- NẶC SANG 匿疮
Phía trong âm hộ phụ nữ lở loét.
- NÃI TÍCH 奶积
Chứng ọc sữa của trẻ em.
- NÃI TIỂN 奶癣
Chứng lác sữa ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân do cơ thể quá dị ứng, hoặc do phong thấp nhiệt tà uất kết ở da mà phát bệnh. Còn gọi là Nhũ tiễn, Anh nhi thấp chẩn.
- NÃI THẤU 奶嗽
Chứng bách nhật khái, ho gà.
- NAM DƯỢC TẬP NGHIỆM QUỐC ÂM 南药集验国音
Đời Nguyễn, Nguyễn Quang Lương (1802 – 1883). Các bài thuốc Nam đơn giản thường dùng.
- NAM DƯỢC THẦN HIỆU 南药神效
Đời Trần, Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh). Gồm 11 quyển. Trình bày 580 vị thuốc có ở Việt Nam, 3873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong 10 khoa lâm sàng. Là một trong những bộ sách về y dược sớm nhất ở Việt Nam.
- NAM THIÊN ĐỨC BẢO TOÀN THƯ 南天德宝全书
Đời Nguyễn, Lê Đức Huệ (1802 – 1883). Trình bày 519 vị thuốc Nam, bệnh học chữa theo phép biện chứng, dùng các bài thuốc dân tộc kết hợp các cổ phương.
- NAN NHŨ 难乳
Trẻ mới sanh, phong nhiệt từ rốn thâm nhập vào, lưu lại ở Tâm Tỳ, làm cho các hoạt động của môi miệng và lưỡi bị trở ngại, không bú được. Hoặc do trẻ mới sanh, các đàm nhớt trong miệng trẻ theo họng trôi xuống bụng, làm cho ngực bụng đầy, hơi thở ngắn, khó thở, nên không thể bú sữa.
- NAN SẢN 难产
Chứng đẻ khó. Trong lúc chuyển bụng sanh mà thai nhi vẫn không ra được. Nguyên nhân dẫn tới sanh khó có thể do khung chậu hẹp, ngôi thai nằm ngang, thai nhi quá lớn hoặc tử cung không nở, không đủ sức rặn mà gây ra.
- NAN KINH 难经
500 trước Công nguyên, Tần Việt Nhân, đời Chiến Quốc, Trung quốc. Gồm 81 câu vấn đáp, chọn lọc những lý luận sâu xa trọng yếu trong ‘Nội kinh’ đặt thành câu vấn đáp, giải thích những điều nghi vấn khó hiểu.
- NANG SÚC 囊缩
Chứng hòn dái co rút lên trên. Chứng này thường đi kèm với chứng thụt lưỡi. Nguyên nhân phần lớn do kinh Dương minh nhiệt thịnh, tà truyền vào kinh Quyết âm, hoặc do hàn tà trực trúng kinh Thiếu âm gây ra. Là một trong những chứng trạng nguy hiểm. Còn gọi là Noãn súc.
- NANG UNG 囊痈
Vùng hạ bộ sưng nóng đỏ, đau, nặng thì vùng da bìu dái săn trướng bóng láng, để lâu thì hóa mủ. Kèm nóng lạnh, miệng khát muốn uống mát. Do hai kinh Can Thận có thấp nhiệt, dồn xuống vùng hạ bộ hoặc thấp từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong, ủ lại thành độc mà phát bệnh.
- NÃO 脑
Một trong phủ kỳ hằng. Đông y cho rằng sự phát dục sinh trưởng của não có quan hệ mật thiết với Thận tinh. Là cơ quan quan trọng quản lý các hoạt động của thần kinh cao cấp. Chức năng của nó có quan hệ với các tạng Tâm và Can.
- NÃO BĂNG 脑崩
Chứng Tỵ uyên nặng.
- NÃO CAM 脑疳
Chứng mụn nhọt mọc ở trên đầu của trẻ, hoặc vùng tóc tại chỗ bị khô cháy. Phần nhiều do khí huyết bất túc, hoặc do cảm nhiễm gây ra.
- NÃO CỐT THƯƠNG 脑骨伤
Do bị đánh tức, té, trúng vào đầu gây ra. Chứng thấy vùng cục bộ sưng trướng, nặng thì xương sọ lồi lõm, mắt, tai, mũi, chảy máu. Hoặc dịch não chảy, hôn mê bất tỉnh nhân sự. Nếu vết thương nặng có thể gây tử vong.
- NÃO HÀN 脑寒
Chứng Tỵ uyên.
- NÃO HẬU PHÁT 脑后发
Chứng Não thư.
- NÃO LẬU 脑漏
Chứng Tỵ uyên nặng.
- NÃO LUYỆN 脑炼
Chứng não thư thuộc hư chứng. Chỉ nhọt có màu sẫm, không vỡ, cứng mà không thấy mủ, sau khi nhọt vỡ, khó lành miệng, lâu khỏi
- NÃO MINH 脑鸣
Chứng trong đầu có cảm giác có tiếng kêu. Thường kèm thấy các chứng ù tai, hoa mắt. Nguyên nhân phần nhiều do tủy hải hư suy hoặc do hỏa tà, thấp đàm trở trệ gây ra.
- NÃO NGHỊCH ĐẦU THỐNG 脑逆头痛
Chứng Quyết nghịch đầu thống.
- NÃO PHONG 脑风
Tên gọi bệnh xưa. Chứng vùng chẩm đau dữ dội, vùng cổ gáy sợ lạnh là các triệu chứng chủ yếu thường gặp trên lâm sàng. Nguyên nhân do phong tà nhập vào não gây ra. Xem thêm chứng Đầu phong.
- NÃO TỦY 脑髓
Tức não tủy và xương.
- NÃO THƯ 脑疽
Nhọt mọc ở sau não, phía dưới xương chẩm chỗ huyệt Đại chùy. Nhọt sưng đỏ đau, dễ vỡ, mau liền miệng. Nguyên nhân do thấp nhiệt độc ủng kết, hoặc do âm hư hỏa vượng mà gây ra.
- NẠO CỐT THƯƠNG 臑骨伤
Gẫy xương cánh tay.
- NẠO UNG 臑痈
Nạo (臑) tức là tý (臂), là phần trên của cánh tay (từ vai đến khuỷu tay). Nạo ung là chứng nhọt mọc ở phần trên cánh tay. Nguyên nhân do phong thấp và hỏa ngưng kết lại mà thành.
- NẠP KHÍ 纳气
Phương pháp chữa chứng Thận không nạp khí. Có các chứng trạng: Đoản hơi, suyễn thở, lao động càng thở nhiều, khó thở, mặt phù nhẹ, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch tế vô lực.
- NẠP NGAI 纳呆
Chứng ăn uống không ngon miệng. Nguyên nhân thường thấy là trung khí hư nhược, thấp trọc ứ trệ ở bên trong cơ thể.
- NĂNG CẬN KHIẾP VIỄN CHỨNG 能近怯远症
Chứng cận thị, nhìn vật ở xa thì thấy lờ mờ, nhìn vật ở gần thì thấy rõ.
- NĂNG VIỄN KHIẾP CẬN CHỨNG 能远怯近症
Chứng viễn thị, nhìn vật ở gần thì thấy lờ mờ, nhìn vật ở xa thì thấy rõ.
- NÊ THU ĐINH 泥鳅疔
Chỉ ngón tay sưng đau, sắc bầm có cảm giác nóng rát, hình như con cá chạch. Đau lan lên tới khuỷu tay và vai.
- NÊ THU THƯ 泥鳅疽
Tức chứng Nê thu đinh.
- NÊ THU UNG 泥鳅痈
Tức chứng Nê thu đinh.
- NGA CHƯỞNG PHONG 鹅掌风
Một loại bệnh ngoài da sinh ra ở lòng bàn tay. Nguyên nhân do phong độc, thấp tà xâm phạm bì phu, khí huyết không được nuôi dưỡng mà gây ra hoặc do tiếp xúc với môi trường truyền nhiễm mà phát bệnh. Thoạt tiên dưới da mọc nốt mọng nước, ngứa ngáy, sau đó nổi vảy trắng và tróc vảy, bệnh kéo dài lớp da sẽ tróc ra từng mảng, mùa đông thường nứt kẽ, đau đớn.
Nếu chỉ giới hạn ở lòng bàn tay thì gọi là Chưởng tâm phong, nếu kéo dài lan tỏa tới móng tay, khiến móng tay mất đi vẻ tươi bóng, biến dạng dày da gọi là Kê trảo phong.
- NGA KHẨU SANG 蛾口疮
Là chứng bệnh xoang miệng thường gặp ở trẻ mới sinh. Trẻ bị tiêu chảy hoặc dinh dưỡng không tốt hoặc mắc bệnh sởi giai đoạn cuối. Trên lâm sàng thấy xuất hiện trong xoang miệng có hai đốm lở màu trắng hình như miệng con ngỗng. Nguyên nhân do Tỳ kinh có uất nhiệt hun đốt miệng lưỡi, hoặc do vị âm bất túc mà gây ra.
- NGẠCH GIÁC 额角
Vùng bờ cong phía chân tóc, hai bên góc trán, trên màng tang (thái dương). Còn gọi là Đầu giác.
- NGẠCH LÔ 额颅
Phần trên mặt, phía dưới ven chân tóc, phía trên hai lông mày.
- NGẠCH THƯ 额疽
Còn gọi là xích thư. Tức nhọt mọc ở giữa trán. Nguyên nhân do hỏa độc gây ra.
- NGAI BỆNH 呆病
Một trong các loại bệnh tinh thần. Nguyên nhân phần nhiều do Can khí uất kết, khắc phạt Tỳ Vị, dẫn đến đàm thấp nội sinh, vít lấp tâm khiếu mà thành bệnh.
- NGẢI ĐIẾU 艾条
Dùng Ngải nhung cuốn thành từng ống giống như điếu thuốc lá lớn, dài khoảng 20cm hoặc làm thành dạng như cây nhang to. Dùng để cứu (hơ) trên huyệt. Hiện nay thường được làm dưới dạng cây nhang ép chặt với dược liệu vừa dễ sử dụng vừa tiện lợi hơn.
- NGẢI NHUNG艾绒
Ngải diệp sau khi thu hái về loại bỏ cành nhánh, phơi âm Can cho khô, vò nát cho nhuyễn như bông. Nếu làm số lượng nhiều thì cho vào máy xay thành bột nhuyễn là ta có Ngải nhung.
- NGẢI QUYỆN 艾卷
Tức là Ngải điếu.
