Vần K

Vần K

Vần K

Vần K

Vần K
Vần K
Chi tiết bài viết

 

- KÊ HUNG 鸡胸

Loại tật bệnh biến dạng ở trẻ em. Nguyên nhân do phát dục không hoàn chỉnh, đa số do bẩm sinh tiên thiên bất túc, hậu thiên điều dưỡng không tốt, Tỳ Vị suy tổn, cấu tạo xương ngực mềm yếu làm cho vùng xương ngực nổi gồ lên giống như ức gà (kê hung).

- KÊ KHÁI 鸡咳

Tức Bách nhật khái. Ho gà.

- KÊ MANH 鸡盲

Bệnh quáng gà. Nguyên nhân do Tỳ Vị hư nhược dẫn đến Can huyết kém sút, hoặc Thận âm bất túc. Triệu chứng chủ yếu là về chiều hoặc ban đêm không trông thấy gì. Còn gọi là Dạ manh, Tước mục.

- KÊ MINH 鸡鸣

R Gà gáy lúc sáng sớm. Do đó, có chứng ‘Kê minh tiết tả’, tiêu chảy lúc sáng sớm.

R Giờ Sửu (1-3 giờ). Xem thêm mục Thập nhị thời.

- KÊ NHÃN 鸡眼

Chai chân. Thường sinh ra ở ngón chân. Nguyên nhân phần nhiều do giày quá chật hoặc cấu tạo xương ngón chân vốn biến dạng, khiến lớp da ở chân dày cứng gây đau. Chai chân kết thành cục rắn, nhiều ít không nhất

 

định, rễ rất sâu, lớp da ở chân dày thêm, thường làm nhức nhối, đi lại khó khăn.

- KẾT ÂM 结阴

Tà khí kết lại ở âm kinh. Can thuộc Quyết âm chủ tàng huyết, Thái âm (Tỳ) chủ thống huyết. Tà kết lại ở âm kinh, không được sự thống nhiếp vận hành của dương khí. Bệnh kéo dài làm tổn thương tới lạc mạch của kinh âm (âm lạc), khiến huyết tràn ra ở bên trong (cơ thể) cho nên kết âm có thể thấy chứng đại tiện ra máu.

- KẾT DƯƠNG 结阳

Bệnh tay chân phù thũng. Xuất xứ: Thiên ‘Âm dương biệt luận’ (Tố vấn). Tay chân là gốc của các kinh dương, là nơi ngưng kết của dương khí, nếu dương khí không tuyên thông thì chất nước đình trệ gây nên phù thũng.

- KẾT GIẢ TÁN CHI  结者散之

Phương pháp điều trị. Chứng kết tụ nên làm tiêu tan đi. Thí dụ: Trọc đàm kết lại thành loa lịch, lâu ngày không tiêu, nên sử dụng phép nhuyễn kiên tán kết để chữa.

- KẾT HUNG 结胸

Bệnh chứng tà khí kết ở trong ngực. Có hai loại chứng trạng chủ yếu:


a/ Vùng ngực sườn, sờ vào đau, cổ gáy cứng, sốt có mồ hôi, mạch thốn bộ phù, quan bộ trầm.

b/ Từ mỏ ác đến bụng dưới rắn, đầy mà đau, cự án, đại tiện bí kết, miệng lưỡi khô ráo mà khát, về chiều hơi có sốt cơn, mạch trầm kết. Nguyên nhân phát bệnh là do bệnh ở Thái dương dùng thuốc công hạ quá sớm đến nỗi biểu nhiệt hãm ở trong, cộng với thủy ẩm kết tụ sẵn có ở trong ngực hoặc dùng nhầm thuốc hạ, tà từ kinh Thái dương truyền vào Dương minh, làm cho dương minh tích nhiệt cộng với thủy ẩm sẵn có trong bụng cấu kết gây nên. Ngực sườn ấn vào đau, cổ gáy cứng, hơi có mồ hôi hoặc chỉ ra mồ hôi ở đầu là nhiệt tà với thủy ẩm cùng câu kết gọi là Thủy kết hung, Thủy khí kết hung hoặc Thủy nhiệt kết hung. Mỏ ác tới bụng dưới cứng, đau, cự án, tiện bí, về chiều có sốt cơn nhẹ, gọi là Thực nhiệt kết hung. Ngoài ra còn có Tiểu kết hung, Đại kết hung, Huyết kết hung, Hàn thực kết hung.

- KẾT MẠCH 结脉

Một trong 27 loại mạch. Mạch đến chậm chạp thong thả nhưng không theo nhịp độ quy tắc. Thường gặp ở các bệnh hàn ngưng khí trệ và sán khí, trưng hà, tích tụ hoặc bệnh về tim mạch.

- KHA CẦM 柯琴

Không rõ năm sinh năm mất. Đời Thanh, Trung quốc. Kha Cầm, tự Vận Bá 韵伯, hiệu Tự Phong, người đời Thanh, Từ Khê, Trượng Đình (nay là Chiết Giang, Từ Khê), sau dời về ở Ngu Sơn (Giang Tô, Thương Thục), sinh sống vào quãng niên hiệu Khang Hy, Ung Chính (1662-1735). Ông là người giỏi thơ văn, sống đức độ, không chuộng quan trường, ẩn cư ở Ngu Sơn, học sách y; cả đời ra sức nghiên cứu ,’Nội kinh’, ‘Thương hàn luận’. Sách thuốc ông viết gồm có: ‘Thương hàn luận chú’, bốn quyển, ‘Thương hànluận dục’, hai quyển, ‘Thương hàn phụ dực’, hai quyển, hợp lại lấy tên là ‘Thương hànlai tô tập’. Ông cũng có giáo chính ‘Hoàng Đế Nội kinh’ soạn ra một sách ‘Nội Kinh hợp bích’, tiếc là đã bị thất lạc. Nhưng xem luận thuật trong ‘Thương hàn lai tô tập’ có thể thấy được ông đã rất công phu trong việc nghiên cứu ‘Nội Kinh’. Phép học trị liệu của ông nghiêm túc, khách quan. Ông nhận xét rằng: ‘Thương hàn luận’ là sách phương thuốc dẫn đường cho kẻ hậu học. Nhưng vì từ trước những nhà chú thích tuy nhiều, riêng ai nấy bổ sung chỗ tâm đắc của minh, chưa chắc đã phù hợp với nguyên ý của Trọng Cảnh. Theo ông, sách ‘Thương hàn luận’, qua tay Thúc Hòa biên soạn, đã không còn là sách của Trọng Cảnh, nghĩa của Trọng Cảnh sai sót nhiều, văn của Thúc Hòa luận thuật cũng nhiều, sau trải qua Phương Hữu Chấp, Dụ Xương hai nhà nữa, lại càng xa ý chỉ của Trọng Cảnh; lời luận càng lạ, cách lẽ càng xa, những điều phân tích càng mới, cổ pháp càng loạn. Ông càng không đồng ý với học thuyết ‘Tam cương đảnh lập’, cho rằng đó là ‘mai một tâm pháp của Trọng Cảnh’. Đồng thời ông cũng phản đối việc theo chủ trương của phái cựu luận ‘không dám thêm bớt một chữ, dời đổi một tiết sách’, cho rằng thực chất tinh thần của ‘Thương hàn luận’ là biện chứng luận trị, không màng là cựu luận Trọng Cảnh hoặc toản tập Thúc Hòa, chỉ cần phù hợp với tinh thần biện chứng luận trị, sự chân ngụy sẽ không là chủ yếu. Thế là ông mạnh dạn đề xuất phương pháp dùng phương để phân loại chứng, lấy phương gọi tên chứng, phương không câu nệ kinh, hội tập các lý luận, đem sách của Trọng Cảnh đính chính, chú giải, soạn ra sách ‘Thương hàn lai tô tập’ (lai tô: chết rồi sống lại), phát huy tinh nghĩa của ‘Thương hàn luận’. Sách này thể hiện sự nghiên cứu tinh thâm bệnh thương hàn của ông, một thành tựu siêu việt có ảnh hưởng cực lớn đối với công việc nghiên cứu ‘Thương hàn luận’ của đời sau. Cho nên có người gọi ông là ‘công thần của Trọng Cảnh, chánh hữu của chư gia’ (chánh hữu: bạn thẳng thừng khuyến dụ bạn bè). Nhà ôn bệnh học trứ danh Diệp Thiên Sĩ cũng khen sách này là ‘độc khai sinh diện, khả vi thù thế chi bảo’ (riêng mở đường mới, đáng là của báu giúp chơi), đủ thấy giá trị của quyển sách.

Kế thừa ‘Thương hàn luận, đã biên soạn ‘Thương hàn lai tô tập’ chủ trương thương hàn nên khái quát cả chứng trị tạp bệnh; đối với lý luận về tính bệnh, hợp bệnh có nhiều luận điểm phát huy.

- KHÁCH GIẢ TRỪ CHI 客者除之

Bệnh tật do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Khi ứng dụng vào điều trị nên dùng phương pháp khu tà, tuy nhiên phải xem mức độ và tính chất của ngoại tà, và tùy theo sức đề kháng của mỗi người mới có phương pháp điều trị phù hợp.

- KHÁCH NGỖ 客忤

Trẻ em đột nhiên bị kích thích ngoại giới, như thấy vật lạ, tiếng hét, tiếng nổ… phát sinh kinh hoàng, mặt tái mét, miệng sùi bọt dãi, suyễn thở, đau bụng, chân tay co giật (giống như kinh giản – động kinh).

- KHÁCH TÀ 客邪

Tà khí xâm phạm cơ thể (vì tà khí từ bên ngoài tới nên gọi là khách tà)

- KHAI BẾ开闭

Khai khiếu.

- KHAI BĨ 开痞

Pháp trị. Dùng thuốc cay thơm, hành khí như cành Hoắc hương, Bội lan, Mộc hương, Hậu phác, Phật thủ, để khai tán chứng trạng ngực sườn và bụng chướng đầy, khó chịu.

- KHAI CẤM THÔNG QUAN 开噤通关

Phương pháp chữa hôn mê, bất tỉnh nhân sự, hàm răng nghiến chặt. Thường dùng các vị thuốc cay ấm, thơm nồng để thông quan khai khiếu, chế thành thuốc tán (thuốc bột), mỗi lần dùng chút ít thổi vào mũi. Thích hợp chữa các chứng bế do hàn.

- KHAI ĐẠT MÔ NGUYÊN 开达膜源

Dùng vị thuốc có tác dụng tiêu trừ uế trọc để công trục bệnh tà bế tắc ở mô nguyên. Ôn bệnh khi mới mắc, tà khí lưu ở mô nguyên, có triệu chứng một cơn rét, một cơn nóng, hoặc mỗi ngày một lần, hoặc ngày vài ba lần, không có giờ nhất định, ngực khó chịu, muốn nôn, đau đầu, phiền táo, rêu lưỡi cáu nhớt, mạch huyền sác. Điều trị bằng ‘Đạt nguyên ẩm’.

- KHAI ĐỀ 开啼

Bệnh danh. (Khai: trừ bỏ nhiệt ở biểu lý; Đề: thăng thanh khí). Bệnh nhân vốn có biến chứng lại uống nhầm thuốc tả hạ, bệnh tà hãm xuống phát sinh nhiệt tả, đồng thời lại có các chứng mình nóng, ngực bụng phiền nhiệt, khát nước, suyễn mà ra mồ hôi. Cho uống ‘Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang’.

- KHAI HẠP BỔ TẢ 开合补泻

Một trong các thủ pháp châm cứu đời xưa. Chủ yếu là sau khi rút kim dùng tay bịt miệng lỗ châm khiến lỗ châm đóng kín (gọi là hạp), đồng thời cũng là phép bổ.

Nếu mà rút châm vừa lay động thân châm cho miệng lỗ châm rộng ra và châm rút khỏi da, không cần vít miệng lỗ (gọi là khai) (mở) đồng thời cũng là phép tả.

- KHAI, HỢP, KHU 开,合,枢

Ba điểm về tác dụng sinh lý của kinh mạch.

Đối với dương kinh: Thái dương kinh chủ khai. Dương minh kinh chủ hợp, Thiếu dương kinh chủ khu.

Đối với âm kinh: Thái âm kinh chủ khai, Quyết âm kinh chủ hạp, Thiếu âm kinh chủ khu.

