhiệt uất ở ngoài da, làm cho da không lưu thông mà phát bệnh.

- DƯƠNG QUYẾT 阳厥

➊ Tinh thần bị kích thích, phẫn uất quá mức gây ra chứng điên cuồng. ➋ Nhiệt quyết.

- DƯƠNG SÁT, ÂM TÀNG 阳杀阴藏

Quy luật cơ bản của âm dương là cùng nương tựa vào nhau để tồn tại, khi dương khí suy, thì âm khí cũng theo đó mà giảm sút.

- DƯƠNG SINH ÂM TRƯỞNG 阳生阴长

Một trong những mối quan hệ của âm dương. Dương khí sinh hóa bình thường thì âm khí mới có thể không ngừng tự dưỡng lớn lên.

- DƯƠNG SINH VU ÂM 阳生于阴

Một trong những mối quan hệ của âm dương. Nguồn gốc của dương là âm. Các chức năng hoạt động của cơ thể là lấy các vật chất hữu hình (bao gồm Tinh, Huyết, Thủy dịch, Tân dịch) làm cơ sở.

- DƯƠNG TÀ 阳邪

➊ Bốn loại tà khí Phong, Thử, Táo, Hỏa trong lục dâm. Chứng trạng do những tà khí này gây ra phần nhiều là dương nhiệt, dễ làm tổn thương âm dịch. ➋ Loại tà khí xâm phạm vào kinh dương.

- DƯƠNG TẠNG 阳臓

➊ Tình trạng dương thịnh trong thể chất người bệnh ➋ Hai tạng Tâm và Can.

- DƯƠNG THẮNG TẮC ÂM BỆNH 阳生则阴病

Mối quan hệ của âm dương gây nên bệnh (Dương: Dương nhiệt; Âm: Âm dịch). Dương nhiệt quá thịnh hoặc hư hỏa vọng động, khiến âm dịch hao tổn.Trường hợp này là do dương khí thắng làm cho âm bất túc. Thường thấy phát sốt, miệng khô, táo bón.

- DƯƠNG THẮNG TẮC NHIỆT 阳生则热

Còn gọi là Dương thịnh tắc ngoại nhiệt. Mối quan hệ của âm dương gây nên bệnh. Khi âm dương trong cơ thể không cân bằng làm cho dương khí thiên thắng sẽ phát sinh nhiệt tính. Như phát sốt, miệng khát, táo bón, lưỡi đỏ, mạch đập nhanh.

- DƯƠNG THÍCH 扬刺

Một trong các thủ pháp châm cứu xưa. Tại chỗ bệnh, thầy thuốc châm 1 kim ở giữa, tiếp theo châm 4 kim ở bốn góc bên trái, phải, trên, dưới. Thủ thuật này dùng để chữa các khối u như bướu cổ hoặc các chứng hàn tý gây đau, hoặc chỗ đau có phạm vi rộng lớn.

- DƯƠNG THỊNH 阳盛

Tức dương nhiệt sung thịnh. Chứng trạng tà nhiệt thịnh mà cơ năng của cơ thể cũng cang thịnh. Biểu hiện là sốt cao, không mồ hôi, hơi thở ồ ồ, người phiền táo miệng khô.

- DƯƠNG THỊNH ÂM THƯƠNG 阳盛阴伤

Hiện tượng bệnh lý do dương nhiệt quá thịnh làm tổn thương âm dịch.

- DƯƠNG THỊNH CÁCH ÂM 阳盛隔阴

Một dạng của quan hệ âm dương gây nên bệnh, là sự biến hóa bệnh lý của loại nhiệt cực sinh hàn. Bản chất của bệnh thuộc nhiệt, do nhiệt cực, tà khí phục ở bên trong, dương khí bị uất không thấu ra ngoài được, biểu hiện là tay chân quyết lạnh, mạch trầm phục. Đây là chứng trạng giả hàn. Khi thăm khám sờ vùng bụng có cảm giác nóng rát, mình rất lạnh nhưng lại không muốn mặc áo… Đây đều là chứng dương thịnh cách âm.

- DƯƠNG THỊNH TẮC NGOẠI NHIỆT 阳盛则外热

Con người sau khi cảm thụ tà khí, thì giữa ngoại tà và dương khí ở phần vệ biểu tranh đấu với nhau gây ra hiện tượng phát sốt.