- NGẢI TRỤ 艾炷
Dùng Ngải nhung chế thành những thỏi hình chóp, lúc cứu trực tiếp thì dùng trụ nhỏ, cứu gián tiếp thì dùng trụ lớn.
- NGẢI TRỤ CỨU 艾炷灸
Phương pháp dùng Ngải trụ đặt lên huyệt để cứu. Thường có 2 cách cứu. Cứu trực tiếp và cứu gián tiếp.
- NGẠNH HẠ CAM 硬下疳
Một loại hạ cam. Triệu chứng: hòn dái, quy đầu, môi lớn, môi nhỏ của âm hộ, âm đạo đột nhiên kết cứng, không gây đau, không lở loét.
- NGAO 熬
Phương pháp nấu thuốc cho ra nước, nấu lấy vài nước rồi đổ chung nấu cho đặc lại. Thường dùng để nấu các loại cao có nguồn gốc từ thực vật hay động vật. như Cao Ích mẫu, Cao Ban long… Còn gọi là Cô cao.
- NGÂN 龈
Lợi răng ( cũng gọi là chân răng).
- NGẪU PHƯƠNG 偶方
Số lượng vị thuốc cấu thành trong bài thuốc. Thường là số chẵn như 2, 4, 6 vị…
- NGHỊCH CHỨNG 逆症
Hiện tượng bệnh tình chuyển biến ác hóa không theo quy luật phát triển mà đột nhiên xuất hiện các dấu hiệu của bệnh nặng. Nguyên nhân do chính khí hư suy, tà khí cang thịnh.
- NGHỊCH LƯU VÃN CHU 逆流挽舟
Phương pháp chữa bệnh kiết lỵ kèm có biểu chứng. Đầu tiên người bệnh vừa có các triệu chứng của thấp nhiệt uất trệ bên trong như đau bụng, đại tiện ra mủ máu, nặng trằn hậu môn. Lại xuất hiện các biểu chứng như sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình, không mồ hôi. Điều trị nên dùng thuốc giải biểu và thanh nhiệt lợi thấp tiêu trệ để vừa thanh thấp nhiệt ở lý lại vừa giải biểu tà.
- NGHỊCH THỦ 逆取
Tức Chính trị.
- NGHỊCH TRỊ 逆治
Tức Chính trị.
- NGHỊCH TRUYỀN 逆传
Hiện tượng truyền biến nghịch không theo quy luật phát triển. Như trong ôn nhiệt bệnh, thông thường thì bệnh phải truyền từ phần vệ sang phần khí… Nhưng bệnh đang ở tại phần vệ mà lại phát triển nhanh tới Tâm bào.
- NGHỊCH TRUYỀN TÂM BÀO 逆传心胞
Quy luật truyền biến trong ôn bệnh. Nói chung quy luật truyền biến của ôn bệnh là từ vệ đến khí, từ doanh đến huyết. Nếu như ôn tà không theo thứ tự truyền biến mà từ phần vệ (Phế) đột nhiên hãm ngay vào phần doanh (Tâm bào), xuất hiện chứng trạng như sốt cao, hôn mê, nói sảng, lưỡi đỏ, mạch sác, gọi là nghịch truyền Tâm bào.
- NGHIỆM PHƯƠNG 验方
Là các phương thuốc kinh nghiệm thông qua thực tế trên lâm sàng tổng kết được. Nhưng chưa được ghi chép trong y tịch hay dược điển.
- NGHINH PHONG LÃNH LỆ 迎风冷泪
Hiện tượng chảy nước mắt. Mắt không sưng, đỏ, đau và ngứa nhưng lại chảy nước mắt, ra gió lại càng nặng hơn. Nước mắt không có cảm giác nóng. Nguyên nhân phần nhiều do Can Thận lưỡng hư, không thể ước thúc được tuyến lệ mà gây ra.
- NGHINH PHONG LƯU LỆ 迎风流泪
Hiện tượng ra gió chảy nước mắt, nặng thì nước mắt chảy dầm dề. Hiện tượng chảy nước mắt có phân ra lãnh lệ và nhiệt lệ.
- NGHINH PHONG NHIỆT LỆ 迎风热泪
Hiện tượng chảy nước mắt. Nguyên nhân do phong nhiệt xâm nhập vào, hỏa ở Can Phế bốc lên, hoặc Can Thận âm hư, hư hỏa bốc lên trên gây ra. Chứng thấy gặp gió thì hai mắt nóng chảy nước mắt, kèm có hai mắt đỏ, khô rát, đau, sợ ánh sáng.
- NGHINH TÙY BỔ TẢ 迎随补泻
Thủ thuật châm cứu. Khi châm mũi kim thuận theo đường đi của đường kinh thì gọi là tùy, thuộc phép bổ. Khi châm mũi kim đi ngược với đường đi của đường kinh thì gọi là nghinh, thuộc phép tả.
- NGỌ DẠ 午夜
Còn gọi là Dạ bán. Lúc nửa đêm, giờ tý (23g – 1g).
- NGỌA BẤT AN 卧不安
Ngủ không yên giấc. Nguyên nhân do ăn uống quá no hoặc trong dạ dày có nhiệt đều có thể phát sinh chứng này.
- NGOẠ THAI 卧胎
Tức chứng Thai bất trưởng.
- NGOẠI CẢM 外感
Hiện tượng cảm nhiễm tà khí ở bên ngoài. Theo phân loại nguyên nhân bệnh và bệnh chứng, thì ngoại cảm là cảm thụ ngoại tà lục dâm, và khí dịch lệ. Bệnh tà trước hết xâm phạm bì mao, cơ phu của cơ thể hoặc từ mũi miệng hít vào, hoặc đồng thời phát bệnh… đều là nhân tố từ bên ngoài đưa tới, cho nên gọi là ngoại cảm.
- NGOẠI CẢM BẤT ĐẮC NGỌA 外感不得卧
Chứng ngoại cảm dẫn đến mất ngủ.
- NGOẠI CẢM ĐẦU THỐNG 外感头痛
Chứng đau đầu do cảm thụ phong, hàn, thấp, nhiệt tà. Có đặc điểm là khởi bệnh nhanh, đau đầu liên tục không ngừng, phần nhiều thuộc thực chứng.
- NGOẠI CẢM ÔN BỆNH 外感温病
Tức chứng Tân cảm ôn bệnh.
- NGOẠI CẢM PHÁT NHIỆT 外感发热
Chứng phát sốt do cảm phải khí lục dâm hoặc dịch lệ. Tùy theo nhiệt tà ở tại biểu, tại lý, hoặc bán biểu bán lý mà trên lâm sàng có các biểu hiện khác nhau.
- NGOẠI CẢM VỊ QUẢN THỐNG 外感胃脘痛
Chứng đau dạ dày do cảm thụ ngoại tà gây ra. Có các triệu chứng đặc trưng là: Do hàn tà phạm Vị, thường kèm có sợ lạnh, tay chân lạnh, tiểu tiện thông lợi, miệng nhiều đàm dãi, mạch phù khẩn hoặc trầm huyền. Do nhiệt tà phạm Vị thường kèm có miệng lưỡi khô ráo, tiểu vàng, mạch sác.
- NGOẠI CẢM YÊU THỐNG 外感腰痛
Chứng đau lưng do ngoại tà xâm nhập vào kinh lạc. Các biểu hiện thường là thực chứng.
- NGOẠI CHỨNG 外证
Chứng bệnh ngoại khoa hữu hình ở thể biểu, như ung, thư, mụn, nhọt, trĩ, đan độc, loa lịch (tràng nhạc), quai bị (sạ tai)…
- NGOẠI CHƯỚNG 外障
Bệnh phát sinh ở mi mắt (màng kết hợp), đầu và khoé mắt (tuyến lệ), lòng trắng mắt (củng mạc), lòng đen mắt (giác mạc)… Triệu chứng cục bộ: Mắt sưng đỏ và chướng. Trong đông y học có hơn 50 loại ngoại chướng khác nhau.
- NGOẠI ĐÀI BÍ YẾU 外台秘要
752, Vương Đào, đời Đường, Trung quốc. Gồm 40 quyển. Sưu tập các tác phẩm y dược học nổi tiếng từ đời Đường trở về trước, soạn thành 1104 môn, hơn 6000 phương thuốc. Là một tác phẩm Trung y trọng yếu.
- NGOẠI HÀN 外寒
➊ Chứng ngoại cảm hàn tà. Do hàn tà xâm nhập cơ bắp, dương khí không tuyên thông thấu tiết, có các chứng trạng sợ lạnh, phát nhiệt, không mồ hôi, đau đầu, đau mình, mạch phù khẩn…➋ Tình trạng dương khí hư nhược. Có những triệu chứng: Ớn lạnh, sợ lạnh hoặc dễ cảm mạo. “Dương hư thì bên ngoài hàn” [Tố vấn - Điều kinh luận].
- NGOẠI HÀN, NỘI NHIỆT 外寒内热
Tức Biểu hàn, lý nhiệt.
- NGOẠI KINH 外经
Bộ phận kinh mạch ở thể biểu, nói chung là nhằm đối lập với tạng phủ ở bên trong (lý) cơ thể “(các huyệt) huỳnh, du để chữa bệnh ở ngoài kinh (thể biểu) huyệt thuộc hợp để chữa bệnh phủ ở trong” [Linh khu - Tà khí tạng phủ bệnh hình].
- NGOẠI KHOA BỔ PHÁP 外科补法
Một trong ba phép lớn dùng thuốc uống bên trong để chữa mụn nhọt thuộc ngoại khoa. Phương pháp này dùng thuốc bổ ích, hỗ trợ chính khí, thúc đẩy mọc thịt non, khiến mụn nhọt sớm liền miệng, thích hợp với chứng bệnh mụn nhọt ở giai đoạn cuối, hỏa độc đã tiêu, thân thể hư yếu…
- NGOẠI KHOA LÝ LỆ 外科理例
1531, Uông Cơ (Thạch Sơn), đời Đường, Trung quốc. Gồm 7 quyển, chia ra 154 môn với 165 phương thuốc. Chủ trương phải căn cứ vào tình trạng bên trong cơ thể rồi sau mới được chữa bệnh ở bên ngoài.
- NGOẠI KHOA TIÊU PHÁP 外科消法
Là phương pháp dùng thuốc uống trong để làm tiêu tan các loại mụn nhọt. Còn gọi là Nội tiêu.
- NGOẠI KHỎA THƯ 外踝疽
Cách đọc khác của Ngoại loả thư.
- NGOẠI LIÊM 外廉
Tức Ngoại trắc duyên.
- NGOẠI LIÊM SANG 外臁疮
Xem Nội liêm sang.