Từ ‘khai’ chỉ Thái dương kinh ở trong dương kinh (hoặc Thái âm kinh ở trong âm kinh) ở bộ vị tương đối nông của thể biểu, tiếp cận với ngoại giới và có tác dụng khai phóng. Từ ‘hợp’ chỉ vị trí sâu hơn giữa kinh mạch và thể biểu, có tác dụng thu liễm đóng kín. Từ ‘khu’ chỉ vị trí ở khoảng giữa, vừa biểu vừa lý, có ý nghĩa và các tác dụng xoay chuyển, có thể hướng ra ‘khai’, hoặc hướng vào ‘hợp’ (giống như bản lề cửa làm nhiệm vụ mở đóng cánh cửa)

- KHAI KHIẾU 开窍

Phương pháp chữa tà uất ở tâm khiếu, thần chí hôn mê. Thích hợp chữa các chứng bế do tà thịnh khí thực. Thường có phân ra lương khai và ôn khai. Còn gọi là Khai bế, Khai khiếu thông thần, Tuyên khiếu, Tỉnh não, Tỉnh thần.

- KHAI KHIẾUTHÔNG THẦN 开窍通神

Tức là Khai khiếu.

- KHAI QUỶ MÔN 开鬼门

Phép phát hãn – làm cho ra mồ hôi (Khai: Mở; Quỷ môn: tuyến mồ hôi).

- KHAI TIẾT 开泄

Tức Tân khai khổ tiết.

- KHAI UẤT 开郁

Giống như khai uất lý khí.

- KHAI VỊ 开胃

Phương pháp điều trị. Dùng các vị thuốc có tác dụng hành khí và hỗ trợ tiêu hóa. Dùng để chữa các chứng ăn uống kém.

- KHÁI NGHỊCH 咳逆

Tức Ách nghịch.

- KHÁI NGHỊCH THƯỢNG KHÍ  咳逆上气

Chứng bệnh khái thấu khí suyễn (thượng khí: Phế khí nghịch lên). Chứng này có chia thực chứng và hư.

Thực chứng chủ yếu là suyễn ho, ngực đầy, thở gấp, không nằm ngửa được, đờm nhiều, dính đặc, mạch phù hoạt. Nguyên nhân do ngoại cảm lục dâm hoặc do đờm ẩm đình trệ ở bên trong, Phế mất chức năng tuyên giáng mà gây ra; Hoặc do Phế khí hư tổn, Tỳ mất chức năng kiện vận, Thận không nạp khí mà sanh bệnh.

- KHÁI NGƯỢC 咳疟

Tức Ngược tật.

- KHÁI SUYỄN 咳喘

Suyễn, ho, do Phế khí thượng nghịch gây ra.

- KHÁI THẤU 咳嗽

Ho có đàm. Nguyên nhân phần lớn do ngoại tà phạm Phế hoặc do tạng phủ nội thương làm ảnh hưởng Phế mà phát bệnh.

- KHÁI THẤU ĐÀM THỊNH 咳嗽痰盛

Chứng ho có nhiều đàm. Hoặc do Tỳ hư thấp tụ hoặc Phế mất túc giáng, từ đó sanh bệnh. Nếu ho do Tỳ hư thấp tụ thì thấy ho đàm nhiều mà đặc. Nếu ho do Phế mất túc giáng thì ho đàm sắc trắng dính.

- KHÁI THẤU THẤT ÂM 咳嗽失音

Chứng ho kèm phát âm khó khăn. Đây là do Phế âm bất túc, Phế mất chức năng túc giáng, làm ảnh hưởng đến việc phát âm. Thường thấy ho không có đàm, trong đàm có lẫn máu hoặc khạc ra máu, tiếng nói khan, lưỡi khô mà sáng, mạch tế sác.

 - KHÁI HUYẾT咳血

Chứng ho ra máu. Huyết dịch từ Phế với khí quản thường có màu đỏ tươi, đàm và huyết cùng xuất hiện hoặc trong đàm có lẫn sợi máu gọi là đàm huyết. Nếu do khạc nhổ mà ra máu, lại gọi là thóa huyết. Nguyên nhân phần nhiều do ngoại cảm phong tà chưa giải hết, hóa nhiệt, hóa táo làm tổn thương Phế lạc, hoặc do Can hỏa phạm Phế mà phát bệnh.

- KHÂM CHÂM 揿针

Loại kim có cán dẹp, thân kim dài từ 2~3mm, thường được dùng để châm loa tai. Khi châm ấn kim vào dưới da chỗ huyệt đã chọn.

- KHẨN MẠCH 紧脉

Một loại mạch tượng. Mạch đến khẩn trương có lúc, ứng lên tay căng gấp như vuốt lên dây. Thường gặp trong các chứng hàn hoặc các chứng đau.

- KHẤP 泣

Tức nước mắt.

- KHÂU MẠCH 芤脉

Một loại mạch tượng. (Khâu: Rỗng như dọc hành). Mạch đến phù đại mà mềm, ấn nặng tay thấy rỗng không như ấn vào dọc hành. Thường gặp sau khi bị mất quá nhiều máu. Còn gọi là Khổng mạch.

- KHẨU 口

Một trong thất khiếu. Bao gồm các bộ phận môi, lưỡi, răng họng, qua yết hầu nối liền với thực quản, có quan hệ mật thiết với Tỳ. Tại miệng có các đường kinh mạch đi qua như Đại trường, Vị, Tỳ, Tâm, Thận, Tam tiêu, Đởm, Đốc mạch, Nhâm mạch và Xung mạch.

- KHẨU A SANG 口丫疮

Chứng lở mép. Thường do Tỳ Vị tích nhiệt gây nên. Trẻ em hay mắc bệnh này. Hai bên mép bị lở loét nhăn nhúm, ăn uống vừa khó vừa đau.

- KHẨU BẤT NHÂN 口不仁

Chứng trạng miệng lưỡi tê dại, vị giác giảm sút. Thường gặp ở các bệnh trúng phong hoặc Tỳ Vị bị tích trệ gây nên. Cũng có khi do ngộ độc các vị thuốc có độc như Ô đầu, Phụ tử, Mã tiền… Xuất hiện miệng lưỡi tê dại trong thời gian ngắn.

- KHẨU CAM 口疳

➊ Tức khẩu sang. ➋ Chứng lở loét xoang miệng ở trẻ em bị tiêu chảy do cam tích chưa khỏi hoặc mới khỏi. Do thấp nhiệt nung nấu tân dịch.

- KHẨU CAM PHONG 口疳风

Còn gọi là lưỡi mọc nhọt. Tức trên lưỡi nổi những nhọt trắng, lớn nhỏ không đều, phát liên tục, kèm theo mạch hư vô lực. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Thận hư hỏa thượng viêm mà phát sinh. Nếu trên lưỡi nổi nhọt nhỏ, gây đau ngứa, lở loét kèm theo mạch hồng hữu lực, phần nhiều do Tâm Tỳ tích nhiệt mà phát bệnh.

- KHẨU CẤM 口噤

Chứng trạng hàm răng nghiến chặt, miệng không há được.

- KHẨU NIỆM 口甜

Còn gọi là Khẩu cam 口甘. Trong miệng có cảm giác vị ngọt. Nguyên nhân do thấp nhiệt uất tích ở Tỳ gây ra.

- KHẨU HÀM 口咸

Trong miệng bệnh nhân tự có cảm giác vị mặn. Nguyên nhân phần lớn do Thận hư, do Thận dịch tràn lên trên gây ra.

- KHẨU KHỔ 口苦

Trong miệng thường có vị đắng. Đây là biểu hiện của chứng thực nhiệt.

- KHẨU KHỔ YẾT CAN 口苦咽干

Trong miệng có vị đắng, cổ họng khô ráo. Nguyên nhân phần lớn do Can Đởm tích nhiệt, Can hỏa thượng viêm, hun đốt làm cho tân dịch bị tổn thương. Thường thấy ở kinh Thiếu dương thực nhiệt.

- KHẨU MI 口糜

Chứng loét miệng. Thường do Tỳ kinh tích nhiệt, niêm mạc xoang miệng lở loét gây đau, ăn uống bị trở ngại.

- KHẨU NHÃN OA TÀ 口眼喎邪

Do phong đàm vít lấp kinh lạc gây ra triệu chứng miệng mắt méo lệch. Thường thấy miệng méo mắt xếch, không nhắm kín. Gặp ở những bệnh nhân bị liệt mặt.

- KHẨU NHUYỄN 口软

Một trong ngũ nhuyễn. Chứng thấy môi nhạt, nhai, cắn yếu sức, có lúc chảy nước miếng. Nguyên nhân phần lớn do Tỳ Vị khí hư gây ra.

- KHẨU OA 口喎

Miệng méo. Xem thêm ‘’Oa tích bất toại’.

- KHẨU SANG 口疮

Chứng loét miệng. Thường do Tỳ Vị tích nhiệt, cũng có thể do thể chất yếu, hư hỏa bốc lên gây nên chứng trạng niêm mạc trong xoang miệng lở loét.

- KHẨU TÍCH 口僻

Tức Oa tích bất toại.

- KHẨU TOAN 口酸

Bệnh nhân tự có cảm giác miệng có vị chua. Nguyên nhân phần lớn do tiêu hóa không tốt mà sanh bệnh.

- KHẨU THẦN HIỂM CHỨNG 口唇险症

Phản ánh những chứng trạng nguy hiểm ở môi miệng. Miệng môi cuốn lại, miệng chu, hơi thở yếu, miệng như miệng cá, đầu lắc không cố định hoặc miệng không thể khép lại…

- KHẨU TRUNG HÒA 口中和

Hiện tượng miệng không khô, không khát, vị giác bình thường. Đây là các biểu hiện của Vị khí bình thường, tân dịch sung túc.

- KHẨU TRUNG VÔ VỊ 口中无味

Chứng trong miệng nhạt nhẽo không có mùi vị gì. Thường kèm thấy ăn uống không biết ngon. Nguyên nhân do Tỳ Vị hàn thấp và Thận khí hư nhược mà phát bệnh.

- KHẨU XÚ 口臭

Chỉ người bệnh cảm thấy trong miệng có mùi hôi thối. Nguyên nhân phần nhiều do Vị hỏa thịnh, cũng có thể thấy ở các bệnh nhân do tiêu hóa không tốt hoặc có bệnh về  răng.

- KHÊ CỐC 溪谷

Chỗ lõm tiếp giáp giữa các thớ thịt với nhau. Những khe rãnh lớn của thớ thịt gọi là cốc (hoặc đại cốc). Những khe rãnh nhỏ, hẹp của thớ thịt gọi là khê (hoặc tiểu khê).

- KHÊ ĐỘC 溪渎

Tức Thủy độc.

- KHÍ 气

➊ Quá trình hít thở đưa không khí vào trong cơ thể. ➋ Chất tinh vi được đưa đi nuôi dưỡng trong cơ thể. ➌ Các chức năng của các tổ chức tạng phủ trong cơ thể.

- KHÍ ÁCH 气呃

Chứng nấc cục do khí cơ bị uất trệ hoặc khí hư gây ra.

- KHÍ ANH 气瘿

Chứng bướu cổ do tình chí bị uất kết hoặc không hợp với thủy thổ mà thấy vùng cổ nổi bướu. Bướu mềm, mép không rõ, màu da bình thường, không gây đau. Bướu lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sự thay đổi của tình chí. Thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi. Giống như bướu tuyến giáp trạng (bướu giáp).

- KHÍ ÂM BẤT TÚC 气阴不足

Tức Khí âm lưỡng hư.

- KHÍ ÂM LƯỠNG HƯ 气阴两虚

Trong quá trình mắc các bệnh nhiệt tính hoặc bệnh mạn tính, có dấu hiệu âm dịch và dương khí đều bị tổn thương và tiêu hao.

Mức độ bệnh còn nhẹ gọi là Khí âm bất túc. Mức độ nặng hơn là Khí âm lưỡng hư (đều hư). Còn gọi là Khí âm lưỡng thương.

- KHÍ ÂM LƯỠNG THƯƠNG  气阴两伤

Tức chứng Khí âm lưỡng hư.

- KHÍ ẨU 气呕

Bệnh chứng do tình chí không khoan khoái (như hay giận dữ, ưu tư) hoặc do Tỳ khí uất kết gây ra chứng nôn ói. Thường thấy trong các chứng nôn ói do thần kinh, viêm dạ dày mạn tính.

- KHÍ BÍ 气秘

Chứng táo bón do khí trệ (thất tình uất kết) hoặc khí hư (Phế khí không giáng) gây ra.