- DƯƠNG THỦY 羊水

Nước ối. Chất dịch từ phôi thai tiết ra chảy trong tử cung, chất dịch này có tác dụng bảo vệ thai nhi. Khi thai đã đủ ngày tháng, lượng nước ối trong bào thai ước khoảng 600~1200ml.

- DƯƠNG THỦY 阳水

Bệnh thủy thũng. Do Phế mất chức năng tuyên giáng. Tam tiêu bị ủng trệ không thể thông điều thủy đạo, nước không đưa xuống bàng quang, ứ lại ở cơ thể, gây nên chứng thủy thũng thuộc thực nhiệt, gọi là dương thủy. Biểu hiện lâm sàng: sợ lạnh, phát sốt, ho, đau họng, vùng mặt phù thũng trước, đại tiện bí, tiểu đỏ sẻn, bụng trướng đầy, rêu lưỡi nhờn, mạch sác.

- DƯƠNG THỦY QUÁ ĐA 羊水过多

Khi thai đủ ngày tháng, lượng nước ối sẽ từ 600~1200ml. Nếu đạt tới mức 2000ml thì gọi là dương thủy quá đa. Trên lâm sàng thấy bụng lớn nhanh, có hiện tượng áp bức rõ, khó thở, không nằm được, phù thũng… Nguyên nhân phần lớn do Tỳ Thận dương hư, Tỳ dương bất chấn, chức năng vận hóa kém, hoặc do Thận dương không lưu bố, khí hóa vô lực. Điều trị: kiện Tỳ bổ Thận hoặc kiện Tỳ hành thủy.

- DƯƠNG THƯỜNG HỮU DƯ, ÂM THƯỜNG BẤT TÚC 阳常有余, 阴常不足

Một trong những luận thuyết của Chu Đan Khê thông qua thực tiễn lâm sàng. Theo ông, Âm là chỉ tinh huyết, Dương là chỉ khí hóa, tức là cái hư hỏa bốc là do tinh huyết khuy tổn sản sinh ra. Ông cho rằng tinh huyết không ngừng bị hao mòn, dễ tổn hại mà khó phục hồi. Cho nên nói là Âm thường bất túc. Nếu không chú ý bảo dưỡng tinh huyết, buông thả rượu chè sắc dục, thì dương khí bốc (hữu dư), hư hỏa vọng động mà phát bệnh, gọi là Dương thường hữu dư. Vì thế ông chủ trương giữ gìn tinh huyết để duy trì âm dương trong thân thể được thăng bằng, đó chính là phương pháp luận coi trọng tư âm trong lâm sàng của Chu Đan Khê.

- DƯƠNG THỬ 阳暑

Tên bệnh. Do lao động mệt nhọc dưới nắng gắt mùa hè hoặc đi đường xa, cảm nhiễm khí viêm nhiệt nung nấu mà phát bệnh gọi là Thương thử. Chứng trạng chủ yếu là đau đầu, sốt cao, người vật vã, khát nước, ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng khô, mạch hồng sác.

- DƯƠNG TỔN CẬP ÂM 阳損及阴

Tình trạng dương khí hư yếu liên lụy đến âm khiến sự sinh hóa của âm tinh không đủ. Như trong thời gian dài chức năng hấp thu và tiêu hóa của Trường Vị bị trở ngại, làm cho cơ thể bị gầy ốm. Hiện tượng này gọi là Dương tổn cập Âm.

- DƯƠNG TRUNG CHI ÂM 阳中之阴

Một nội dung trong học thuyết Âm Dương. Chỉ sự vật thuộc âm mà vị trí thuộc dương nên mới có tên gọi. Thiên ‘Kim quỹ chân ngôn luận’ (Tố vấn) ghi: “Từ giữa trưa cho tới chiều tối, ban ngày thuộc dương, ban đêm thuộc âm. Ban ngày lại phân ra từ giữa trưa tới chiều tối là âm trong dương”.

 - DƯƠNG TRUNG CHI DƯƠNG 阳中之阳

Một nội dung trong học thuyết Âm Dương. Chỉ sự vật thuộc dương mà vị trí cũng thuộc dương nên mới có tên gọi. Thiên ‘Kim quỹ chân ngôn luận’ (Tố vấn) ghi: “Từ sáng sớm cho tới giữa trưa, ban ngày thuộc dương, ban đêm thuộc âm. Ban ngày lại phân ra từ sáng sớm tới giữa trưa là dương trong dương”.