- NGOẠI LOẢ THƯ 外踝疽
Chỉ nhọt mọc ở mắt cá ngoài chân. Do hàn thấp dồn xuống làm cho khí huyết ngưng trệ gây ra. Còn gọi là Cước lánh độc.
- NGOẠI NHÃN GIÁC 外眼角
Là nơi gặp nhau của mi trên và mi dưới. Là khởi điểm của kinh túc Thiếu dương, nơi có huyệt Đồng tử liêu. Còn gọi là Ngoại tý.
- NGOẠI NHÂN 外因
➊ Từ chung để chỉ các loại bệnh tật có nguyên nhân đến từ bên ngoài. ➋ Sự phân loại nguyên nhân gây ra bệnh của người xưa. Ngoại nhân bao gồm khí của lục dâm như: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa.
- NGOẠI NHIỆT, NỘI HÀN 外热内寒
Tức Biểu nhiệt, lý hàn.
- NGOẠI PHONG 外风
Ngoại cảm phong tà.
- NGOẠI PHỦ 外腑
Tức Tam tiêu.
- NGOẠI TÀ 外邪
Tà khí bên ngoài.
- NGOẠI THẬN ĐIẾU THỐNG 外肾吊痛
Chứng hòn dái nặng trằn, sưng trướng. Thường gặp trong các bệnh sán khí.
- NGOẠI THẬN THŨNG NGẠNH 外肾肿硬
Chứng âm nang sưng trướng, kết cứng.
- NGOẠI THẤP 外湿
Chứng ngoại thấp. Biểu hiện lâm sàng: Đầu nặng như bó, cổ gáy đau mỏi, ngực khó chịu. lưng ê ẩm, chân tay nhức mỏi, khớp xương đau… Cảm thụ thấp tà ở bên ngoài như khí hậu ẩm ướt, ở lâu nơi ẩm thấp hoặc cảm thụ khí sương móc, hoặc lội nước, dầm mưa, ngâm dầm dưới nước lâu… thấp là loại âm tà trong trọc và dính nhớt, dễ trở ngại sự hoạt động của khí.
- NGOẠI THỦ 外取
Tức Ngoại trị pháp.
- NGOẠI THƯƠNG 外伤
➊ Các vết thương ngoài da do bị đánh, té gây ra, làm tổn thương các tổ chức mềm và xương khớp. ➋ Chỉ ngoại tà của lục dâm xâm phạm vào mà gây bệnh. Từ để chỉ đối nghịch với chứng nội thương.
- NGOẠI TRỊ PHÁP 外治法
Phương pháp chữa bệnh. Ngoại trừ cho uống thuốc ở bên trong ra, còn có những phương pháp không dùng thuốc mà chỉ dùng chữa ngoài cơ thể như châm cứu, dán cao, xông rửa hoặc day ấn huyệt.
- NGOẠI TRĨ 外痔
Chứng ngoại trĩ, trĩ ngoại. Sinh ra ở bờ ngoài giang môn, thành từng múi, to dần và thể chất cũng cứng dần, bề mặt sáng trơn, không đau, không chảy máu, chỉ cảm thấy vướng víu, hoặc do cảm nhiễm mà sưng trướng mới cảm thấy đau, khi sưng giảm thì lại không đau nữa. Múi trĩ sinh ra ở mặt trước, mặt sau giang môn, thường có khi rách giữa mặt trái, trước mặt phải, và phía sau bên phải, thường kèm theo cả trĩ nội: Múi trĩ thành lớp sần sùi hoặc như mào gà, thường gặp ở người đã sinh nở nhiều lần.
- NGOẠI TÝ 外眦
Tức Ngoại nhãn giác.
- NGOẠI TÝ 外胔
Đuôi mắt (nơi giao nhau giữa mi mắt trên và mi mắt dưới, và tiếp giáp với má). Còn gọi là Nhuệ tý.
- NGOẠI UNG 外痈
Ung ở thể biểu. Ung phát ra ở thân thể, chân tay ở bộ vị thể biểu như cảnh ung, bối ung, nhũ ung… Ngoại ung đa số do viêm nang lông hoặc viêm tuyến mỡ lớp da gây mủ mà thành; Nhũ ung tức viêm tuyến vú có tính chất bội nhiễm gây mủ.
- NGOẠI XUY 外吹
Chứng nhũ ung phát sinh sau khi sinh.
- NGOẠI XUY NHŨ UNG 外吹乳痈
Tức Nhũ ung
- NGOAN CHỨNG 顽症
Các chứng bệnh để lâu chữa không khỏi.
- NGOAN ĐÀM 顽痰
Chứng đàm để lâu chữa không khỏi. Nguyên nhân và biểu hiện thường do một số bệnh ngoan cố như hen suyễn kinh niên, đau đầu kinh niên.
- NGOAN SANG 顽疮
Chứng ghẻ đã chữa trị trong một thời gian dài mà không khỏi. Nguyên nhân phần lớn do khí huyết hư tổn, hoặc khí trệ huyết ứ gây ra.
- NGOAN TIỂN 顽癣
Vùng da phát ngứa, nổi mẩn như hạt thóc, trên mặt do có tróc vảy, vùng da có bệnh nổi dày, sần sùi, để lâu chữa không khỏi, bệnh hay tái đi tái lại. Thường gặp trong các bệnh viêm da thần kinh, thấp chẩn mạn tính. Nguyên nhân phần lớn do ngoại tà.
- NGỌC CHẨM CỐT 玉枕骨
Tức Chẩm cốt.
- NGỌC Ế GIÀ TINH 玉翳遮睛
Tức Ngọc ế phù tinh.
- NGỌC Ế PHÙ MÃN 玉翳浮满
Tức Ngọc ế phù tinh.
- NGỌC Ế PHÙ TINH 玉翳浮睛
Tình trạng trước con ngươi có miếng màng trắng che đậy. Nguyên nhân do Can kinh có phong nhiệt gây ra. Bệnh lâu ngày thường hay tái phát, phần nhiều là do Can Thận bất túc.
- NGỌC HẢI 玉海
Tức Bàng quang.
- NGÔ CÔNG GIẢO THƯƠNG 蜈公咬伤
Sau khi bị rít cắn, vùng cục bộ bị sưng trướng đau, gây ngứa, toàn thân tê dại…
- NGÔ ĐƯỜNG 吴塘
1758 – 1886. Ngô Đường, tự Cúc Thông 菊通, người đời Thanh, Giang Tô, Hoài âm, là đại biểu trọng yếu của học phái ôn bệnh sau Diệp Thiên Sĩ và Tiết Tuyết, có viết một sách chuyên về ôn bệnh học là ‘Ôn bệnh điều biện’. Ông thông minh hiếu học, chuyên học khoa cử, Năm 19 tuổi, cha ông bệnh hơn một năm qua đời, ông đau buồn không muốn sống vì cho rằng ‘cha bệnh không biết chữa trị, còn mặt mũi nào đứng trong trời đất?’ Ông mua một số lớn sách y học, bỏ học khoa cử, khắc khổ học y. Bốn năm sau, một đứa cháu trai mắc bệnh ôn nhiệt, nhiều thầy thuốc đều không biết chính xác là ôn bệnh để chữa trị, đến nỗi phát vàng da rồi chết. Lúc ấy, ông còn là sơ học, y thuật còn nông cạn, chưa thể cứu sống đứa cháu, ông xấu hổ mười phần. Ông liên tưởng đến Trương Trọng Cảnh và họ hàng chết vì bệnh thương hàn rất nhiều mà phẫn chí nghiên cứu bệnh thương, sau cùng biên soạn được bộ sách lớn ‘Thương hàn luận’; rồi ông có ý niệm nghiên cứu sâu về bệnh này. Hơn ba năm sau, để mở rộng tầm mắt, ông đi kinh thành. Lúc ấy, ở kinh, đang tổ chức một nhóm người để xem xét đính chính ‘Tứ khốtoàn thư’. Ông được giới thiệu làm việc sao chép sách thuốc nên có dịp xem nhiều sách vở. Khi ông xem đến sách ‘Ôn dịch luận’ của Ngô Hựu Khả thì như được của báu, nhưng sau khi đọc đi đọc lại thấy nghị luận của sách tuy rộng rãi, thấy được những gì người trước chưa thấy, nhưng phép độ của sách chưa tránh khỏi chi ly và bác tạp. Ông lại xem lại nghị luận của các danh gia từ các đời Tấn, Đường trở lại đây, rốt cuộc chưa thể làm ông rửa lòng. Chót hết, ông xem đến các loại phương pháp trị liệu bệnh ôn nhiệt trong sách ‘Lâm chứng chỉ nam y án’ của Diệp Thiên Sĩ, ông mới thán phục, cho rằng lời luận của sách bình hòa, lập pháp tinh tế, tiếp thu được số lượng lớn tri thức về trị liệu bệnh ôn, và có chỗ rất tâm đắc về chẩn trị ôn bệnh. Niên hiệu Càn Long năn thứ 58 (1793), bệnh ôn dịch lưu hành ở kinh đô, số người chết về trị liệu không thích đáng đếm không hết, ông dùng phép trị liệu của họ Diệp lần nào cũng hiệu nghiệm, nổi tiếng khắp kinh thành. Vì sách ‘Ôn nhiệt luận’ của Diệp Thiên Sĩ ấn hành muộn nên ông chưa xem được, vì vậy mà ông lại cho rằng họ Diệp lập luận giản ước quá, lại liệt kê thuốc trị liệu ít, chỉ có y án thấy rải rác trong các tạp bệnh; thế là ông sưu tập sách của danh y các đời, noi theo phép tắc của Diệp Thiên Sĩ, lấy chỗ tinh vi kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng lâu năm của mình, bỏ ra sáu năm để viết nên sách ‘Ôn bệnh điều biện’ sáng lập học thuyết Tam tiêu biện chứng, luận thuật chín loại chứng trị của ôn bệnh, như phong ôn, ôn nhiệt, ôn dịch, ôn độc, thấp ôn, thu táo, thử ôn, đông ôn, ôn ngược, xác lập phép tắc ‘thanh nhiệt dưỡng âm’, đề xuất cụ thể trị pháp ‘thanh lạc, lương dinh, dục âm’. Sách này cống hiến to lớn cho sự phát triển của ôn bệnh học. Sách ra đời chứng tỏ ôn bệnh học là một môn học có hệ thống và hoàn chỉnh; đây là một cuốn sách cần phải đọc. Ông còn viết ‘Y y bệnh thư’ là ý ông căm giận bọn lang băm hại mạng người; ông viết sách này để sửa cái tệ của thời y. Tuổi già, ông tập hợp các phương trị nghiệm lâm sàng trong nhiều năm của mình, soạn thành một bộ ‘Y án’ ghi chép tương đối hoàn bị, lời luận thuật cũng rõ ràng, thấu triệt cho nên sách có giá trị tham khảo nhất định. Ông mất năm 1886, hưởng thọ 78 tuổi.