- KHÍ BĨ 气痞

Chứng ngực bụng kết khối đầy do khí trệ. Nguyên nhân do ngoại cảm mà sai lầm chọn dùng phép hạ (gây đi ngoài) hoặc do thất tình làm tổn thương, khí cơ bế tắc gây ra.

- KHÍ CÁCH 气膈

Chứng ế cách do khí cơ uất kết gây bệnh.

- KHÍ CAM 气疳

Tức chứng Phế cam.

- KHÍ CHÍ 气至

Tức Đắc khí.

- KHÍ CỔ 气鼓

Do khí cơ uất trệ gây ra bệnh cổ trướng. Xem Cổ trướng.

- KHÍ CỔ 气臌

Chứng Cổ trướng do khí cơ uất kết gây ra. Thường thấy bụng trướng to, nổi gân xanh, toàn thân sưng phù, màu da vàng xanh.

- KHÍ CÔNG 气功

Phương pháp dùng ý thức để điều khiển hơi thở thông qua điều tiết hô hấp, và làm cho hơi thở vận hành theo lộ trình đã định sẵn. Trong quá trình thực hành điều chỉnh các hoạt động nhằm duy trì sự sống có ý nghĩa khống chế khiến cho tinh thần ổn định nhằm mục đích giữ gìn sức khỏe và chữa bệnh. Nếu dùng để chữa bệnh, gọi là Khí công liệu pháp.

- KHÍ CÔNG LIỆU PHÁP 气功疗法

Phương pháp thông qua khí công để phòng và chữa một số bệnh tật.

- KHÍ CƠ 气机

Công năng hoạt động của khí (con đường vận hành khí của tạng phủ).

- KHÍ CƠ BẤT LỢI 气机不利

Cơ năng hoạt động của tạng phủ bị chướng ngại, nhất là các chức năng thăng thanh giáng trọc bị rối loạn. Thường thấy phát sinh ra các chứng nấc cục, ngực bụng kết khối đầy tức, bụng trướng, đau, đại tiểu tiện không bình thường.

- KHÍ CỰC 气极

Một bệnh chứng lao thương hư tổn trong lục cực. Khí cực có biểu hiện đoản hơi, thở gấp.

- KHÍ DO TẠNG PHÁT 气由脏发

Công năng sinh lý của tạng. Khí là tên gọi chung cho cơ năng hoạt động của ngũ tạng tàng chứa tinh khí và các vật chất tinh vi chuyển động trong cơ thể .

- KHÍ DOANH LƯỠNG PHỒN 气营两燔

Hiện tượng tà nhiệt nung nấu mạnh mẽ ở phần khí và ở phần doanh. Thường thấy sốt cao, miệng khát, phiền táo, thần chí hôn mê, nói sảng, ban chẩn lờ mờ. Nặng thì ói ra máu, chảy máu mũi, lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng khô, mạch tế sác.

- KHÍ DOANH LƯỠNG THANH 气营两清

Phương pháp điều trị bệnh nhiệt hoặc nhiệt tà xâm phạm phần khí và phần doanh. Thường dùng để chữa các chứng sốt cao, tâm phiền, miệng khô khát, chất lưỡi đỏ sậm, rêu lưỡi vàng mà khô, mạch hồng sác… Còn gọi là Thanh khí lương doanh.

- KHÍ ĐÀM 气痰

➊ Tức chứng táo đàm. ➋ Chứng mai hạch khí. ➌ Chứng đàm phát sinh do tinh thần bị kích thích.

- KHÍ ĐOẢN 气短

Chứng thiếu hơi, hụt hơi, hơi thở ngắn do khí hư gây ra.

- KHÍ HẢI 气海

➊ Tên bộ vị, có chia trên và dưới. Đản trung là Thượng khí hải, nơi chứa tụ tông khí và là nguồn phát của khí. Là một trong tứ hải; Đan điền ở dưới rốn đo xuống 2 thốn là Hạ khí hải, nơi chứa tụ tinh khí của nam nữ. ➋ Tên huyệt thuộc mạch Nhâm, thẳng rốn xuống 1,5 thốn.

- KHÍ HÓA 气化

➊ Sự vận hành biến hóa khí và sản sinh ra khí trong cơ thể. ➋ Sự tuyên hóa lưu hành khí của Tam tiêu, như công năng chuyển vận thủy dịch của Tam tiêu. Chức năng bài tiết nước tiểu của Bàng quang là tác dụng của khí hóa.

- KHÍ HÓA BẤT LỢI 气化不利

Bệnh lý. Thủy thũng là một bệnh lý tiểu tiện trở ngại, tiểu tiện tốt hay không đều nhờ vào tác dụng của Bàng quang. Thí dụ: Thấp nhiệt hạ chú hoặc Mệnh môn hỏa suy đều do công năng khí hóa của Thận và Bàng quang bị trở ngại hoặc sút kém làm  cho tiểu tiện khó khăn, nhỏ giọt, nặng thì bế tắc không thông, hình thành thủy thũng. Đây là trạng thái thủy không hóa khí.

- KHÍ HỘI 气会

Một trong bát giao hội huyệt. Tức huyệt Chiên trung. Là nơi hội tụ của tinh khí.

- KHÍ HUYẾT BẤT HÒA 气血不和

Còn gọi là khí huyết thất điều. Bệnh lý do quan hệ khí và huyết không điều hòa. Trong tình huống sinh lý, khí huyết đều dựa vào nhau. Có khí mới sinh được huyết, có huyết mới nuôi được khí, khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí. Khi có bệnh biến, bệnh của khí có thể làm ảnh hưởng tới bệnh của huyết, bệnh của huyết cũng ảnh hưởng đến bệnh của khí. Thí dụ: Khí trệ có thể dẫn đến huyết trệ và ngược lại huyết trệ cũng có thể dẫn đến khí trệ, xuất hiện các chứng đau nhức hoặc ứ huyết… Khí nghịch có thể dẫn đến huyết nghịch tràn lên trên mà gây nên thổ huyết, khạc ra huyết hoặc đổ máu mũi… Khí hư không nhiếp được huyết có thể dẫn đến huyết không theo kinh mà gây nên đại tiện ra huyết, băng lậu, chảy máu dưới da… Trên lâm sàng những bệnh chứng đau kéo dài, quyết nghịch, kinh nguyệt không đều, xuất huyết mạn tính… đa số có liên quan tới khí huyết không điều hòa.

- KHÍ HUYẾT BIỆN CHỨNG  气血辨证

Biện chứng dựa vào các đặc điểm sinh lý và bệnh lý của khí huyết. Phương pháp biện chứng nội thương tạp bệnh đều lấy khí, huyết làm cương lĩnh để biện chứng luận trị.

- KHÍ HUYẾT ĐIỀU HÒA 气血调和

Tức chứng Khí huyết xung hòa.

- KHÍ HUYẾT ĐÀM THỰC BIỆN CHỨNG  气血痰食辨证

Một trong những phương pháp biện chứng, căn cứ vào những đặc điểm sinh lý và bệnh lý của khí huyết và đặc trưng của đàm, thức ăn gây ra bệnh. Đối với biểu hiện phức tạp trên lâm sàng từ đó phân tích quy nạp, để phán đoán bệnh tình, xác định chẩn đoán.

- KHÍ HUYẾT HƯ NHƯỢC THỐNG KINH 气血虚弱痛经

Chứng thống kinh do cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc. Triệu chứng: đau lâm râm vùng bụng dưới, thích được xoa ấn, kinh nguyệt lượng ít, màu sắc nhợt nhạt mà loãng.

- KHÍ HUYẾT THẤT DIỀU 气血失调

Bệnh lý do khí huyết không điều hòa mà phát sinh. Trên lâm sàng thường gặp trong các chứng bệnh đau lâu ngày, kinh không đều, xuất huyết mạn tính, đều có liên quan đến sự không điều hòa của khí huyết.

- KHÍ HUYẾT XUNG HÒA 气血冲和

Công năng nhịp nhàng, sự vận hành thông sướng của khí huyết. Là một trong những điều kiện quan trọng của các hoạt động duy trì sự sống.

- KHÍ HUYỆT 气穴

Tức là huyệt.

- KHÍ HƯ 气虚

➊ Còn gọi là Khí thiểu, Nguyên khí suy nhược. Phần nhiều do tạng phủ hư tổn. Thường thấy sắc mặt trắng bệch, choáng váng, ù tai, hồi hộp, đoản hơi, người mệt mỏi yếu sức, tự ra mồ hôi, mạch hư vô lực.➋ Chứng Phế khí hư, có chứng sắc mặt trắng nhợt, hơi thở ngắn, tiếng nói nhỏ yếu, sợ gió, tự ra mồ hôi…

- KHÍ HƯ BĂNG LẬU 气虚崩漏

Chứng băng lậu do khí hư gây ra. Triệu chứng: đột nhiên âm đạo chảy ra nhiều máu, hoặc nhỏ giọt không dứt, màu huyết đỏ nhạt mà loãng, kèm theo tinh thần mệt mỏi, hơi thở ngắn, không thiết ăn uống, sắc mặt trắng xanh, chóng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp…

- KHÍ HƯ BẤT NHIẾP 气虚不摄

➊ Một số chức năng của tạng phủ bị trở ngại mà xuất hiện các chứng tự ra mồ hôi, di tinh, tiêu chảy, đái dầm, băng lậu, đại tiện ra máu… ➋ Do khí hư không thống nhiếp huyết mà phát sinh các chứng xuất huyết.

- KHÍ HƯ ĐẦU THỐNG 气虚头痛

Chứng đau đầu do Tỳ Vị bất túc hoặc do khí hư, thanh dương không thăng gây ra bệnh.

- KHÍ HƯ HẠ HÃM 气虚下陷

Tức là Trung khí hạ hãm.

- KHÍ HƯ HOẠT THAI 气虚滑胎

Hiện tượng sảy thai. Nguyên nhân do trung khí bất túc nên xuất hiện các dấu hiệu sanh non. Thường gặp ở các sản phụ thường có thói quen sanh non.

- KHÍ HƯ HUYỄN VỰNG 气虚眩晕

Chứng xây xẩm, chóng mặt do khí hư, dương suy, thanh dương bất thăng mà gây bệnh. Thường kèm thấy tinh thần mệt mỏi, yếu sức, ăn ít, tiêu lỏng, mạch hư. Chóng mặt cũng còn do quá mệt nhọc mà gây ra.

- KHÍ HƯ NUY 气虚痿

Chứng nuy do khí hư yếu. Do nhọc mệt quá sức gây tổn thương bên trong cơ thể, hoặc do sau khi mắc bệnh nặng ăn uống không điều độ làm cho Tỳ Vị khí suy, không sung dưỡng cho chi thể, làm cho bắp thịt tay chân teo róc, yếu sức.

- KHÍ HƯ NGUYỆT KINH QUÁ ĐA 气虚月经过多

Chứng kinh nguyệt ra quá nhiều,  do cơ thể suy nhược, ưu tư quá độ làm tổn thương Tỳ, trung khí bất túc gây ra bệnh. Triệu chứng: kinh hành lượng huyết ra quá nhiều, hoặc thời gian hành kinh quá dài, sắc kinh nhợt nhạt mà loảng, kèm thấy sắc mặt trắng xanh, người mệt mỏi, hơi thở ngắn, tim đập nhanh, người lừ đừ, uể oải.

- KHÍ HƯ NGUYỆT KINH TIÊN KỲ 气虚月经先期

Hiện tượng kinh ra trước kỳ. Nguyên nhân do cơ thể suy nhược, ưu tư quá độ làm tổn thương Tỳ, trung khí bất túc mà phát ra bệnh. Triệu chứng: kinh ra trước kỳ, lượng kinh nhiều, màu đỏ nhạt mà loãng, kèm thấy sắc mặt trắng nhạt, hơi thở ngắn, tim đập nhanh, hồi hộp, người lừ đừ, mệt mỏi.

- KHÍ HƯ NHĨ LUNG 气虚耳聋

Chứng tai điếc gặp ở người lớn tuổi, do cơ thể suy nhược hoặc do sau khi mắc bệnh nặng, khí huyết suy nhược mà gây ra. Thường kèm theo tai ù, tinh thần uể oải, mệt mỏi, tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ, hơi thở ngắn, miệng nhạt, chán ăn, mạch nhược vô lực.

- KHÍ HƯ NHĨ MINH 气虚耳鸣

Chứng tai ù do khí hư gây ra. Nếu tiếng ù tai nhiều mà nhỏ, kéo dài, như tiếng ve kêu, hoặc tiếng sáo thổi, đồng thời kèm có người mệt mỏi, ăn ít, tiêu lỏng là do trung khí bất túc.