- DƯƠNG TU SANG 羊须疮

Bệnh ngoài da. Do Tỳ Vị có thấp nhiệt, lại cảm nhiễm phong tà mà gây bệnh. Ở dưới trán nổi mẩn hoặc mọc thành từng dề to như hạt thóc hoặc hạt đậu nành có màu đỏ gây ngứa đau, khi vỡ chảy nước vàng.

- DƯƠNG TUYỆT 阳绝

Loại mạch tượng chỉ thấy đập ở bộ thốn, còn hai bộ quan và xích thì không cảm thấy mạch đập. Đó là biểu hiện của dương khí tuyệt.

- DƯƠNG Y 疡医

Chỉ thầy thuốc chữa bệnh ngoài da. Xuất xứ từ thời nhà Chu. Các quan trông coi chia thành nhiều khoa, trong đó các thầy thuốc chuyên trị các bệnh ngoài da như Thũng dương (các vết thương gây sưng ngứa), Hội dương (các vết thương gây lở loét), Kim sang (các vết thương do đao kiếm), Chiết cốt (gãy xương), đều được gọi chung là Dương y.

- DƯỠNG ÂM 养阴

Còn gọi là Tư âm, Bổ âm.

- DƯỠNG ÂM GIẢI BIỂU 养阴解表

Còn gọi là Tư âm giải biểu. Phép chữa phối hợp thuốc dưỡng âm với thuốc giải biểu để chữa bệnh nhân vốn có âm hư, lại cảm nhiễm ngoại tà.

- DƯỠNG ÂM NHUẬN TÁO 养阴润燥

Phương pháp chữa Táo, Nhiệt tà làm tổn thương tân dịch ở Phế Vị. Thích hợp nhất là chứng Phế Vị âm dịch bất túc. Thường thấy họng khô, miệng khát, sốt về chiều, hoặc ho khan ít đàm, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

- DƯỠNG ÂM THANH PHẾ 养阴清肺

Phương pháp chữa chứng Phế nhiệt do âm hư. Thích hợp chữa các chứng đau cổ họng và bạch hầu do âm hư. Thường thấy ho khan ít đàm, hoặc trong đàm có lẫn ít máu, sốt về chiều, mồ hôi trộm, tức nặng ngực, miệng khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

- DƯỠNG CAN 养肝

Phương pháp dùng các thuốc có công dụng dưỡng huyết tư âm để chữa Can âm hư, Can huyết bất túc. Can âm hư có biểu hiện triệu chứng thị lực giảm, khô mắt, quáng gà, có lúc chóng mặt, ù tai, móng tay chân nhợt hoặc kém ngủ, hay mơ, miệng khô, ít nước bọt, mạch tế nhược. Còn gọi là Nhu Can, Dưỡng huyết nhu Can.

- DƯỠNG HUYẾT 养血

Tức Bổ huyết.

- DƯỠNG HUYẾT GIẢI BIỂU 养血解表

Phép chữa phối hợp dùng thuốc dưỡng huyết với thuốc giải biểu, để chữa chứng âm huyết suy hư do huyết hư sau khi ốm khỏi hoặc sau khi bị mất máu, lại bị cảm mạo. Để đạt được mục đích vừa bổ dưỡng cho âm huyết bất túc, lại có thể giải trừ biểu tà.

- DƯỠNG HUYẾT NHU CAN 养血柔肝

Tức Dưỡng Can.

- DƯỠNG HUYẾT NHUẬN TÁO 养血润燥

Phương pháp chữa táo bón do huyết hư. Người bệnh có triệu chứng sắc mặt trắng xanh, môi và móng chân tay không tươi nhuận, chóng mặt, xây xẩm, hồi hộp, hay sợ sệt, đại tiện táo bón khó đi, chất lưỡi bệu nhợt, mạch tế sác.

- DƯỠNG TÂM AN THẦN 养心安神

Phương pháp chữa tâm thần không yên do âm hư. Thường dùng chữa các chứng Tâm huyết bất túc. Chứng thấy tim đập nhanh, hồi hộp, dễ kinh sợ, hay quên, mất ngủ, tinh thần hoảng hốt, hay mơ, di tinh, đại tiện táo kết, miệng lưỡi lở, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.

- DƯỠNG VỊ 养胃

Tức Tư dưỡng Vị âm.

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top