- NGÔ HỮU TÍNH 吴有性
(1587-1657). Ngô Hữu Tính, tự Hựu Khả, hiệu Đạn Trai, người cuối đời Minh, Cô Tô (nay là Giang Tô, Tô Châu), ở Thái Hồ, Đồng Đình sơn, là thày thuốc nổi danh về bệnh truyền nhiễm vào quãng cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Ông là người viết bộ sách thứ nhất trong y học sử Trung quốc chuyên luận thuật bệnh truyền nhiễm cấp tính tựa là ‘Ôndịch luận’. Từ nhỏ ông thích y học, không chuộng công danh khoa cử, cả đời đem hết sức ra nghiên cứu môn ôn bệnh học. Đời Minh, niên hiệu Sùng Trinh, năm Tân Tỵ (1641), ở các vùng Sơn Đông, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, bệnh ôn dịch lưu hành. Trong năm sáu tháng trời, bệnh dịch hoành hành, người mắc bệnh quá nhiều, nặng thì cả nhà đều bệnh. Lúc bấy giờ, phần đông thầy thuốc dùng cách trị thương hàn để trị liệu bệnh dịch, kết quả là bệnh càng thêm nặng; có thầy thuốc dùng thuốc mạnh, chống và bổ không thích đáng làm bệnh tình thêm nặng, có thầy thuốc chẩn đoán không đúng, dùng thuốc hồ đồ gây nên tử vong. Các trường hợp như thể rất nhiều khiến người chết oan uổng nhiều không kể xiết. Mắt thấy tình trạng thê thảm này, ông cảm nhận rằng dân chúng ‘không chết vì bệnh mà chết vì phép trị liệu không đúng’, lý do là ‘theo phép trị liệu xưa không hợp với bệnh đời này’. Ông liền bắt đầu nghiên cứu sâu về nhân tố gây bệnh, con đường truyền nhiễm, bộ vị mắc bệnh, qui luật truyền biến và phương thuốc (trị liệu) của bệnh ôn dịch. Đến năm 1642, ông đem thành quả của công tác nghiên cứu bệnh ôn dịch của minh và kinh nghiệm lâm sàng soạn thành sách ‘Ôn dịch luận’. Bộ ‘Ôndịch luận’ gồm 4 quyển, nội dung bao quát nguyên nhân gây bệnh, bệnh trạng sơ khởi, các chứng truyền biến, phương thuốc trị liệu. Kiến giải của sách độc đáo, điều loại cặn kẽ, luận thuật rõ ràng. Ông nhận xét rằng nguyên nhân gây bệnh ‘không phải gió, không phải lạnh, không phải nóng, không phải ẩm thấp, mà là do một loại dị khí trong khoảng trời đất’. Thứ dị khí này là một loại trong số tạp khí ngoài lục dâm, vì nó gây bệnh nặng hơn các khí khác nên coi nó là ‘lệ khí’; đồng thời nói rõ lệ khí này có tính truyền nhiễm rất cao, bất luận già trẻ, mạnh yếu, ‘tiếp xúc nó thì bệnh’. Nó xâm nhập thân người do đường miệng mũi, núp ở màn da nửa trong nửa ngoài. Phương thức truyền biến của nó có 9 loại hình gọi là ‘cửu truyền’, đồng thời còn có biến chứng, kiêm chứng, tình huống không giống nhau, khi trị liệu, loại nào có phép trị và phương thuốc nấy, và ông sáng chế phương thuốc chuyên trị bệnh ôn dịch. Trong sách, ông còn căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn của mình nêu lên chỗ khác biệt trong bản chất của hai bệnh thương hàn và ôn dịch. Sách ‘Ôn dịch luận’ ra đời có ảnh hưởng cực lớn đối với y gia ôn bệnh học đời sau. Ông sáng lập học thuyết ôn dịch, lấp được chỗ trống trong y học Trung quốc. Từ đó về sau, chứng bệnh ôn dịch và cách trị liệu mới có chuẩn mực để noi theo và ông đã trở nên người sáng lập học thuyết ôn bệnh học. Ông mất năm 1657, hưởng thọ 70 tuổi.
- NGỘ HẠ 误下
Phép chữa sai lầm. Bệnh không cần dùng thuốc tả hạ mà lại chọn dùng. Đây thuộc một trong các chứng ngộ trị.
- NGŨ ÂM 五音
Năm cung đoạn của âm nhạc cổ điển là giốc, chủy, cung, thương, vũ. Học thuyết ngũ hành đưa ngũ âm của người bệnh cao, thấp, trầm, bổng… để xét đoán bệnh biến. Tức là Can có âm giốc, Tâm có âm chủy, Phế có âm thương, Thận có âm vũ (sự quy nạp này có chỗ còn gò bó, hiện nay ít dùng).
- NGŨ ANH 五瘿
Chứng bướu cổ được phân thành năm loại. Thạch anh, Nhục anh, Cân anh, Huyết anh và Khí anh.
- NGŨ BẠI 五败
Bệnh lý do chức năng tạng phủ bị tổn thương hoặc trở ngại nghiêm trọng. Trên lâm sàng thường thấy các biểu hiện như: Chứng Tỳ bại thường xuất hiện các triệu chứngnhư phù thũng, bụng trướng, rốn căng cứng…
- NGŨ BĂNG 五崩
Tức năm loại dịch tiết ra từ âm hộ có màu sắc khác nhau, gồm có: Bạch băng, Xích băng, Hoàng băng, Thanh băng, và Hắc băng.
- NGŨ BẤT NAM 五不男
Bộ phận sinh dục ở nam giới có năm loại bệnh lý dẫn đến mất khả năng sinh dục như: Thiên, Lậu, Kiên, Khiếp, Biến.
- NGŨ BẤT NỮ 五不女
Bộ phận sinh dục ở nữ giới có năm loại bệnh lý dẫn đến khả năng không sinh nở. Do dị dạng khi mới vừa chào đời, do chức năng của hậu thiên bị rối loạn. năm loại bệnh lý đó là: Loa, Văn, Cổ, Giác, Mạch.
- NGŨ BẤT TÚC 五不足
Ngũ tạng tinh khí bất túc, thuộc hư chứng.
- NGŨ CAM 五疳
Năm chứng cam. Chứng cam là bệnh biến của tạng phủ. Được chia làm năm loại: Tâm cam, Can cam, Tỳ cam, Phế cam, Thận cam.
- NGŨ CANH THẤU 五更嗽
Cơn ho phát vào lúc sáng sớm. Nguyên nhân có thể do đàm hỏa, Tỳ hư hoặc thực tích.
- NGŨ CANH TIẾT 五更泄
Chứng tiêu chảy buổi sáng sớm. Tảng sáng mỗi ngày, sôi bụng và ỉa chảy (cho nên gọi là thần tiết). Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do Thận dương hư, Mệnh môn hỏa bất túc, không ôn dưỡng được Tỳ Vị (nên cũng gọi là Thận tiết). Cũng có thể do thực tích, tửu tích, hay do Can hỏa gây ra. Còn gọi là Thần tiết, Thận tiết.
- NGŨ CẤM 五禁
Tức Ngũ vị sở cấm.
- NGŨ CẦM HÍ 五禽戏
Phương pháp chữa bệnh bằng thể dục cổ đại. Dựa vào tư tưởng ‘cửa mở ra vào không bị mọt, nước chảy không bị hôi’ (hộ khu bất mọt, lưu thuỷ bất nùng) của Hoa Đà, đã mô phỏng các hình thái vận động uyển chuyển của các loài động vật mà luyện tập cơ thể nhằm làm cho gân xương hoạt động, khí huyết lưu thông, tăng cường sức khỏe (vì là mô phỏng dáng dấp động tác của năm loại động vật cho nên gọi là ngũ cầm hí).
- NGŨ CHÍ 五志
Năm loại biến động của tình chí, là giận, mừng, lo, sợ, nghĩ ngợi.
- NGŨ CHÍ HÓA HỎA 五志化火
Hoạt động của năm loại tình chí mừng, giận, lo, nghĩ, sợ, mất điều hòa dẫn đến khí cơ bị rối loạn, âm dịch của tạng phủ bị hao tổn mà phát sinh bệnh.
- NGŨ CHÍ QUÁ CỰC 五志过极
Ngũ chí (mừng, giận, lo, nghĩ, sợ) là năm loại tình chí, nói rộng ra là chỉ các hoạt động về tinh thần. Khi những hoạt động ấy quá căng thẳng, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của tạng phủ khí huyết, trở thành những nguyên nhân gây nên bệnh.
- NGŨ CHỦ 五主
Tức Ngũ tạng sở chủ.
- NGŨ CỐC 五谷
Năm loại thực phẩm như: Mễ, Tiểu đậu, Mạch, Đại đậu, Hoàng túc.
- NGŨ CỐC CHI PHỦ 五谷之府
Nơi chứa ngũ cốc. Tức là phủ Vị.
- NGŨ DỊCH 五液
Năm chất dịch từ trong cơ thể người bài tiết ra như: Hãn (mồ hôi), Thế (nước mũi), Lệ (nước mắt), Diên (nước dãi), Thóa (nước bọt).
- NGŨ DU HUYỆT 五俞穴
Tên gọi chung cho những huyệt thường dùng có vị trí ở nơi xa của chân và tay (từ khuỷu tay trở ra, từ đầu gối trở xuống)
Thuộc về năm tạng có năm đường kinh âm, mỗi kinh đều có năm du huyệt (tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp) cộng thành 25 huyệt gồm trái phải cả hai bên là 50 huyệt, gọi là tạng du ngũ thập huyệt.
Thuộc về sáu phủ có sáu đường kinh dương, mỗi kinh đều có sáu du huyệt (tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp, ngoài ra còn thêm nguyên huyệt) cộng thành 36 huyệt, gồm trái phải cả hai bên là 72 huyệt, gọi là Ngũ du thất thập nhị huyệt. Những huyệt vị kể trên, trong lâm sàng rất thường sử dụng và có hiệu quả.
- NGŨ ĐẢN 五疸
Chỉ năm chứng hoàng đản như: Hoàng đản, Cốc đản, Tửu đản, Nữ lao đản và Hắc đản.