- KHÍ HƯ NHIỆT 气虚热

Chứng hư nhiệt do Tỳ Vị khí hư hoặc Tỳ Phế khí hư. Cũng có khi do thử thấp làm tổn thương Phế mà gây ra phát sốt.

- KHÍ HƯ PHÚC THỐNG 气虚腹痛

Chứng đau bụng do khí hư gây ra. Triệu chứng: bụng đau lâm râm, thích được xoa nắn, lúc lao động mệt mỏi thì đau tăng. Kèm thấy sắc mặt vàng vọt, hơi thở ngắn, tiếng nói nhỏ bé, ăn uống kém, mạch tế sáp hoặc hư đại.

- KHÍ HƯ SUYỄN 气虚喘

Chứng suyễn do nguyên khí bất túc, hoặc do Tỳ Phế khí hư mà phát bệnh.

- KHÍ HƯ TẮC HÀN 气虚则寒

Tình trạng dương khí bất túc không ôn dưỡng được tạng phủ, tạng phủ cũng từ đó mà suy nhược theo, cơ năng trao đổi chất suy giảm cho nên có chứng âm hàn như sợ lạnh, tay chân lạnh, tinh thần mệt mỏi, miệng nhạt vô vị, chất lưỡi trắng bệch, mạch trầm trì, tế nhược.

- KHÍ HƯ TÂM QUÝ 气虚心悸

Chứng tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ do dương khí hư suy mà phát bệnh.

- KHÍ HƯ TIỆN BÍ 气虚便秘

Chứng đại tiện táo kết do khí hư. Nguyên nhân do nhọc mệt quá sức, hoặc ăn uống không điều độ làm tổn thương Tỳ khí, hoặc do Phế khí vốn hư, không đưa khí xuống Đại trường, làm cho chức năng truyền tống của Đại trường cũng suy yếu mà gây bệnh.

- KHÍ HƯ TỰ HÃN 气虚自汗

Do khí hư, vệ biểu không bền chặt, phát sinh chứng tự ra mồ hôi. Kèm theo thấy người lạnh, sợ gió, tinh thần mệt mỏi, yếu sức, mạch vi mà hoãn hoặc hư đại.

- KHÍ HƯ TRUNG MÃN 气虚中满

Bệnh lý. Chức năng của Tỳ Thận suy kém, công năng tiêu hóa các chất hấp thu bị chướng ngại phát sinh ra bệnh. Tỳ chủ vận hóa ở trung tiêu, nếu Tỳ Vị khí hư thì mất khả kiện vận, dễ gây nên vùng bụng trướng đầy. Chứng trạng chủ yếu là ăn kém, bụng đầy, lúc nặng, lúc nhẹ ấn vào không đau hoặc ưa xoa nắn, ưa chườm nóng, sắc mặt trắng, miệng lưỡi nhạt, mạch nhược.

- KHÍ HƯ TÝ 气虚痹

Các khớp xương tay chân co duỗi khó khăn, hoặc kèm thấy các chứng tay chân lạnh, tê dại. Do khí hư, dương khí suy, hoặc do hàn thấp ủng kết ở bên trong.

- KHÍ HỮU DƯ TIỆN THỊ HỎA 气有余便是火

Xuất xứ: Sách ‘Cách trí dư luận’ của Chu Đan Khê. Khí: Dương khí; Hữu dư: Thiên thịnh. Tình trạng dương khí thiên thịnh sẽ dẫn đến các loại hỏa chứng. Sự thiên thịnh của dương khí nếu do âm dịch không đủ mà làm cho dương khí mạnh lên thì gọi là hư hỏa thượng viêm; Nếu do tình chí quá cực mà gây ra thì gọi là khí uất hóa hỏa.

- KHÍ KẾT PHÚC THỐNG 气结腹痛

Bụng đau do khí bị kết lại. Xem mục Khí trệ phúc thống.

- KHÍ KHẨU 气口

Tức thốn khẩu

- KHÍ KHIẾP 气怯

Khiếp: Hư nhược, kinh hoàng. Do Đởm khí bất túc dẫn đến hoang mang, hay lo sợ hoặc trung khí hư yếu xuất hiện chứng đoản khí, mệt mỏi, tiếng nói yếu…

- KHÍ LÂM 气淋

Chứng lâm. Bụng dưới và âm nang sưng trướng, tiểu tiện khó hoặc sau khi đi tiểu đau buốt. Nguyên nhân do khí trệ ở bàng quang gây nên. Nếu bệnh kéo dài không khỏi, trái lại thấy bụng dưới vừa nặng vừa đau, tiểu tiện khó và còn nhỏ giọt, là do Tỳ Thận khí hư gây nên.

- KHÍ LỊCH 气疬

Một loại loa lịch, chứng này phát triển có liên quan tới sự giận dữ.

- KHÍ LOA 气瘰

Một loại loa lịch. Sinh ra ở hai bên cổ, do Can khí uất kết, gặp cáu giận thì sưng lên

- KHÍ LUÂN 气轮

Tròng trắng mắt, thuộc Phế (tương đương vùng kết mạc và củng mạc mắt). Nó phản ánh các bệnh lý của Phế và Đại trường.

- KHÍ LUNG 气癃

Tức chứng Khí lâm.

- KHÍ LỰU 气瘤

Một loại bướu nổi lên ở da. To nhỏ không đều, chất mềm, màu da không thay đổi. Nếu nguyên nhân do mệt nhọc làm thương tổn Phế khí, tấu lý không kín đáo, ngoại tà xâm phạm mà kết thành. Tùy theo sự thay đổi của tình chí mà bướu phát sinh lớn hay nhỏ.

- KHÍ LỴ 气痢

Chứng lỵ do khí cơ nghịch loạn (bao gồm khí hư và khí trệ). Chia ra hư chứng và thực chứng.

- Thực chứng: Phân bài tiết ra bọt dính nhớt, cảm giác mót rặn, quặn đau bụng, chướng bụng, khi đại tiện kèm theo trung tiện nhiều, mùi thối khắm, đôi khi kèm theo sôi bụng, tiểu tiện không lợi. Nguyên nhân do thấp nhiệt uất trệ, khí cơ không tuyên sướng.

- Hư chứng: Bụng trướng, khi trung tiện đồng thời vãi cả phân. Nguyên nhân do trung khí hạ hãm, ruột hư không bền.

- KHÍ MÔN 气门

➊ Dương khí tán trệ ở môn hộ. Tức lỗ chân lông. ➋ Tên gọi của huyệt.

- KHÍ NGHỊCH 气逆

Khí nghịch không thuận. Biểu hiện bằng một số chức năng của tạng phủ bị trở ngại. Khí thuận thì yên (bình), khí nghịch thì bệnh. Khí của Phế Vị giáng xuống là thuận. Phế khí nghịch thì suyễn, ho. Vị khí nghịch thì nôn ọe, nấc, ngăn nghẹn.

- KHÍ NHAI 气街

➊ Nơi tiếp giáp bẹn với bụng dưới. Còn gọi là Khí xung. ➋ Phần khí lưu hành ở kinh lạc trong cơ thể. Lạc phủ, vùng đầu, ngực, bụng và chi dưới, nơi nào cũng có khí nhai.

- KHÍ PHẬN 气分

Chứng bệnh ở phần khí.

- KHÍ PHẬN CHỨNG 气分症

Bệnh ôn nhiệt ở giai đoạn hóa nhiệt, tà từ biểu, ở phần vệ xâm nhập vào lý, phát triển nặng lên nhưng chưa vào tới doanh huyết. Nguyên nhân do tà ở phần vệ chưa giải, tà nhiệt chuyển động ở bên trong phần khí mà gây ra. Biểu hiện lâm sàng thấy phát sốt, không sợ lạnh, nhiều mồ hôi, miệng khô khát, thích uống mát, rêu lưỡi vàng khô, mạch hoạt sác hoặc hồng đại.

- KHÍ QUAN 气关

Phương pháp xem vân tay ở trẻ em. Ngón tay trỏ chia làm ba đốt, đốt liền với bàn tay (đốt thứ nhất) gọi là Phong quan, đốt thứ hai là Khí quan, đốt cuối cùng là Mệnh quan. Chỉ văn kéo dài tới Khí quan là bệnh đã khá nặng.

- KHÍ QUYẾT 气厥

Chứng hôn mê, tay chân lạnh do khí cơ nghịch loạn gây ra. Có phân ra khí hư, khí thực khác nhau.

- Khí hư mà sinh quyết thì có chứng choáng váng, ngã lăn ra, sắc mặt trắng nhợt, ra mồ hôi, tay chân lạnh, hơi thở yếu, mạch trầm vi (tương đương loại hôn quyết do huyết áp thấp hoặc hạ đường huyết).

- Khí thực mà quyết, là do mỗi khi nổi giận khí nghịch lên (đồng nghĩa với chứng bạo quyết)

- KHÍ SÁN 气疝

➊ Chỉ chứng đau bụng do ăn uống nóng lạnh thất thường, khí cơ bị trở ngại mà gây bệnh. ➋ Chứng âm nang sưng đau lệch một bên lan tỏa ra vùng lưng (Thận du). Nguyên nhân do cáu giận hoặc làm việc quá mệt nhọc mà phát bệnh.

- KHÍ SUYỄN 气喘

➊ Chứng hô hấp khó khăn. ➋ Chứng khó thở, thở gấp do khí cơ bị uất kết.

- KHÍ TẢ 气泻

Chứng tiêu chảy do Can khí uất kết, và nhất là sau khi giận dữ thì bệnh chứng càng tăng.

- KHÍ TÂM THỐNG 气心痛

Chứng đau tức lồng ngực vốn có yếu tố tinh thần.

- KHÍ THẤU 气嗽

Chứng ho do nội thương thất tình gây ra.

- KHÍ THIỂU 气少

Tức Khí hư.

- KHÍ THỐNG 气痛

Do khí trệ không thông gây ra đau nhức, thường phát ở ngực bụng, hông sườn và lưng.

- KHÍ THŨNG 气肿

Chứng thủy thũng do khí trệ, thấp uất.

- KHÍ THƯỢNG XUNG TÂM 气上冲心

Chứng tự cảm thấy có một luồng hơi từ bụng dưới xông lên ngực. Nguyên nhân do hàn tà náu ở Hạ tiêu và Vị Trường hoặc khí của Can Vị thượng nghịch gây nên.

- KHÍ TÍCH 气积

Bệnh tích tụ do yếu tố tinh thần như lo lắng, giận dữ quá mức. Thấy các triệu chứng đặc trưng trên lâm sàng như bụng trướng đau, lúc ẩn lúc hiện, chỗ đau di chuyển không cố định.

- KHÍ TRỆ 气滞

Sự vận hành của khí trong cơ thể không thông sướng, một bộ vị nào đó bị ngăn trở. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là trướng đầy hoặc gây đau nhức.

- KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ KINH BẾ 气滞血瘀经闭

Chứng bế kinh do tình chí không thoải mái, Can khí uất kết, huyết ứ gây nghẽn tắc ở mạch Nhâm, mạch Xung và Bào mạch mà phát bệnh.

- KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ TÂM QUÝ 气滞血瘀心悸

Chứng tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ do khí trệ, huyết ứ mà phát bệnh. Kèm thấy tâm phiền không yên, ngực đau tức, khó thở, lưỡi sạm, mạch sáp.

- KHÍ TRỆ KINH HÀNH HẬU KỲ 气滞经行后期

Do tình chí không khoan khoái, Can khí uất kết, khí cơ không thông mà phát sinh chứng hành kinh trễ kỳ. Thường kèm thấy vùng bụng dưới và bầu vú trướng đau, cự án, lượng kinh ra ít, hoặc trệ lại ra không hết.

- KHÍ TRỆ PHÚC THỐNG 气滞腹痛

Chứng đau bụng. Nguyên nhân do tình chí không thoải mái, làm cho khí cơ bị uất lại gây ra. Nhất là mỗi khi tinh thần bị kích thích thì chứng đau bụng lại tăng, nếu được ợ hơi hoặc trung tiện (đánh địt) thì cơn đau giảm, đồng thời kèm có ngực sườn trướng đau.

- KHÍ TRỆ THỐNG KINH 气滞痛经

Trước khi có kinh hoặc đang hành kinh vùng bụng dưới trướng đau, kinh ra không thông sướng hoặc kèm có đau tức vùng ngực và bầu vú. Nguyên nhân do tình chí uất ức, khí cơ không thoải mái, huyết lưu hành ở hai mạch Xung Nhâm bị trở ngại mà gây ra chứng đau bụng kinh.