- NGŨ ĐINH五疔
Từ chung để chỉ năm loại mụn nhọt. Dựa vào màu sắc mà phân loại như: Thanh đinh, Xích đinh, Bạch đinh, Hắc đinh, Hoàng đinh. Dựa vào tạng phủ mà phân loại như: Tâm đinh, Can đinh, Tỳ đinh, Phế đinh, và Thận đinh.
- NGŨ ĐOẠT 五夺
Chỉ hiện tượng khí, huyết, tân, dịch bị hao tổn nghiêm trọng. Ngũ đoạt bao gồm:
a/ Thịt da tiêu hết.
b/ Mất nhiều máu.
c/ Mồ hôi ra quá nhiều.
d/ Ỉa chảy nặng.
đ/ Sau khi sanh bị mất nhiều máu.
Năm triệu chứng này biểu hiện tình trạng đã quá hư nhược, bệnh tình trầm trọng, chỉ nên dùng phép bổ chứ không nên dùng phép công tả.
- NGŨ ĐỘ 五度
Chỉ sự đo lường mức độ hữu dư và bất túc của Thần, Khí, Huyết, Hình, Chí.
- NGŨ HÀNH 五行
Là lý luận triết học thời xưa. Học thuyết ngũ hành gồm năm loại vật chất như: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. Học thuyết này lấy thuộc tính của ngũ hành liên hệ với các cơ quan tạng phủ trong cơ thể và thông qua năm tạng làm trung tâm vận dụng các lý luận tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ để nói lên hiện tượng biến hóa sinh lý, bệnh lý, từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị.
- NGŨ HƯ 五虚
Năm loại chứng hậu nghiêm trọng của năm tạng đều hư, như: Mạch tế, da lạnh, hụt hơi, ỉa chảy và tiểu tiện trong lợi, không ăn được. Gặp những tình huống trên, tiên lượng không tốt.
- NGŨ HỮU DƯ 五有余
Năm loại hữu dư (thần, khí, huyết, hình, chí) dựa trên lý luận học thuyết tạng tượng như Tâm tàng thần, Phế tàng khí, Can tàng huyết, Tỳ tàng nhục, Thận tàng chí. Năm loại này thực ra là chỉ loại tà khí của ngũ tạng hữu dư, thuộc thực chứng.
- NGŨ LAO 五劳
➊ Tật bệnh lao tổn của năm tạng: Tâm lao, Can lao, Phế lao, Tỳ lao, Thận lao. Tâm lao thì huyết tổn, Can lao thần tổn, Tỳ lao thực tổn, Phế lao khí tổn, Thận lao tinh tổn. ➋ Năm loại nguyên nhân do mệt nhọc dẫn đến tổn thương cơ thể. Xem Ngũ lao sở thương.
- NGŨ LAO SỞ THƯƠNG 五劳所伤
Năm loại mệt nhọc gây tổn thương cơ thể. Do mệt nhọc trác táng quá đáng làm cho hoạt động của khí huyết, gân cốt mất điều hòa, dẫn đến năm loại tổn thương, như: nhìn lâu hại huyết, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại nhục, đứng lâu hại xương, đi lâu hại gân, gọi là ngũ lao sở thương.
- NGŨ LÂM 五淋
Năm chứng lâm (Thạch lâm, Khí lâm, Cao lâm, Lao lâm và Huyết lâm).
- NGŨ LOẠN 五乱
Năm chứng rối loạn. Tà khí gây loạn ở Tâm thì tâm phiền khó nói, gục đầu chỉ muốn ngồi yên. Tà khí loạn ở Phế thì suyễn thở gấp, nắm tay mà kêu. Tà khí loạn ở Vị Trường thì gây hoắc loạn. Tà khí loạn ở cánh tay, ống chân thì chân tay giá lạnh. Tà khí loạn ở đầu thì nặng đầu, choáng váng, hoa mắt ngã lăn…
- NGŨ LUÂN 五轮
Một học thuyết trong nhãn khoa. Con mắt được chia làm năm bộ vị gồm: Nhục luân, Huyết luân, Khí luân, Phong luân và Thủy luân. Căn cứ vào các bộ vị này giúp cho thầy thuốc hiểu rõ được mối quan hệ giữa ngũ tạng và mắt đồng thời nói lên sự thay đổi bệnh lý của ngũ tạng thông qua con mắt. Đây là cơ sở cho chẩn đoán bệnh lý nội tạng và điều trị nhãn khoa.
- NGŨ MẠCH 五脉
Mạch tượng của năm tạng.
Can: Mạch huyền.
Tâm: Mạch hồng.
Tỳ: Mạch hoãn.
Phế: Mạch phù.
Thận: Mạch trầm.
- NGŨ NGẠNH 五硬
Trong cơ thể người có năm bộ vị khi phát bệnh thường bị hạn chế vận động đó là: Đầu cổ, hai tay, hai chân.
- NGŨ NGHI 五宜
Năm loại thực phẩm (như gạo, thịt, quả, rau…) thích hợp với bệnh của ngũ tạng. Như bệnh Tỳ nên ăn Truật mễ, thịt bò, táo, rau quì; Bệnh Tâm nên ăn lúa mạch, thịt dê, quả hạnh, củ kiệu (giới); bệnh thận nên ăn đại đậu, hoàng quyến, thịt lợn, gạo, rau hoắc; Bệnh Can nên ăn vừng, thịt chó, quả mận, rau hẹ; Bệnh Phế nên ăn hoàng thử (kê), thịt gà, quả đào, hành củ…
- NGŨ NHẬP 五入
Tức Ngũ vị sở nhập.
- NGŨ NHUYỄN 五软
Năm chứng nhuyễn thường hay thấy ở trẻ em gồm có: Đầu mềm, Cổ mềm, Chân mềm, Da thịt nhẽo và Miệng mềm. Đặc điểm của bệnh ngũ nhuyễn là phát dục chậm, trí lực không phát triển. Nguyên nhân phần lớn do tiên thiên bất túc, đẻ non hoặc hậu thiên dinh dưỡng bất túc.
- NGŨ Ố 五恶
Tức Ngũ tạng sở ố.
- NGŨ PHÁP 五法
Năm qui tắc khi áp dụng phép châm:
1- Tinh thần phải tập trung
2- Nắm vững đạo lý dưỡng sinh.
3- Biết chân giả của dược vật.
4- Biết sử dụng thích hợp các loại châm.
5- Nắm vững chẩn đoán khí huyết tạng phủ.
- NGŨ PHÁT 五发
Năm loại phát bệnh. Âm bệnh phát ra từ xương. Dương bệnh phát ra từ huyết. Âm bệnh phát ra từ bên trong. Dương bệnh phát từ mùa đông, âm bệnh phát từ mùa hạ.
- NGŨ PHONG NỘI CHƯỚNG 五风内障
Năm loại nội chướng (thanh phong, lục phong, hắc phong, ô phong và hoàng phong). Về nguyên nhân cũng giống với lục phong nội trướng. Các màu sắc của phong dựa theo phản ánh của đồng tử mà đặt tên (phong: sự biến hóa nhanh chóng của tình thế bệnh).
Trong số ngũ phong thì thanh phong và lục phong còn khá nhẹ và thường gặp; hắc phong và ô phong ít gặp; hoàng phong là bệnh rất nặng, dễ dẫn đến mù mắt.
- NGŨ PHỦ 五腑
Tức là những phủ có quan hệ với ngũ tạng gồm có: Tiểu trường, Đại trường, Đởm, Vị và Bàng quang.
- NGŨ QUAN 五官
Năm khí quan cảm thụ có quan hệ với năm tạng (mũi, mắt, môi miệng, lưỡi và tai); cũng nói là “Mũi là quan của Phế, Mắt là quan của Can, Môi miệng là quan của Tỳ, Lưỡi là quan của Tâm, Tai là quan của Thận”.
- NGŨ QUẢ 五果
Năm loại quả như: Táo, Hạnh, Hạt dẻ, Mận, Đào.
- NGŨ SẮC 五色
Năm màu (xanh, vàng, đỏ, trắng, đen). Đối chiếu học thuyết ngũ hành, được quy nạp như sau:
Màu xanh thuộc Can, thuộc hành Mộc.
Màu vàng thuộc Tỳ, thuộc hành Thổ.
Màu đỏ thuộc Tâm, thuộc hành Hỏa.
Màu đen thuộc Thận, thuộc hành Thủy.
Cho nên cần phải nắm vững sự thay đổi của màu sắc để hiểu rõ được bệnh tình. Tuy nhiên khi chẩn đoán bệnh ngoài cơ sở màu sắc kể trên, cũng cần kết hợp các thực tế, tham khảo cả bệnh sử và mạch chứng, không nên máy móc cứng nhắc.
- NGŨ SẮC CHẨN 五色诊
Một nội dung trong vọng chẩn. Dựa vào sự thay đổi bệnh lý của ngũ tạng mà biểu hiện các màu sắc trên khuôn mặt như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Tùy theo tính chất, mức độ của màu sắc mà các thầy thuốc phân tích bệnh tình để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- NGŨ SẮC CHỦ BỆNH 五色主病
Lý luận ngũ sắc chủ bệnh. ➊ Quan điểm lấy ngũ sắc phối hợp với ngũ tạng:
Sắc xanh chủ Can bệnh.
Sắc đỏ chủ Tâm bệnh.
Sắc vàng chủ Tỳ bệnh.
Sắc trắng chủ Phế bệnh.
Sắc đen chủ Thận bệnh.
Năm sự quy nạp này gọi là ngũ sắc chủ bệnh.
- NGŨ SẮC ĐÁI HẠ 五色带下
Chứng đới hạ từ âm đạo phụ nữ chảy ra chất nước màu sắc lẫn lộn và có mùi tanh hôi. Nguyên nhân do thấp nhiệt uất kết ở hạ tiêu, ứ tích thành độc, làm tổn thương mạch Xung, mạch Nhâm, mạch Đới. Tuy nhiên theo Y học hiện đại ngày nay khi phát hiện đái hạ trong thời gian dài nên đi khám phụ khoa tìm xem có bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung hay buồng trứng để có được chẩn đoán sớm.
- NGŨ SẮC LỴ 五色痢
Bệnh kiết lỵ trong phân lẫn mủ máu nhiều màu sắc.
- NGŨ SẮC NGŨ VỊ SỞ NHẬP 五色五味所入
Người xưa dựa vào học thuyết của ngũ hành. Đây là lý luận xuất phát từ học thuyết ngũ hành, thông qua sự qui nạp màu sắc và mùi vị ứng với ngũ hành cộng với sự kết hợp của kinh mạch tạng phủ suy luận ra ta có:
Sắc xanh, vị chua, thuộc mộc vào túc Quyết âm Can, túc Thiếu dương Đởm.
Sắc đỏ, vị đắng, thuộc hỏa vào thủ Thiếu âm Tâm, thủ Thái dương Tiểu trường.
Sắc vàng, vị ngọt, thuộc thổ vào túc Thái âm Tỳ, túc Dương minh Vị.
Sắc trắng, vị cay, thuộc kim vào thủ Thái âm Phế, thủ Dương minh Đại Trường.
Sắc đen, vị mặn, thuộc thủy vào túc Thiếu âm Thận, túc Thái dương Bàng quang.
- NGŨ SÚC 五畜
Năm loại gia súc, gia cầm như: Trâu, dê, Heo, Chó, Gà.
- NGŨ SUYỄN ÁC HẬU 五喘恶候
Chỉ năm loại bệnh tật đi kèm với bệnh suyễn được tiên lượng là không tốt. Tức là Đậu sang, Kinh phong, Hư thũng, Thổ tả và Kiết lỵ. Đây là những chứng nguy hiểm biểu lộ tà thắng chính suy, nguyên khí dục thoát.
- NGŨ TÀ 五邪
➊ Năm loại tà (hư tà, thực tà, tặc tà, vi tà và chính tà). Đây là tình huống liên hệ ngũ hành sinh khắc với năm tạng bị bệnh. Bệnh tà nào từ mẹ sinh ra ta truyền tới gọi là hư tà. Bệnh tà nào từ ta sinh ra truyền tới gọi là thực tà. Bệnh tà nào khắc ta truyền tới gọi là tặc tà( tương thừa). Bệnh tà nào ta khắc truyền tới gọi là vi tà (tương vũ). Chỉ có bệnh tà xâm phạm từ chính nội tạng không do từ tạng nào khác chuyển tới gọi là chính tà. Trên lâm sàng, vận dụng các tính chất ngũ tà nói trên chủ yếu chỉ nhằm nhận ra được bệnh nặng hay nhẹ chứ không nên hiểu một cách cứng nhắc, máy móc. ➋ Năm loại bệnh tà (phong, hàn, thấp, sang độc và thương thực). ➌ Năm chứng tà (trúng phong, thương thử, ăn uống mệt nhọc, trúng thấp và thương hàn) [Nan kinh - Nan thứ 49.]
- NGŨ TÀ MẠCH 五邪脉
Mạch tượng có biểu hiện bệnh thuộc tà. Thí dụ: Can mạch nên huyền tế mà trường; nếu Can bị bệnh mà xuất hiện mạch tượng phù sáp mà đoản, là Phế thừa Can, là mạch tặc tà, biểu thị bệnh tình nguy hiểm. Nếu Can bệnh lại xuất hiện mạch tượng hồng đại mà tán, là Tâm thừa Can, là mạch thực tà, bệnh có thể chặn được. Nếu Can bệnh lại xuất hiện mạch trầm sáp mà hoạt, là Thận thừa Can, là mạch hư tà, tuy bị bệnh cũng dễ chữa. Nếu Can bệnh lại xuất hiện mạch tượng đại hòa hoãn, là Tỳ thừa Can, mạch vi tà, tiên lượng khá…
- NGŨ TÀI 五裁
Cơ thể con người đối với ngũ vị (cay, chua, mặn, đắng, ngọt) cần có sự tiết chế sao cho phù hợp là được, không nên ăn quá nhiều một thứ nào đó. Nhất là khi cơ thể có bệnh thì các thực phẩm đưa vào cần phải đặc biệt chú ý như: Bệnh gân mạch phải ăn ít hoặc không nên ăn các thực phẩm có vị chua.
- NGŨ TẠNG 五脏
Năm tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận). Là từ chung để chỉ các tổ chức tạng phủ chứa trong ngực, bụng. Tuy nhiên đây cũng là những khái niệm nhất định về giải phẫu học. Nhưng cũng không hoàn toàn giống với các tổ chức tạng phủ theo y học hiện đại.
- NGŨ TẠNG HÓA DỊCH 五脏化液
Dịch của năm tạng.
Dịch của Tâm là mồ hôi.
Dịch của Can là nước mắt.
Dịch của Phế là nước mũi.
Dịch của Tỳ là nước dãi.
Dịch của Thận là nước bọt (nước miếng, thóa).
Sự bài tiết khác thường của ngũ dịch có thể phản ánh tình trạng của ngũ tạng.
- NGŨ TẠNG LỤC PHỦ KHÁI 五脏六腑咳
Ho là một chứng trạng của tạng Phế. Năm tạng sáu phủ khi mắc bệnh, bệnh khí ảnh hưởng tới Phế cũng dẫn đến ho. Mặt khác, nếu ho kéo dài, cũng ảnh hưởng đến chức năng của các tạng phủ khác.
- NGŨ TẠNG SỞ CHỦ 五脏所注
Mối quan hệ giữa ngũ tạng và các tạng phủ khác như:
Tâm chủ mạch.
Phế chủ da (bì).
Can chủ gân.
Tỳ chủ thịt (nhục).
Thận chủ cốt (xương).
- NGŨ TẠNG SỞ Ố 五脏所恶
Một trong các đặc điểm sinh lý của ngũ tạng. Còn gọi là Ngũ ố, Ngũ tạng sở ố, bao gồm:
Tâm ố nhiệt.
Phế ố táo.
Can ố phong.
Tỳ ố thấp.
Thận ố hàn.
- NGŨ TẠNG SỞ TÀNG 五脏所藏
Tâm tàng thần.
Can tàng hồn.
Tỳ tàng ý.
Phế tàng phách.
Thận tàng chí.
Lấy cơ sở tinh khí của ngũ tạng để giải thích các hoạt động của tinh thần. Khi các chức năng của ngũ tạng bị rối loạn thì sẽ làm ảnh hưởng đến các trạng thái của tinh thần.
- NGŨ TẠNG TÝ 五脏痹
Chứng tý lâu ngày không chữa khỏi, lại nhiễm phong hàn thấp tà. Làm cho nội tạng bị tổn thương và xuất hiện triệu chứng tương ứng như: Can tý, Tâm tý, Thận tý, Tỳ tý, Phế tý…
Cũng có khi do khí huyết bên trong bị hư, âm kinh khuy tổn, hoặc dương khí không kiện vận, làm cho tà khí nhân chỗ hư xâm phạm vào, tích lũy ở vùng ngực bụng mà gây nên năm loại tý nói trên.
- NGŨ TÂM PHIỀN NHIỆT 五心烦热
Chỉ 2 lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân, lòng ngực (vùng chớn thủy) có cảm giác nóng. Nguyên nhân phần lớn do do âm hư hỏa vượng, hoặc sau khi bệnh hư nhiệt chưa thanh, hoặc do hỏa nhiệt uất ở bên trong. Là các chứng thường gặp trong bệnh hư lao.
- NGŨ TÂN 五辛
Năm loại rau gia vị có vị cay: Tỏi (Đại toán), Hành (Thông bạch), Kiệu (Giới bạch), Hẹ (Phỉ) và Gừng (Khương).
- NGŨ THANH 五声
Năm loại thanh âm. Qua hoạt động tinh thần, người ta thường phát ra năm loại thanh âm: La, cười, hát, khóc, rên.
- NGŨ TẨU 五走
Năm vị đi (chạy = tẩu) vào các cơ quan nội tạng: vị chua chạy vào Can, vị đắng chạy vào Tâm, vị ngọt chạy vào Tỳ, vị cay chạy vào Phế, vị mặn chạy vào Thận.
- NGŨ THẬP ĐỘNG 五十动
Quy luật chẩn mạch của người xưa. Các thầy thuốc ngày xưa khi xem mạch phải quan sát mạch đập ít nhất 50 nhịp để tìm xem sự biến hóa của mạch.
- NGŨ THẮNG 五胜
5 thứ thắng nhau, tức là ngũ hành tương khắc. Như kim thắng mộc, mộc thắng thổ, thổ thắng thuỷ, thuỷ thắng hoả, hoả thắng kim.
- NGŨ THỂ 五体
Chỉ năm bộ phận trong cơ thể như: Gân, mạch, thịt, da, xương.
- NGŨ THIỆN 五善
Năm biểu hiện tốt lành của bệnh nhân trong điều trị các chứng sang dượng, tiên lượng mau khỏi:
1/ Ăn uống tốt.
2/ Nhị tiện đều.
3/ Màu mủ tươi mà không hôi và chỗ làm mủ mau xẹp.
4/ Tinh thần tỉnh táo, tiếng nói rõ ràng.
5/ Cơ thể mạnh khỏe dần.
- NGŨ THŨNG ÁC HẬU 五肿恶候
Tức năm chứng sưng phù gây bệnh như:
Ngũ tâm thũng (lòng bàn tay, chân và ngực).
Nhân trung thũng.
Thiệt thũng (lưỡi sưng).
Tất hĩnh thũng (Gối và ống chân sưng).
Âm hành thũng (Hòn dái sưng).
Khi gặp một trong năm chứng này thường tiên lượng là không tốt.
- NGŨ THỦY 五水
Tức Tâm thủy, Can thủy, Tỳ thủy, Phế thủy, Thận thủy. Các y gia cho rằng nguyên nhân gây ra thủy thũng là do năm tạng bị ảnh hưởng thủy khí, tùy theo bộ vị mà xuất hiện các triệu chứng khác nhau, cho nên phân loại ra như vậy.
- NGŨ THỰC 五实
Năm tạng đều có loại chứng thực nhiệt nghiêm trọng như: Mạch hồng thịnh, bì phu nóng rát, trướng bụng, đại tiểu tiện không thông, tinh thần rối loạn.
- NGŨ THƯỜNG 五常
Năm loại sự vận động chính thường, đại biểu cho ngũ hành. Gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
- NGŨ TÍCH 五积
Chỉ trong vùng ngực bụng có hòn khối hữu hình tích lại bên trong.
- NGŨ TIẾT 五泄
➊ Ngũ tiết (Vị tiết, Tỳ tiết, Tiểu trường tiết, Đại trường tiết, Đại giả tiết). ➋ Ngũ tiết (Sôn tiết, Đường tiết, Vụ tiết, Nhu tiết, Hoạt tiết).
- NGŨ TRÌ 五迟
Năm chứng chậm phát triển ở trẻ em. Chậm đứng, chậm đi, chậm mọc tóc, chậm mọc răng, chậm nói.
- NGŨ TRUNG 五中
Tức Ngũ phủ.