- KHÍ TRỆ YÊU THỐNG 气滞腰痛

Đau lưng do tình chí không thông sướng hoặc do bị đánh tức, té ngã, làm cho khí cơ lưu thông trong kinh mạch bị bế tắc gây nên đau.

- KHÍ TRĨ 气痔

Chứng trĩ sang do lo buồn, giận dữ quá độ mà phát bệnh. Thường gặp ở  trĩ nội và lòi trôn trê.

- KHÍ TRƯỚNG 气胀

Chứng vùng bụng trướng đầy, do thất tình uất kết, khí cơ không thông sướng mà gây ra.

- KHÍ TÙY HUYẾT THOÁT 气随血脱

Hiện tượng do mất máu quá nhiều, khí không còn chỗ nương dựa, làm cho dương khí hư thoát. Thường thấy sắc mặt trắng xanh, tay chân lạnh, mồ hôi ra nhiều, mạch vi muốn tuyệt. Tương đương với chứng sốc do mất máu.

- KHÍ TUYỆT 气绝

Hiện tượng các chức năng hoạt động của cơ thể bị suy kiệt nghiêm trọng. Trên lâm sàng có phân ra âm khí tuyệt, tạng khí tuyệt, và phủ khí tuyệt.

- KHÍ TÝ 气痹

Do tinh thần bị kích thích mà làm cho khí cơ vùng cục bộ bị bế tắc. Do bộ vị ảnh hưởng khác nhau, có thể xuất hiện chứng tiếng nói khó nghe, khó nuốt nước, lưng đau chân nặng, liệt nửa người, hoặc tiểu khó.

- KHÍ UẤT 气郁

Chứng uất do tình chí uất kết, hoặc do Can khí không được khoan khoái gây ra. Chứng trạng chủ yếu là ngực sườn khó chịu và đau, nôn nóng dễ giận, ăn uống kém, kinh nguyệt không đều, mạch trầm sáp…

- KHÍ UẤT HIẾP THỐNG 气郁胁痛

Chứng đau hông sườn do Can khí uất kết gây ra. Chứng trạng chủ yếu là đau vùng hông sườn.

- KHÍ UẤT HUYỄN VỰNG 气郁眩晕

Chứng chóng mặt xây xẩm do tình chí uất kết gây ra. Triệu chứng là chóng mặt, tinh thần uất ức, tim đập nhanh, hồi hộp, mặt đỏ, đau vùng chân mày.

- KHÍ UẤT HUYẾT BĂNG 气郁血冰

Chứng băng huyết do giận dữ làm tổn thương Can khí, khiến cho khí loạn, huyết động, mạch Xung, mạch Nhâm không điều hòa mà phát bệnh. Triệu chứng: âm đạo đột nhiên chảy máu, màu bầm, có hòn cục, phiền táo, dễ nỗi giận, ngực sườn không khoan khoái.

- KHÍ UẤT QUẢN THỐNG 气郁脘痛

Chứng Vị quản thống do tình chí không khoan khoái, Can khí uất kết, hoành nghịch xâm phạm Vị mà sanh bệnh. Chứng thấy vùng thượng vị trướng đau, đau không cố định, đau lan ra hai bên hông sườn, nếu được xoa nắn thì cơn đau giảm, đồng thời kèm có ợ hơi, nuốt chua.

- KHÍ VI HUYẾT SOÁI 气为血帅

Giải thích rõ sự vận hành giữa khí và huyết có quan hệ mật thiết, khí là động lực để vận hành huyết dịch. Đông y cho rằng huyết có thể lưu thông được trong kinh mạch là nhờ có khí vận chuyển.

- KHÍ VỊ 气味

Vị thuốc và tính năng của vị thuốc. Do mùi vị của thuốc không giống nhau nên tác dụng cũng khác nhau. Ví dụ: Hoàng liên vị đắng tính lạnh, có khả năng thanh nhiệt táo thấp. Phù bình vị cay tính lạnh, có khả năng sơ phong thanh nhiệt. Còn gọi là Tính vị, Dược tính.

- KHÍ VỊ ÂM DƯƠNG 气味阴阳

Sự phân loại, quy nạp thuộc tính âm dương của tứ khí (thăng, giáng, phù, trầm), ngũ vị (Trên thực tế có lục vị: cay, chua, mặn, đắng, ngọt và vị nhạt). Nhiệt và ôn trong tứ khí có tác dụng khu hàn, trợ dương thuộc dương; Hàn và lương trong tứ khí có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, dưỡng âm thuộc âm. Thăng, phù thuộc dương. Giáng, trầm thuộc âm.

Ngũ vị (thực tế là lục vị) thì các vị cay (tán), ngọt (hoãn), nhạt (thấm) thuộc dương; chua (thu), đắng (kiên, táo, tiết), mặn (nhuyễn kiên, nhuận hạ) thuộc âm.

- KHÍ XUNG 气冲

Tức Khí nhai.

- KHÍCH KINH 隙经

Hiện tượng sinh lý. Phụ nữ sau khi mang thai mà kinh nguyệt vẫn ra theo định kỳ, người mẹ và thai nhi vẫn bình thường, không có triệu chứng gì xấu. Đây là biểu hiện sinh lý tự nhiên, chừng nào bào thai phát triển lớn dần thì kinh nguyệt tự nhiên ngừng. Còn gọi là Thịnh thai, Thai cấu.

- KHIẾM 欠

Còn gọi là kha khiếm ‘ngáp’. “Thận chủ ngáp” [Kim qũy], “Người bên trong có hàn (tà) thì hay ngáp”.

Bất túc ‘thiếu, ít’;  “Tiểu tiện nhiều lần mà ít” [Linh khu] (Tiểu tiện sác nhi khiếm).

- KHIẾT TÚNG 瘛疭

Chứng kinh phong ở trẻ em (Khiết: Gân co quắp; Túng: Gân chùng nhão). Khiết túng là hình dung chân tay co giật liên tục. Đây là chứng do nhiệt cực sinh phong, Can phong nội động. Hoặc do tân huyết hao mòn, hư phong nội động. Hoặc do đàm hỏa ủng trệ, bốc lên trên quấy nhiễu tâm khiếu đều có thể dẫn đến chứng này. Còn gọi là Trừu phong.

- KHINH KHẢ KHỨ THỰC 轻可去实

Dùng khinh tễ để điều trị các chứng ngoại cảm phong tà thuộc biểu thực chứng. Như phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, không mồ hôi, mạch phù.

- KHINH PHƯƠNG 轻方

Phương thuốc có liều lượng nhẹ, ít (so với trọng phương có liều lượng nặng, nhiều). Thường dùng là dạng kỳ phương hoặc ngẫu phương.

- KHINH TỄ 轻剂

Phương thuốc dùng các dược liệu có tác dụng nhẹ nhàng mở cơ biểu để khu phong tà.

- KHINH TUYÊN NHUẬN TÁO 轻宣润燥

Phương pháp chữa ngoại cảm táo nhiệt làm tổn thương Phế. Làm cho Phế khí không thông. Phép này vừa phải dùng các thuốc có tác dụng sơ tán phong tà nhẹ, lại vừa phải dùng các thuốc có tác dụng nhuận táo để phù chính khí. Thích hợp chữa các chứng do lương táo phạm Phế và ôn táo phạm Phế.

- KHINH TUYÊN PHẾ KHÍ 轻宣肺气

Phương pháp dùng phương thuốc nhẹ để tuyên thông Phế khí, thanh nhiệt tà ở khí phận. Thí dụ: Cảm nhiễm khí ôn táo mùa thu, sốt nhẹ, khô miệng, khát nước, ho khan không đờm. Cho uống ‘Tang hạnh thang’.

- KHINH THANH SƠ GIẢI 轻清疏解

Phương hướng điều trị. Sử dụng những vị thuốc có tác dụng giải biểu nhẹ và những vị thuốc chữa ho, hóa đàm, để chữa các chứng thương phong, hơi đau đầu, nghẹt mũi, ho ra đàm nhớt.

- KHINH THANH TUYÊN PHẾ 轻青宣肺

Phương hướng điều trị. Dùng các vị thuốc có tác dụng tân tán để tiết nhiệt ở bên trên Phế, hầu, làm cho Phế khí được tuyên thông, thanh nhiệt tà ở khí phận. Thường dùng để chữa các chứng ôn táo. Triệu chứng: sốt nhẹ, miệng khô khát, ho khan không có đàm.

- KHOAN HUNG 宽胸

Tức là Sơ uất lý khí.

- KHOAN TRUNG 宽中

Tức là Sơ uất lý khí.

- KHÔ BỒI 枯焙

Một loại Bạch bồi. Tức loại bì chẩn đã mất sắc trắng sáng bóng, chỉ còn lại màu trắng khô. Phần nhiều là dấu hiệu của khí âm khô kiệt.

- KHỔ 苦

Chỉ dược vật có vị đắng. Thường có tác dụng tả hỏa táo thấp. Như Hoàng liên tả hỏa, Thương truật táo thấp.

- KHỔ HÀN TÁO THẤP  苦寒燥湿

Phương pháp dùng các vị thuốc có vị đắng tính lạnh để khu trừ thấp nhiệt ở trung tiêu. Thường dùng chữa chứng thấp nhiệt ở trung tiêu. Thường thấy bụng trướng đau, đại tiện loãng mà thối khắm, rêu lưỡi vàng nhớt.

- KHỔ HÀN THANH KHÍ 苦寒清气

Phương pháp điều trị dùng các vị thuốc có tính vị đắng lạnh để thanh nhiệt ở phần khí. Chứng thấy phát sốt, không sợ lạnh, miệng khát nước, tiểu tiện vàng ít, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác…

- KHỔ HÀN THANH NHIỆT 苦寒清热

Phương pháp dùng các vị thuốc có tính vị đắng lạnh để thanh trừ lý nhiệt. Thích hợp chữa các bệnh lý nhiệt nghiêm trọng. Triệu chứng: phiền táo không yên, nặng thì phát cuồng, tiểu tiện đỏ, hoặc thổ huyết, phát ban, nôn khan, rêu lưỡi vàng hoặc nổi gai đen, mạch trầm sác. Còn gọi là Khổ hàn tiết nhiệt.

- KHỔ HÀN TIẾT NHIỆT 苦寒泄热

Tức là Khổ hàn thanh nhiệt.

- KHỔ NHẬP TÂM 苦入心

Thuốc có vị đắng dẫn vào tạng Tâm. Xem Ngũ vị sở nhập.

- KHỔ ÔN BÌNH TÁO 苦温平燥

Phương pháp dùng các vị thuốc có vị đắng tính ấm để chữa ngoại cảm có biểu chứng lương táo. Thích hợp chữa các chứng biểu hàn có táo tà. Người bệnh hơi đau đầu, sợ lạnh, không mồ hôi, nghẹt mũi chảy nước trong, ho nhiều đờm trong loãng, môi khô, họng ráo, rêu lưỡi trắng mỏng.

- KHỔ ÔN TÁO THẤP 苦温燥湿

Phương pháp dùng các vị thuốc có vị đắng tính ấm để khu trừ hàn thấp ở trung tiêu. Thường thấy lồng ngực khó chịu, nôn mửa, lợm giọng, trướng bụng, đại tiện lỏng loãng, rêu lưỡi trắng nhớt.

- KHÔ TRĨ PHÁP 枯痔法

Phương pháp chữa bệnh trĩ. Dùng vị thuốc có tác dụng làm khô trĩ, bôi lên búi trĩ; hoặc dùng thuốc khô trĩ dưới dạng thuốc tiêm, tiêm thẳng vào búi trĩ, làm cho búi trĩ hoại tử, teo nhỏ lại và rụng. Phương pháp này dùng chữa trĩ nội.

- KHÔI THÍCH 恢刺

Một trong những thủ pháp châm cứu xưa. Dùng để chữa chứng cân tý. Châm vào những nơi có đau nhức co thắt, sau đó vê kim kích thích để làm dịu cơn co thắt, đau nhức.

- KHÔNG KHIẾU 空窍

Chỉ ngoại giới tương thông với cơ thể thông qua các lỗ hổng trong cơ thể. Như cửu khiếu.