- NGŨ TRƯỜNG 五胀
Ngũ trường gọi theo ngũ sắc. Tiểu trường gọi là xích trường; Đại trường gọi là bạch trường; Đởm gọi là thanh trường; Vị gọi là hoàng trường; Bàng quang gọi là hắc trường.
- NGŨ TUYỆT 五绝
Chỉ năm tình trạng chết đột ngột. Nhưng do các y gia qua các triều đại thuật lại không giống nhau. Đó là Tự ải 自缢 (Tự thắt cổ), Thôi áp 摧压 (bị đập cho chết), Nịch thủy 溺水 (chết đuối), Yểm mị 魇魅 (bị đè), Phục độc 服毒 (uống thuốc độc).
- NGŨ VẬN LỤC KHÍ 五运六气
Còn gọi là vận khí. Y lý (vận: sự chuyển động không ngừng của năm loại vật chất (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ); khí: sự chuyển biến của sáu yếu tố khí hậu (phong, hỏa, nhiệt, thấp, táo, hàn)). Các thầy thuốc xưa ứng dụng ngũ vận, lục khí để giải thích mối quan hệ giữa sự biến hóa của khí hậu và bệnh tật phát sinh hàng năm.
- NGŨ VỊ 五味
Chỉ mùi vị có trong các loại thuốc. Ngũ vị gồm có (cay, chua, mặn, đắng, ngọt). Ngoài ra còn vị nhạt vì tính chất không rõ rệt, nên vẫn gọi là ngũ vị, thực tế phải là sáu vị.
- NGŨ VỊ SỞ CẤM 五味所禁
Còn gọi là ngũ cấm. Những cấm kỵ của ngũ vị như:
Can bệnh kiêng ăn vị cay.
Tâm bệnh kiêng ăn vị mặn.
Tỳ bệnh kiêng ăn vị chua.
Phế bệnh kiêng ăn vị đắng, khét.
Thận bệnh kiêng ăn vị ngọt.
- NGŨ VỊ SỞ HỢP 五味所合
Sự phối hợp giữa ngũ vị và ngũ tạng.
Vị đắng hợp Tâm.
Vị cay hợp Phế.
Vị ngọt hợp Tỳ.
Vị mặn hợp Thận.
Vị chua hợp Can.
- NGŨ VỊ SỞ NHẬP五味所入
Còn gọi là ngũ nhập. Đường đi của ngũ vị vào ngũ tạng như:
Chua vào Can.
Cay vào Phế.
Đắng vào Tâm.
Mặn vào Thận.
Ngọt vào Tỳ.
Ngũ vị sở nhập có quan hệ rất chặt chẽ với cách dùng thuốc trong điều trị.
- NGŨ VỊ SỞ THƯƠNG 五味所伤
Do ăn quá nhiều các thức ăn có mùi vị ưa thích mà gây tổn thương các bộ phận trong cơ thể như:
Ăn nhiều các vị chua thì hại gân.
Ăn nhiều các vị ngọt thì hại thịt.
Ăn nhiều các vị cay thì hại da.
Ăn nhiều các vị mặn thì hại xương.
Ăn nhiều các vị đắng thì hại mạch.
- NGŨ VỊ THIÊN THỊ 五味偏嗜
Trong thời gian dài do ăn quá nhiều các thức ăn có khẩu vị ưa thích của ngũ vị (cay, chua, mặn, đắng, ngọt), sẽ là nhân tố gây ra bệnh.
- NGUNG CỐT THƯƠNG 髃骨伤
Xương đầu vai bị gãy. Nguyên nhân do bị té ngã, gây sai trật, hoặc bị gãy gây đau nhức sưng trướng, ấn vào đau rõ rệt, vận động bị giới hạn, sờ vào nghe có tiếng xương gãy.
- NGUYÊN ÂM 元阴
Tức Thận âm.
- NGUYÊN DƯƠNG 元阳
Tức Thận dương.
- NGUYÊN HUYỆT 元穴
Một trong ngũ du huyệt. Mỗi kinh trong thủ, túc tam dương kinh đều có một nguyên huyệt (cộng là 6 nguyên huyệt). Vị trí nguyên huyệt ở vùng phụ cận khớp cổ tay, khớp cổ chân, là nơi kinh mạch đi qua (như nguồn nước chảy qua không ngừng). Các kinh thủ, túc tam âm đều lấy du huyệt của bản kinh thay cho nguyên huyệt (cộng là 6 huyệt, cũng gọi là nguyên huyệt), nối liền với nguyên huyệt của dương kinh, gọi chung là mười hai nguyên huyệt.
Sáu nguyên huyệt của các kinh âm gồm:
Kinh Phế : Thái uyên;
Kinh Can : Thái xung;
Kinh Tỳ : Thái bạch;
Kinh Tâm Thần môn;
(Tâm bào) Đại lăng;
(Thận) Thái khê.
(6 huyệt trên vốn là huyệt du của 6 âm kinh, đều dùng để thay cho nguyên huyệt).
Sáu nguyên huyệt thuộc kinh dương gồm:
(Đại trường) Hợp cốc;
(Đởm) Khâu khư;
(Vị) Xung dương;
(Tiểu trường) Uyển cốt;
(Tam tiêu) Dương trì;
(Bàng quang) Kinh cốt.
- NGUYÊN KHÍ 元气
Nguồn gốc hoạt động của sự sống. Bao gồm khí nguyên âm và khí nguyên dương, là tinh của tiên thiên hóa sinh, nhờ vào sự dinh dưỡng của hậu thiên thấm vào không ngừng tư dưỡng.
- NGUYÊN KHÍ HƯ NHƯỢC 元气虚弱
Do khí nguyên âm, nguyên dương bất túc dẫn đến chức năng của tạng phủ giảm.
- NGUYÊN PHỦ 元府
Tức Huyền phủ.
- NGUYÊN THẦN CHI PHỦ 元神之府
Não bộ (Nguyên: đứng đầu; Nguyên thần: cơ năng hoạt động cao cấp trung khu thần kinh; Phủ: nơi sở tại). Nguyên thần chi phủ nói lên não chủ quản cơ năng hoạt động của trung khu thần kinh cao cấp.
- NGUYỄN ĐẠI NĂNG 阮大能
Đời Hồ. Quê ở xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn (nay thuộc xã Hiệp Sơn – An Lưu, huyện Kinh Môn tỉnh Hải Hưng). Giữ chức Tả nhị ở Thái y viện phụ trách trông coi Thái y viện. Dùng châm cứu chữa bệnh cho nhiều người, được Hồ Hán Thương rất yêu mến. Ông đã soạn quyển ‘Châm cứu tiệp hiệu diễn ca’ bằng thơ Nôm để phổ biến rộng rãi phương pháp châm cứu. Đây là quyển sách châm cứu đầu tiên ở Việt Nam. Nội dung tác phẩm trình bày bằng ca nôm, thể lục bát là chính, có lẫn chữ Hán. Sách có nhiều đoạn, mỗi đoạn đề cập đến từng vấn đề nhưng trình bày liên tiếp, không phân thành chương. Có thể chia thành 4 phần:
Phần I: Phân xích thốn, biên thần huyệt quốc ngữ ca: phần mở đầu có đề cập đến việc dùng Ngải cứu và tác dụng của phép cứu, việc kiêng kỵ, cách phân tấc đo để lấy huyệt, những huyệt cấm châm, cấm cứu, cách làm cho vết cứu lở ra và cách trị các vết lở do cứu gây nên. Phần cuối bàn về huyệt Cao hoang, Tứ hoa, Hoạn môn, Kỵ trúc mã, Mỗ tự.
Phần II: Tổng luận kinh sử chư bệnh dụng huyệt quốc ngữ ca. Bàn về việc điều trị 26 loại bệnh chứng bằng châm cứu.
Phần III: Tổng luận chứng huyệt ca. Bàn chung việc dùng huyệt trị 103 loại bệnh.
Phần IV: Thập mhị mạch thuộc lục phủ ngũ tạng quốc ngữ ca: nói về kinh mạch và vị trí huyệt, các huyệt thuộc mạch Đốc, Nhâm, huyệt vùng đầu mặt, ngực bụng, lưng huyệt thuộc 12 kinh mạch, 6 kinh ở tay, 6 kinh ở chân.
Phần cuối: Phụ lục của Thái y viện đời Hậu Lê bằng chữ Hán về kinh mạch và vị trí huyệt, phần dưới viết bằng dạng thơ.
- NGUYỄN GIA PHAN 阮嘉潘
1749 – 1829. Đời Hậu Lê – Nguyễn. Còn gọi là Nguyễn Thế Lịch, hiệu Dưỡng Hiên. Quê ở xã An Khánh (huyện Từ Liêm – Hà Nội ngày nay). Năm 16 tuổi đậu Hương cống, năm 27 tuổi đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng và Binh bộ hữu thị lang đời Lê Chiêu Thống. Được triều đình Tây Sơn giao cho việc chỉ huy phòng chống dịch. Tác phẩm của ông có: ‘Lý âm phương pháp thông lục’, ‘Liệu dịch phương pháp toàn thư, ‘Hộ nhi phương pháp tổng lục’, ‘Tiểu nhi khoa’ trị bệnh cho trẻ nhỏ, ‘Thai sản điều lý phương pháp’.
- NGUYỆT KINH 月经
Hiện tượng sinh lý ở phụ nữ. Huyết ở tử cung chảy ra theo chu kỳ. Thông thường mỗi tháng ra huyết một lần, mỗi lần khoảng ba bốn đến năm ngày thì sạch. Vì hàng tháng, cứ đúng thời kỳ ra huyết, nên gọi là Nguyệt kinh, Nguyệt sự (cũng còn gọi là Kinh thủy, Nguyệt tín).
- NGUYỆT KINH BẤT ĐIỀU 月经不调
Kinh nguyệt không đều, thể hiện bằng các dấu hiệu như lượng kinh, màu sắc kinh, chất kinh ra khác thường.
- NGUYỆT KINH BỆNH 月经病
Các chứng bệnh về kinh nguyệt. Bao gồm thời kỳ hành kinh, lượng hành kinh, màu sắc và tính chất khác thường của kinh thủy, từ đó có các bệnh danh: Kinh nguyệt không đều, thống kinh, bế kinh, đảo kinh, băng lậu, đại tiện ra huyết trước khi hành kinh, tiết tả khi đang hành kinh…
- NGUYỆT KINH DIỄN KỲ 月经衍期
Còn gọi là Kinh loạn. Chứng rối loạn kinh. Tức kinh hành trước sau không nhất định.