- KHÔNG PHÚC PHỤC 空腹服

Cách uống thuốc lúc bụng đói. Thường vào buổi sáng hoặc tối, lúc đói. Thường dùng cho các thuốc chữa các bệnh về tay chân, huyết mạch hoặc các thuốc tẩy giun.

- KHỐNG NÃO SA 控脑痧

➊ Từ trong lỗ mũi chảy nước vàng tanh hôi, đôi khi có lẫn một ít máu, kèm theo khứu giác suy giảm. Nguyên nhân phần lớn do thấp nhiệt uất kết gây ra. ➋ Chứng tỵ uyên.

- KHỞI BÀO 起泡

Tức chứng Phát bào.

- KHU PHONG 驱风

Dùng những vị thuốc có tác dụng sơ tán phong tà, để chữa phong tà lưu trệ ở kinh lạc, cơ bắp và khớp xương. Thích hợp chữa các chứng ngoại cảm phong tà. Trên lâm sàng thường dùng các loại:  Khu phong trừ thấp, Khu phong dưỡng huyết, Sơ phong tiết nhiệt, và Sưu phong trục hàn.

- KHU PHONG DƯỠNG HUYẾT 驱风养血

Dùng các loại thuốc khu phong thấp, bổ Can Thận, hòa dinh dưỡng huyết. Để chữa các chứng do cảm phong thấp lâu ngày, huyết mạch bất hòa, Can Thận khuy hư. Thích hợp chữa các chứng lưng gối lạnh đau, các khớp co duỗi khó khăn hoặc tê dại, cấu ngắt không biết đau.

- KHU PHONG TRỪ THẤP 驱风除湿

Phương hướng điều trị. Dùng các thuốc khu phong trừ thấp để chữa phong thấp tà lưu đọng ở kinh lạc, cơ bắp, khớp xương, có triệu chứng đau nhức di chuyển.

- KHU THẤP  驱湿

Phương pháp dùng thuốc có tác dụng khu trừ thấp tà. Thấp tà là loại tà khí nặng đục và dính, thường kết hợp với các tà khí khác như phong, hàn, thử, nhiệt và còn có thể hóa nhiệt, hóa hàn. Thấp ở thượng tiêu nên giải biểu; thấp ở trung tiêu nên táo; thấp ở hạ tiêu nên lợi. Tỳ chủ vận hóa thủy thấp, nhưng cũng hay bị thấp tà làm khốn đốn, cho nên chữa thấp cũng nên chữa cả Tỳ.

- KHU TRÙNG 驱虫

Phương pháp sử dụng những vị thuốc có tác dụng diệt ký sinh trùng để tẩy giun sán trong cơ thể. Còn gọi là Sát trùng.

- KHŨ XỈ 龋齿

Tức chứng xỉ khũ (sâu răng).

- KHÚC 曲

Lấy bột thuốc trộn với bột mì chế thành khối, ủ cho lên men thì gọi là Khúc tễ, như Lục Thần khúc. 

- KHÚC CỐT 曲骨

➊ Bộ vị ở giữa hoành cốt (tương đương phía trước xương bẹn). ➋ Tên huyệt, điểm giữa bờ phía trước xương bẹn, thuộc Nhâm mạch.

- KHỦNG TẮC KHÍ HẠ 恐则气下

Hiện tượng bệnh lý do sợ hãi quá mức thì tổn thương Thận khí, khiến chánh khí bị hãm. Triệu chứng: đại tiểu tiện không tự chủ, di tinh, hoạt tiết…

- KHỦNG THƯƠNG THẬN 恐伤肾

Đột nhiên kinh sợ hoặc sợ sệt quá độ làm tổn thương Thận khí mà sinh ra chứng lo sợ bất an, hoạt tinh hoặc tiểu tiện không cầm.

- KHUYẾT 阙

Khoảng 2 lông mày, nhìn vào giúp hiểu rõ các bệnh lý ở Phế.

- KHUYẾT BỒN 缺盆

➊ Nơi lõm giữa chỗ trũng ở xương đòn gánh. ➋ Tên huyệt, vị trí ở chỗ trũng xương đòn gánh, thuộc kinh túc Dương minh Vị.

- KHUYẾT NHŨ 缺乳

Chứng thiếu sữa sau khi đẻ. Nguyên nhân sau khi sanh khí huyết bị tổn hao, nguồn sinh hóa của nhũ trấp không đủ; hoặc do Can uất khí trệ, khí huyết vận hành không thông, nhũ trấp bị ứ trệ không chảy được mà gây bệnh. Còn gọi là Nhũ trấp bất hành.

- KHUYẾT THƯỢNG 阙上

Vùng thượng đình. Người xưa cho rằng nhìn vào đây biết được bệnh thuộc yết hầu.

- KHUYẾT TRUNG 阙中

Xem mục Khuyết.

- KHƯ ĐÀM 祛痰

Phương pháp giúp cho đàm dịch bài tiết hoặc tiêu trừ nguyên nhân bệnh sinh ra đàm. Gồm ba loại: hóa đàm, tiêu đàm, địch đàm.

- KHƯ HÀN HÓA ĐÀM 祛寒化痰

Dùng các vị thuốc có tính ấm và có tác dụng hóa đàm để chữa hàn đàm. Thích hợp chữa chứng Tỳ Thận dương hư, hàn ẩm đình đọng bên trong. Thường thấy khạc ra đàm trong loãng, sợ lạnh, tay chân không ấm, lưỡi nhợt, rêu trơn.

- KHƯ HÀN PHÁP 祛寒法

Tức là Ôn pháp.

- KHƯ TÀ PHÙ CHÍNH 祛邪扶正

Phương pháp điều trị. Dùng các thuốc khu trừ bệnh tà để hỗ trợ chính khí, giúp khôi phục chính khí.

- KHƯ Ứ CHỈ HUYẾT  祛瘀止血

Một trong các phép khử ứ để cầm máu. Dùng để chữa các chứng do ứ huyết trở trệ bên trong mà gây ra chảy máu. Thường dùng các vị thuốc hoạt huyết hóa ứ phối hợp với các vị thuốc chỉ huyết. Thích hợp chữa các chứng có xuất huyết đồng thời kèm có ứ huyết.

- KHƯ Ứ HOẠT HUYẾT  祛瘀滑血

Là phương pháp dùng các thuốc có tác dụng hoạt huyết khử ứ, để khu trừ ứ huyết, lưu thông huyết mạch. Thích hợp chữa các chứng khí trệ huyết ứ, huyết dịch do bị nghẽn trở mà thành ứ huyết, cần phải trừ bỏ, mới có thể làm cho huyết mạch lưu thông, tiêu trừ tật bệnh. Còn gọi là khử ứ sinh tân, hoạt huyết sinh tân, hóa ứ hành huyết.

- KHƯ Ứ SINH TÂN 祛瘀生津

Giống như Khứ ứ hoạt huyết.

- KHƯ Ứ TIÊU THŨNG 祛瘀消肿

Phương pháp chữa các chứng do ứ huyết, mà gây ra sưng đau. Thích hợp chữa các chứng do ngoại thương hoặc khí huyết bị ứ trệ mà gây sưng đau.

- KHỨ DU 去油

Phương pháp thông qua ổi pháp (lùi, nướng) để khử chất dầu có trong dược liệu, hoặc cho vào bọc trong giấy để ép lấy dầu. Hoặc tán nhỏ, thêm nước, đợi chất dầu nổi lên, chắt bỏ nước và dầu. Dược vật sau khi khử dầu có thể làm giảm một số độc tính mãnh liệt.

- KHỨ HỎA ĐỘC 去火毒

Là phương pháp trừ khử hỏa độc trong cao thuốc mới chế. Đem cao thuốc mới chế để vào chỗ mát trong thời gian dài. Hoặc ngâm trong nước mát vài ngày, để làm giảm tính kích thích da trong cao thuốc mới chế.

 - KHỨ UYỂN TRẦN TỎA 去宛陈莝

Phương pháp khu trừ thủy dịch và phế vật uất kết trong cơ thể đã lâu ngày. Thường thông qua đường đại tiện.

- KÍCH KINH 激经

Hiện tượng sau khi có thai mà vẫn còn hành kinh, ngoài ra không thấy các chứng trạng nào khác, lại không làm tổn hại thai nhi. Tùy theo phát triển của bào thai mới dần dần hết kinh.

- KÍCH PHỐC 击仆

➊ Các tổn thương do ngoại lực tác động lên. ➋ Tức Thốt trúng.

- KIÊM PHƯƠNG 兼方

Phương thuốc phối hợp những vị thuốc có tác dụng khác nhau.

Thông thường dùng thuốc hàn chữa chứng nhiệt, thuốc nhiệt chữa chứng hàn; nhưng khi bệnh tình phức tạp nguy hiểm, cần phải áp dụng phương pháp kiêm cố. Trong một bài thuốc có vị thuốc tác dụng khác nhau, đều có sự tập trung về một phía để đạt kết quả. Thí dụ: ‘Đại thanh long thang’ dùng Ma hoàng để trừ biểu hàn (chữa sợ lạnh, sốt, không mồ hôi), Thạch cao để thanh lý nhiệt (chữa phiền táo).

‘Ma hoàng phụ tử tế tân thang’ chữa phát nhiệt mà sợ lạnh rất nặng (nhiều áo, nhiều chăn mà lạnh không giảm), tinh thần mỏi mệt, chỉ muốn ngủ, rêu lưỡi trắng trơn hoặc đen nhuận, mạch trầm. Đó là bên ngoài có biểu chứng mà bên trong dương khí lại suy, vì vậy dùng Ma hoàng để giải biểu phát hãn, dùng Phụ tử để giúp dương khí, Tế tân để thông biểu lý.

Hoặc chứng thổ tả đã ngừng, ra mồ hôi, tay chân lạnh giá, mạch vi muốn tuyệt, dùng ‘Thông mạch tứ nghịch gia trư đởm trấp thang’. Chứng thổ tả đã ngừng ở đây là âm dịch đã kiệt, ra mồ hôi, chân tay lạnh giá, mạch vi muốn tuyệt là dương khí suy vong, cho nên dùng Can khương, Phụ tử, Cam thảo để giúp dương khí, dùng Trư đởm trấp để ích Vị âm…

- KIÊN ÂM 坚阴

Phương pháp cố tinh, bình tướng hỏa. Thí dụ trong giấc ngủ bị di tinh, đó là tướng hỏa vọng động, Thận khí không bền, dùng ‘Phong tủy đan’ để điều trị. Hoàng bá bình tướng hỏa vọng động và làm bền Thận tinh, tức là kiên âm.

- KIÊN GIẢI 肩解

Khớp xương vai.

- KIỆN TỲ 健脾

Còn gọi là bổ Tỳ, ích Tỳ. Phương pháp chữa Tỳ hư, công năng vận hóa giảm sút. Triệu chứng: Sắc mặt vàng úa, tinh thần mỏi mệt, yếu sức, ăn uống giảm, dạ dày đau, ưa xoa bóp, ăn vào thì đỡ đau, đại tiện nhão, chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch hoãn nhược.

- KIỆN TỲ SƠ CAN 健脾疏肝

Còn gọi là bồi thổ ức mộc. Phương pháp dùng các thuốc kiện Tỳ và sơ Can lý khí để chữa chứng Can khí uất kết làm ảnh hưởng tới công năng vận hóa của Tỳ. Thường được dùng chữa Can uất Tỳ hư. Thường thấy hai bên hông sườn trướng đau, ăn uống kém, bụng trướng, sôi bụng, đại tiện loãng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền.

- KIM CAM 金疳

Một loại bệnh cam liên hệ với Phế. Chứng trạng: Lòng trắng mắt nổi nốt nhỏ như hạt gạo, xung quanh có tia máu. Nguyên nhân phần nhiều do Phế kinh có táo nhiệt, Phế hỏa cang thịnh, nhiệt đốt làm tổn hao tân dịch gây ra bệnh.

- KIM CHÂM BẠT CHƯỚNG THUẬT 金针拔障术

Thủ thuật mổ lấy mây màng trong mắt. Mục đích khôi phục thị lực cho mắt.

- KIM HÀN THỦY LÃNH 金寒水冷

Tức chứng Phế Thận lưỡng hư.

- KIM KHÍ TÚC GIÁNG 金气肃降

Tức Phế chủ túc giáng.

- KIM NGUYÊN TỨ ĐẠI GIA 金元四大家

Bốn phái y học lớn thời đại Kim, Nguyên (1115–1368).

1) Lưu Hoàn Tố (Lưu Hà Gian), chủ trương nguyên nhân của bệnh tật phần nhiều do hỏa nhiệt, đề xướng thuyết “lục khí đều theo hỏa hóa”, do đó, trong điều trị thường dùng phép hàn lương. Đương thời gọi là phái hàn lương.

2) Trương Tùng Chính (Trương Tử Hòa), cho rằng “chữa bệnh cần chú trong khu tà, tà đi thì chính khí sẽ yên, đừng sợ phải dùng thuốc công mà giữ bệnh lại”, do đó, trong điều trị thường dùng cả ba phép hãn, thổ, hạ. Đương thời gọi là phái công hạ.

3) Lý Cảo (Lý Đông Viên), cho rằng: “Con người phải lấy Vị khí làm gốc”, sở trường vận dụng phép ôn bổ Tỳ Vị. Đương thời gọi là phái bổ thổ.

4) Chu Chấn Hanh (Chu Đan Khê), nhận định cơ thể con người “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”, do đó trong điều trị thường dùng pháp tư âm giáng hỏa. Đương thời gọi là phái dưỡng âm.

- KIM NHẬN THƯƠNG 金刃伤

Tức chứng Kim sang.

- KIM PHÁ BẤT MINH 金破不明

➊ Chứng khàn tiếng do Phế khí bị tổn thương, loại này thường gặp ở bệnh lao phổi thời kỳ cuối. ➋ Chứng Cửu ấm.

- KIM QUỸ YẾU LƯỢC PHƯƠNG LUẬN 金匮要略方论

219, Trương Cơ (Trọng Cảnh), đời Hán, Trung quốc. Gồm 3 quyển. Dựa vào Kim quỹ ngọc hàm yếu lược phương của Vương Châu Lục (đời Bắc Tống), biên soạn thành 25 chương như nội khoa, tạp bệnh, phụ khoa, cấp cứu, kiêng kỵ ăn uống… tổng cộng có 262 bài thuốc điều trị.

- KIM QUỸ YẾU LƯỢC TÂM ĐIỂN 金匮要略心典

1726, Vưu Di (Tại Kinh), đời Thanh, Trung quốc. Gồm 3 quyển. Giải thích sách Kim quỹ yếu lược và phát huy chỗ hay.

- KIM SANG 金疮

Vết thương đao kiếm. Do mũi nhọn của đao kiếm làm tổn thương cơ thể.

- KIM SANG KÍNH 金疮痉

Tức Phá thương phong.

- KIM SÁNG 金创

Tình trạng tổn thương do đồ kim khí gây nên. Bao gồm các loại vết thương lở loét gây mủ. Tựu trung do gươm dao gây nên vết thương (gọi là đao phủ thương).

- KIM TIỀN TIỂN 金钱癣

Tức Viên tiển.

- KIM THỦY TƯƠNG SINH 金水相生

Tức chứng Phế Thận tương sinh.

- KIM THỰC BẤT MINH 金实不鸣

Tình trạng khan tiếng hoặc mất tiếng do cảm nhiễm ngoại tà, gây bế tắc ở Phế. Thường hay gặp ở các chứng viêm họng cấp hoặc viêm thanh đới cấp. Cũng có khi thấy ở trong các chứng phù thũng.

- KIM THƯƠNG 金伤

Tức kim sang.

- KIM UẤT TIẾT CHI 金郁泄之

Phương hướng điều trị. (Kim uất: Phế khí không lợi; Tiết: Làm cho tuyên thông). Nếu do Phế khí không lợi, không thông điều được thủy đạo làm cho ho, hen suyễn và phù thũng, nên dùng phép tuyên thông thủy đạo. Nếu do phong hàn xâm phạm vào Phế, Phế khí thông lợi đến nỗi nghẹt mũi, ngứa cổ, ho, nhiều đờm, rêu lưỡi trắng mỏng… dùng phép tuyên Phế hóa đàm.

- KINH BĂNG 经崩

Tức băng lậu.

 

- KINH BẾ 经闭

Tức chứng Bế kinh.

- KINH BẾ PHÁT THŨNG 经闭发肿

Tình trạng tay chân phù thũng sau khi bế kinh. Nguyên nhân do sau khi bế kinh, hàn thấp tà làm tổn thương mạch Xung Nhâm, khí cơ bất hành, thủy không vận hóa mà gây ra.

- KINH BIỆT 经别

Tức Thập nhị kinh biệt.

- KINH CÁCH THẤU  惊膈嗽

Trẻ em bị kinh phong, sau khi hết co giật thì khạc ra nhớt dãi. Nguyên nhân phần nhiều do phong nhiệt, kèm có đàm, ủng nghịch lên Phế mà phát bệnh.

- KINH CÁCH THỔ 惊膈吐

Tức Tiểu nhi kinh thổ.

- KINH CAM 惊疳

Tức Tâm cam.

- KINH CÂN 经筋

Tức Thập nhị kinh cân.

- KINH CỐT  经骨

➊ Chỉ lồi xương bàn chân ngón thứ năm về phía ngoài. ➋ Tên huyệt, nơi lõm phía dưới lồi xương bàn chân ngón thứ năm về phía ngoài, thuộc Bàng quang kinh ở chân.

- KINH CHẤN Ế 惊震翳

Tức chứng Kinh chấn nội chướng.

- KINH CHẤN NỘI CHƯỚNG 惊震内障

Con ngươi trở nên đục, mờ mà thành mây màng. Nguyên nhân do mắt bị đánh, bị vật có đầu nhọn đâm trúng, hoặc do nhiệt, do điện làm tổn thương đến con ngươi. Tương đương với chứng mắt kéo mây do ngoại thương.

- KINH CHỨNG 经症

Là một trong những phép phân loại trong ‘Thương hàn luận. Chỉ các triệu chứng bệnh trong từng đường kinh. Như bệnh ở kinh Thái dương có chứng sợ lạnh, đau đầu, phát sốt, bệnh ở kinh Dương minh có chứng sốt cao, phiền khát, tự ra mồ hôi, bệnh ở kinh Thiếu dương có chứng hàn nhiệt vãng lai, tim ngực phiền muộn… đều gọi là kinh chứng.

- KINH ĐỀ 经啼

Chứng bệnh ở trẻ em. Trẻ hay kêu khóc sợ sệt. Do trẻ em Can khí chưa sung thịnh, Đởm khí chưa đủ mà sinh ra sợ sệt, hoặc do ăn uống, bú sữa không điều độ, hay cảm nhiễm phong hàn cũng gây ra bệnh này.

- KINH ĐOẠN TIỀN HẬU CHƯ CHỨNG 经断前后诸症

Người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường thấy hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, người phiền táo, dễ nổi giận, tinh thần mệt mỏi, chóng mặt, tai ù, tim đập nhanh, mất ngủ. Nguyên nhân phần nhiều do trong giai đoạn tiền mãn kinh, Thận khí suy dần, tinh huyết bất túc, làm cho các chức năng của tạng phủ bị rối loạn mà sanh bệnh.

- KINH GIẢ BÌNH CHI 惊者平之

Hay lo sợ, tâm thần hoảng loạn không yên, cần phải dùng các thuốc trấn tỉnh.

- KINH GIẢN 惊癎

➊ Chứng cấp kinh phong khi phát tác. ➋ Một trong các chứng kinh phong ở trẻ em.➌ Các chứng kinh phong, chứng giản…

- KINH HÀNH HẬU KỲ 经行后期

Chứng muộn kinh. Hành kinh chậm hơn so với bình thường từ một tuần trở lên. Còn gọi là Kinh trì.

- KINH HÀNH NỤC HUYẾT  经行衄血

Chứng chảy máu mũi xuất hiện trong chu kỳ hành kinh, kèm thấy ngực sườn đầy trướng, đầu đau, miệng đắng, cổ khô. Nguyên nhân do Can uất hóa hỏa phạm Phế hoặc do âm hư Phế nhiệt làm tổn thương mạch lạc mà phát bệnh. Còn gọi là Đảo kinh, Nghịch kinh.

 KINH HÀNH PHÁT CUỒNG经行发狂

Mỗi khi đến kỳ kinh thì nói sảng.

- KINH HÀNH PHÁT NHIỆT 经行发热

Trong thời gian hành kinh xuất hiện chứng trạng phát sốt. Nguyên nhân do cảm thụ phong tà hoặc do huyết hư gây ra.

- KINH HÀNH PHÚC THỐNG  经行腹痛

Tức Thống kinh. Còn gọi là đau bụng kinh.

- KINH HÀNH TIÊN KỲ 经行先期

Tình trạng hành kinh sớm trước chu kỳ, có khi sớm một tuần, nặng thì mỗi tháng hai lần hành kinh. Còn gọi là Nguyệt kinh tiên kỳ.

- KINH HÀNH TIÊN HẬU VÔ ĐỊNH KỲ 经行先后无定期

Hiện tượng kinh đến không đúng chu kỳ (hoặc trước hoặc sau), không theo quy luật. Nguyên nhân phần nhiều do Can uất, Thận hư làm cho khí huyết bất hòa, Xung Nhâm không điều hòa gây ra.

- KINH HÀNH TIỆN HUYẾT  经行便血

Cứ đến kỳ hành kinh thì bệnh nhân lại bị đại tiện ra máu, lượng kinh ít. Còn gọi là Sai kinh.

- KINH HÀNH TIẾT TẢ 经行泄泻

Chứng tiêu chảy trước hoặc đang hành kinh. Đặc điểm hễ hành kinh là tiêu chảy, sau khi sạch kinh hết tiêu chảy. Đồng thời kèm thấy mặt vàng, chân tay mỏi mệt, tinh thần uể oải, miệng nhạt kém ăn, nặng thì phù thũng, bụng trướng. Nguyên nhân do Tỳ Thận vốn hư, đương lúc hành kinh, Tỳ Thận càng hư, thủy thấp tự thịnh, làm ảnh hưởng sự hấp thu và tiêu hóa các chất mà gây ra.

- KINH HÀNH THỔ NỤC 经行吐衄

Hiện tượng đến kỳ hành kinh, lượng kinh ra ít, trái lại thấy ra máu mũi. Nguyên nhân phần nhiều do nhiệt tích làm tổn thương Vị lạc gây ra.

- KINH HẬU ĐỒNG TÀ 惊后瞳斜

Hiện tượng trẻ sau khi bị co giật, nhãn cầu lệch sang một bên. Nguyên nhân do âm huyết ở Can kinh bị thương tổn, mắt không được nuôi dưỡng gây ra.

- KINH HẬU THỔ NỤC 经后吐衄

Sau khi hành kinh, từ miệng hoặc lỗ mũi ra máu, lượng ít, sắc đỏ tươi. Nguyên nhân phần nhiều do nhiệt tà ở Phế Vị chưa giải ra hết, huyết nhiệt không quy kinh mà gây bệnh.

- KINH HUYỆT 经穴

➊ Tên gọi chung những huyệt nằm trên đường kinh mạch tuần hành ở thể biểu. Bao gồm kinh huyệt của 12 chính kinh và kinh huyệt của hai mạch Nhâm, Đốc trong kỳ kinh bát mạch (tức 14 kinh huyệt). Còn sáu mạch khác trong kỳ kinh thì không có huyệt. ➋ Một loại trong ngũ du huyệt, vị trí đều ở kế cận khớp cổ tay, khớp cổ chân và cũng là nơi kinh mạch trôi chảy khá mạnh giống như dòng nước sông. Trong mười hai kinh, mỗi kinh đều có 1 kinh huyệt, cụ thể là:

Phế: Kinh cừ.

Đại trường: Dương khê.

Tỳ: Thương khâu.

Vị: Giải khê.

Tâm: Linh đạo

Tiểu trường: Dương cốc.

Thận: Phục lưu.

Bàng quang: Côn lôn.

Tâm bào: Gian sử.

Tam tiêu: Chi câu.

Can: Trung phong.

Đởm: Dương phụ.

- KINH KHÍ 经气

Khí vận hành trong kinh mạch, bao gồm công năng chủ yếu của kinh mạch, và vật chất dinh dưỡng lưu chuyển trong kinh mạch.

- KINH KỲ LẠC HẬU 经期落后

Tức Kinh hành hậu kỳ.

- KINH KỲ SIÊU TIỀN 经期超前

Tức Kinh hành tiên kỳ.

- KINH KỲ THÁC HẬU 经期错后

Tức Kinh hành hậu kỳ.

- KINH KỲ THỦY THŨNG 经期水肿

Người phụ nữ bị chứng phù thũng trước hoặc sau khi hành kinh, thường kèm có chóng mặt, tinh thần mệt mỏi, ăn uống giảm sút. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do Tỳ Thận dương hư, thủy thấp không hóa được mà phát bệnh.

- KINH LẠC 经络

Tên gọi chung kinh mạch và lạc mạch. Các đường mạch đi theo chiều dọc gọi là kinh. Các phân nhánh từ các đường kinh tách ra nối kinh này với kinh khác gọi là lạc. Kinh lạc là đường kinh thông suốt để vận hành khí huyết toàn thân, liên hệ giữa tạng phủ và các tổ chức bên ngoài, giao tiếp trên dưới, trong ngoài, điều tiết mọi bộ phận trong cơ thể. Thông qua hệ thống kinh lạc và các tổ chức khí quan khiến con người hình thành một hệ thống hoàn chỉnh.

- KINH LAI ẨU THỔ 经来呕吐

Trong thời gian hành kinh phát sinh triệu chứng nôn ói. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Vị hư nhược, đồ ăn thức uống bị đình trệ, Vị khí nghịch lên trên mà phát bệnh.

- KINH LAI CUỒNG NGÔN THIỀM NGỮ 经来狂言谵语

Trong khi hành kinh xuất hiện các chứng trạng của tinh thần, như phiền táo, dễ nổi giận, hoặc nói năng bậy bạ. Nguyên nhân do khi hành kinh, Can khí nghịch loạn, xông bốc lên Tâm mà gây bệnh.

- KINH LAI HẠ HUYẾT BÀO 经来下血胞

Tức Kinh như hạ mô tử.

- KINH LAI HẠ NHỤC BÀO 经来下肉胞

Tức Kinh như hạ mô tử.

- KINH LAI PHÁT NHIỆT 经来发热

Tức Kinh hành phát nhiệt.

- KINH LAI PHÙ THŨNG 经来浮肿

Trong thời gian hành kinh, mặt và 2 chân có hiện tượng sưng phù nhẹ. Nguyên nhân do Tỳ hư thủy thấp không hóa được, tràn ra da dẻ mà sanh bệnh.

- KINH LẬU 经漏

Tức Xích đới

- KINH LOẠN 经乱

Tình trạng kinh nguyệt rối loạn, không đúng chu kỳ, hoặc sớm, hoặc muộn. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này có thể do Thận hư, Can khí uất kết, Tỳ hư hoặc ứ huyết tích trệ gây nên.

Do Thận hư: Màu kinh xám nhạt, loãng, quầng mắt thâm, mỏi lưng, yếu ớt.

Do Can khí uất trệ: Màu kinh đỏ tối, bụng sườn trướng đau, hay giận.

Do Tỳ hư: mỏi mệt, kém ăn, đại tiện nhão, màu kinh nhạt, có lẫn niêm dịch.

Do ứ huyết tích trệ: kinh ra kèm theo cục máu, bụng dưới đau, cự án.

- KINH LỴ 惊痢

Trẻ em do sợ sệt mà phát sinh tiêu chảy, kiết lỵ. Triệu chứng: đau bụng, phân ra màu xanh, nhầy dính, tâm phiền, không muốn ăn uống. Phần nhiều do sợ sệt ở bên ngoài, bên trong Can khí nghịch loạn, làm trở trệ khí cơ, thấp trọc trệ đọng, hạ chú xuống Đại trường mà sanh bệnh.

- KINH MẠCH CHI HẢI 经脉之海

Tức Thập nhị kinh chi hải.

- KINH MẠCH 经脉

Đường vận hành khí huyết trong cơ thể, có liên hệ với các bộ phận bên trong.

- KINH NAN 惊瘫

Sau khi bị kinh phong tay chân tê liệt. Nguyên nhân do phong độc xâm nhập vào kinh lạc, xương khớp mà thành.

- KINH NGOẠI KỲ HUYỆT 经外奇穴

Những huyệt vị được phát hiện sau các tác phẩm Nội kinh, Giáp ất kinh… (sau đời nhà Minh). Trên thực tế, các thày thuốc châm cứu qua nhiều đời không ngừng phát hiện thêm huyệt mới, và những năm gần đây, phát hiện càng nhiều huyệt mới, những huyệt này gọi là tân huyệt.

- KINH NHIỆT 经热

Trẻ em phát sốt nhưng sốt không cao. Mặt có lúc phát xanh, người đổ mồ hôi, ban đêm phiền táo nhiều, kinh sợ, tim đập nhanh, hồi hộp không yên.

- KINH NHƯ HÀ MÔ TỬ  经如虾蟆子

Con gái đến tuổi cập kê mà bị đình kinh từ 2~4 tháng, sau đó lại thấy âm đạo chảy máu nhưng không theo chu kỳ của nó mà tiết ra bọt nước giống như trứng tôm.

- KINH PHONG BÁT HẬU 惊风八候

Tám loại chứng trạng khi xuất hiện kinh phong:

- Cánh tay, khuỷu tay co duỗi run rẩy.

- Hai vai run rẩy.

- Chân và tay lẩy bẩy.

- Hai tay nắm lại xòe ra liên tục.

- Uốn ván.

- Cánh tay vươn, ưỡn lên như giương cung, tay co lại như nắm dây cung.

- Mắt trông ngược.

- Mắt trông xiên, con ngươi lộ ra không linh hoạt (lờ đờ).

- KINH PHONG 惊风

Đột nhiên tay chân co giật và ý thức không rõ rệt, thường gặp ở trẻ em. Xem Cấp kinh phong và Mạn kinh phong.

- KINH PHƯƠNG 经方

Phương thuốc kinh điển, bài thuốc kinh điển được các thày thuốc từ đời Hán ghi chép. Lấy các phương thuốc của Trương Trọng Cảnh làm đại biểu.

- KINH QUYẾT 惊厥

Khi lên cơn tay chân co giật, ý thức không rõ rệt. Nguyên nhân phần nhiều do nhiễm phải ôn nhiệt bệnh tà, nhiệt bệnh động phong, hoặc nhiệt bệnh thương âm, hư phong nội động gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em.

- KINH QUÝ 惊悸

Tức Tâm quý.

- KINH TẮC KHÍ LOẠN 惊则气乱

Hiện tượng kinh (hãi) quá thì khí cơ bị rối loạn, khí huyết mất điều hòa, xuất hiện chứng trạng tâm thần không yên, tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ, tâm phiền, nặng thì tinh thần lẫn lộn.

- KINH TẬN 经尽

Bệnh ngoại cảm trong quá trình phát triển. Sau một thời gian điều trị nhất định, bệnh tà không còn truyền biến sang kinh khác, cho dù bệnh tà còn sót lại chút ít (dư tà) cũng có chiều hướng tự khỏi.

- KINH THÍCH 经刺

➊ Phương pháp châm thích ngay trên đường kinh mắc bệnh. ➋ Một trong các phương pháp châm thích ngày xưa, châm thẳng vào các điểm có phản ứng dương tính của kinh mạch có bệnh, các điểm phản ứng này thường là các bộ vị cục bộ của kinh khí bị uất trệ không lưu thông.

- KINH THỦY 惊水

Hiện tượng trẻ em sau khi bị co giật lại phát sinh chứng phù thũng. Nguyên nhân do trẻ em thần khí khiếp nhược, nguyên khí không đủ, dễ gây ra co giật, dẫn đến chức năng của tạng phủ bị rối loạn, thủy thấp đình trệ lại gây ra phù thũng.

- KINH THỦY 经水

➊ Kinh nguyệt. ➋ Kinh mạch, có liên quan tới mười hai kinh thủy của năm tạng sáu phủ [Linh khu].

- KINH THƯƠNG HIẾP THOÁNG 惊伤胁痛

Chứng đau tức vùng hông sườn do kinh sợ làm tổn thương Can khí mà sanh bệnh.

- KINH TÍCH 惊积

Trẻ con bị tích thực hóa nhiệt, nhiệt cực sinh phong. Nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ mà gây ra. Triệu chứng: bụng trướng, ruột sôi, sốt nhẹ về chiều, hoặc nặng hơn về buổi chiều, ngủ không yên, người phiền táo, hay lo sợ, nặng thì tay chân co giật, đại tiện bí, táo bón hoặc tiêu lỏng, phân tanh hôi.

- KINH TOẠI 经隧

Con đường lưu hành của kinh mạch. Toại có hai ý: Một là chỉ con đường ngầm (toại đạo) ở sẵn trong cơ thể; Hai là chỉ đại lạc có mối quan hệ với năm tạng sáu phủ. Thiên ‘Điều kinh luận’ (Tố vấn) ghi: “Ngũ tạng chi đạo, giai xuất vu kinh toại, dĩ hành khí huyết”. Thiên ‘Ngọc bản’ (Linh khu) ghi: “Vị chi sở xuất khí huyết giả, kinh toại dã; kinh toại giả, ngũ tạng lục phủ chi đại lạc dã” (Con đường mà khí huyết xuất ra từ Vị gọi là Kinh toại. Kinh toại chính là đại lạc của ngũ tạng, lục phủ).

- KINH TUYỆT 经绝

Là hiện tượng sinh lý ở người phụ nữ vào khoảng 50 tuổi, do Thận khí suy, thiên quý suy kiệt, Xung Nhâm và Bào mạch đều hư, dẫn đến kinh nguyệt không còn. Còn gọi là Kinh thủy đoạn tuyệt.

- KINH TRÌ 经迟

Tức Kinh hành hậu kỳ.

- KÍNH 痉

Tình trạng lưng gáy cứng, uốn ván, cấm khẩu, tay chân co giật. Nguyên nhân do Phong, Hàn, Thấp, Đàm, Hỏa tà gây bế tắc kinh lạc hoặc do mồ hôi ra quá nhiều, do mất máu, hoặc cơ thể vốn suy nhược, khí hư huyết thiểu, tân dịch kém, gân mạch không được nuôi dưỡng, hư phong nội động gây ra.

- KỲ HẰNG CHI PHỦ 奇恒之府

Phủ kỳ hằng. Bao gồm Đại não, Tủy, Xương cốt, Mạch, Túi mật, Nữ tử bào (tử cung) Hình thù thì giống như phủ nhưng tác dụng lại giống như tạng.

- KỲ HOÀNG 岐黄

Tên gọi là chung của hai người, Hoàng Đế và Kỳ Bá. Tương truyền Hoàng Đế và Kỳ Bá nghiên cứu y dược và sáng lập kinh phương. Nội kinh là bộ sách kinh điển cổ đại ghi chép lời vấn đáp của Hoàng Đế và Kỳ Bá mà viết thành sách. Do vậy, các đời sau, những người theo đạo làm thuốc suy tôn Kỳ Hoàng là tổ của ngành y.

- KỲ KINH 奇经

Loại kinh mạch trong cơ thể, bao gồm tám mạch: Nhâm mạch, Đốc mạch, Xung mạch, Đới mạch, Dương duy mạch, Âm duy mạch, Dương kiểu mạch và Âm kiểu mạch.

Đặc điểm của kỳ kinh là chúng không trực tiếp liên hệ với tạng phủ và giữa chúng cũng không phối hợp biểu lý. Kỳ kinh bát mạch là những con đường đặc biệt để điều tiết vận hành khí huyết, công năng của kỳ kinh bát mạch có thể bổ sung cho tác dụng chưa đầy đủ của 12 kinh mạch. Còn gọi là Kỳ kinh bát mạch.

- KỲ KINH BÁT MẠCH 奇经八脉

Tức Kỳ kinh.

- KỲ PHƯƠNG 奇方

Số vị thuốc cấu thành bài thuốc. Thường là số lẻ hoặc số ít nên gọi là kỳ phương. Các bài thuốc kỳ phương thường có vị thuốc rất ít chỉ từ 1~3 vị trở lại.

- KỲ TÀ 奇邪

➊ Tính chất đặc biệt của tà khí, có quy luật phát bệnh khác hẳn với cách phát bệnh thông thường. Bệnh  thuộc loại kỳ tà và mạch thuộc loại kỳ tà thì nên phép Mậu thích [Tố vấn].

➋ Tất cả các loại bệnh tà, khí bất chính.

- KỴ KHẨU 忌口

Do nhu cầu điều trị, đối với một số bệnh, khi dùng thuốc để chữa bệnh, cần nên kiêng cử một số thực phẩm. Như đối với phù thũng thì không nên ăn muối, tiêu chảy không nên ăn dầu mỡ, khi uống sâm thì không ăn củ cải…

Sản phẩm liên quan
Chia sẻ:
Bài viết khác
Go Top