- NGUYỆT KINH QUÁ ĐA 月经过多
Bệnh lý khi hành kinh, lượng huyết ra quá mức, hoặc kéo dài hơn bảy ngày mà lượng kinh vẫn ra nhiều, nhưng không sai định kỳ mỗi tháng một lần. Nguyên nhân phần nhiều do khí hư, huyết nhiệt, do hư lao mà làm cho Xung Nhâm bất cố.
- NGUYỆT KINH QUÁ THIỂU 月经过少
Tình trạng kinh hành lượng kinh ra quá ít hoặc thời gian hành kinh quá ngắn. Nguyên nhân phần nhiều do huyết hư, huyết hàn, và Thận hư gây ra.
- NGUYỆT KINH SÁP THIỂU 月经涩少
Tức Nguyệt kinh quá thiểu.
- NGUYỆT KINH TIÊN KỲ 月经先期
Tức Kinh hành tiên kỳ.
- NGUYỆT KINH THẤT ĐIỀU 月经失调
Tên gọi chung cho các rối loạn về kinh nguyệt . Bao gồm các loại kinh sớm, kinh muộn, kinh trước sau không định kỳ, kinh quá nhiều, hoặc quá ít, thống kinh, bế kinh…
- NGUYỆT SỰ 月事
Tức Kguyệt kinh.
- NGUYỆT TÍN 月信
Tức Nguyệt kinh.
- NGƯ TƯỜNG MẠCH 鱼翔脉
Một trong ‘Mười mạch lạ – Thập quái mạch’. Mạch đập yếu, lúc có, lúc không, như con cá (ngư) đang bơi lội (tường).
- NGỮ THANH TRỌNG TRỌC 语声重浊
Tình trạng tiếng nói thấp nhỏ, trầm đục. Phần nhiều do ngoại cảm phong hàn hoặc thấp trọc ngăn trở làm cho khí đạo không thông sướng. “… tiếng nói văng vẳng như từ trong buồng (vẩn đục không rõ), đó là do thấp ở trung khí”.
- NGỮ TRÌ 语迟
Hiện tượng trẻ em 4-5 tuổi mà vẫn chưa biết nói. Nguyên nhân phần nhiều do tiên thiên Thận khí không đủ, Tâm khí chưa hòa mà gây ra. Cũng có thể do hậu thiên Tỳ Vị khuy tổn gây ra.
- NGƯNG CHỈ Ế 凝脂翳
Do phong nhiệt độc tà từ bên ngoài xâm nhập vào Can Đởm làm cho Can Đởm có thực hỏa, xông bốc lên trên mắt mà gây ra hiện tượng mắt có mây màng màu vàng nhạt, hình dáng như mỡ đặc. Đầu mắt đau kịch liệt, mắt đỏ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhiều ghèn, phát triển rất nhanh. Cũng có thể ăn vào tròng đen nặng thì gây mù. Nặng thì giống như viêm giác mạc hóa mủ.
- NGƯỢC 疟
Tức chứng Ngược tật.
- NGƯỢC BỆNH 疟病
Tức bệnh sốt rét.
- NGƯỢC MẪU 疟母
Ngược tật lâu ngày chữa không khỏi, ngoan đàm kèm ứ, kết ở hông sườn, hình thành bĩ khối. Bệnh này tương đương với chứng sốt rét lâu ngày hình thành báng bụng.
- NGƯỢC TÀ 疟邪
Nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét.
- NGƯỢC TẬT 疟疾
Hiện tượng người lên cơn nóng sốt sau đó lạnh run. Triệu chứng chủ yếu là ra mồ hôi.
- NGƯU BÌ TIỂN 牛皮癣
Bệnh ngoài da. Tức chứng da dẻ sần sùi, dày cộm như da trâu. Bệnh này nguyên nhân phần nhiều do phong, thấp, nhiệt độc tà uất chứa ở lớp da hoặc do huyết hư sinh phong, do hỏa táo mà gây ra. Khi mới phát trên bề mặt da nổi lên từng đám sần sùi lớn nhỏ không đều, màu nâu nhạt. Dần dần lan ra thành từng mảng, chỗ da vừa dày vừa khô đóng vẩy, khi gãi thì tróc vẩy, có từng cơn ngứa. Bệnh nếu điều trị không khỏi chuyển sang giai đoạn mạn tính. Ở giai đoạn này mỗi khi phát tác thường có liên quan đến yếu tố của tinh thần. Tương tự như chứng viêm da thần kinh của y học hiện đại.
- NHA 牙
Răng. Mọc từ trong xương hàm, dùng để nghiền nát thức ăn. Răng có liên quan đến Thận, cho nên bệnh lý của răng thường là các biểu hiện bệnh lý của Thận.
- NHA CAM 牙疳
Tình trạng chân răng sưng đỏ gây đau, lở loét chảy máu mùi tanh hôi.
- NHA ĐINH 牙疔
Loại đinh nhọt mọc ở chân răng.
- NHA NỤC 牙衄
Còn gọi là Xỉ nục.
- NHA NGÂN 牙龈
Chung quanh hàm răng có niêm mạc và các dây thần kinh. Đây là nơi phân bố của hai kinh Vị và Đại trường. Cho nên khi chân răng phát bệnh thường có liên quan đến bệnh lý ở hai kinh Vị và Đại trường.
- NHA SÀNG 牙床
Hai hàm răng trên và dưới.
- NHA TUYÊN 牙宣
Hiện tượng lòi chân răng do nướu răng teo rút, kèm răng chảy máu, răng có mủ. Thường gặp trong chứng nha chu viêm.
- NHA THỐNG 牙痛
Thường do sâu răng gây ra, cũng có khi do phong hỏa, phong hàn, hư hỏa dẫn đến.
- NHA UNG 牙痈
Tình trạng hỏa độc uất ở kinh Dương minh Vị xông bốc lên trên chân răng mà gây bệnh. Chứng thấy chân răng sưng đỏ gây đau, nặng sưng lan tới hàm hoặc có phát sốt, táo bón.
- NHAM 癌
Tức bướu ác tính, khối u lồi lõm không bằng phẳng, mép không ngay thẳng, cứng không di động, hình dáng giống như nham thạch, sau khi vỡ máu và nước ra rỉ rả, mùi tanh hôi khó ngửi, khó liền miệng. Hiện nay dùng để chỉ về ung thư. Như Phế nham: ung thư phổi…
- NHAN 颜
➊ Toàn bộ khuôn mặt. ➋ Bộ vị vùng 2 lông mày. ➌ Vùng giữa trán.
- NHÃN 眼
Một trong ngũ quan. Là cơ quan thị giác. Mắt có quan hệ với các chức năng kinh lạc của tạng phủ trong cơ thể. Do Can khai khiếu ra mắt, cho nên những bệnh lý của Can phản ánh lên mắt. Vì thế khi chữa bệnh về mắt nên dùng Can để luận trị.
- NHÃN BÀO ĐÀM HẠCH 眼胞痰核
Mi mắt nổi hạch cứng, đau, hạn chế tầm nhìn. Nguyên nhân phần nhiều do nhiệt uất kết ở Tỳ Vị cùng với đàm thấp gây tích trệ ở kinh lạc mà phát bệnh.
- NHÃN BÀO 眼胞
Tức Bào kiểm.
- NHÃN BÌ 眼皮
Tức Bào kiểm.
- NHÃN CHÂU KHIÊN TÀ 眼珠牵斜
Tình trạng mắt lệch hẳn về một bên hoặc hướng lên trên. Nguyên nhân phần nhiều do phong đàm ứ lại bên trong kinh mạch làm cho gân mạch không thông gây co rút, Hoặc do Tỳ khí suy nhược, hệ thống kinh lạc ở mắt không được nuôi dưỡng gây lỏng nhão, dẫn đến nhãn cầu vận chuyển lệch sang một phía.
- NHÃN CHÂU 眼珠
Tức nhãn cầu. Là cơ quan thị giác, nằm ở trong khuôn mắt, có hình cầu.
- NHÃN DUYÊN XÍCH LẠN 眼缘赤烂
Tức Nhãn huyền xích lạn.
- NHÃN HỆ 眼系
Các kinh lạc bên trong mắt thông lên tới não. Tương đương với thần kinh mắt và các mạch máu.
- NHÃN HUYỀN XÍCH LẠN 眼弦赤烂
Bệnh toét mắt. Đặc điểm là bờ mi mắt loét đỏ, vừa đau vừa ngứa; nặng hơn có thể dẫn đến rụng lông mi, biến dạng bờ mi mắt. Phần nhiều do thấp nhiệt uất tích ở Tỳ Vị, lại cảm nhiễm phong tà, cả hai cùng quấy nhiễu và kết ở mi mắt mà phát bệnh. Còn gọi là Phong huyền xích lạn.
- NHÃN THÂU CHÂM 眼偷针
Mi mắt nổi hạch to như hạt lúa mạch, hơi ngứa, hoặc đau, tiếp theo sưng đỏ. Nguyên nhân phần nhiều do phong nhiệt hoặc Tỳ Vị có nhiệt độc uất kết. Tương đương với chứng chắp, lẹo của YHHĐ. Còn gọi là Châm nhãn, Thâu châm.
- NHÂM THẦN 妊娠
Hiện tượng phụ nữ mang thai. Còn gọi là Trọng thân, Trùng thân, Thai giáp.
- NHÂM THẦN DƯỢC KỴ 妊娠药忌
Trong thời gian mang thai, không nên tự ý dùng thuốc, vì có một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến thai nhi, nặng thì làm cho sẩy thai hoặc có hại cho sản phụ. Vì thế tuyệt đối không nên dùng. Nếu muốn uống bất cứ loại thuốc gì thì phải có sự chỉ định của thầy thuốc.
- NHÂM THẦN GIẢN CHỨNG 妊娠痫证
Tức chứng Tử giản.
- NHÂM THẦN HUYỄN VỰNG 妊娠眩晕
Trong thời gian mang thai thấy xuất hiện các chứng chóng mặt xây xẩm, hoa mắt, tai ù. Nguyên nhân phần nhiều do Can Thận âm hư, Can dương thiên cang, bên trên gây nhiễu lên thanh khiếu mà gây ra.
- NHÂM THẦN Ố TRỞ 妊娠恶阻
Thai phụ khi mới cấn thai, vào những tuần đầu tiên, xuất hiện các dấu hiệu khác nhau. Nhẹ thì chỉ có cảm giác buồn nôn, có lúc nôn ói. Đây là những hiện tượng bình thường khi mang thai; Nặng thì thấy nôn ọe, ói mửa nhiều hơn, không ăn uống gì được. Nguyên nhân do sau khi mang thai khí của xung mạch đi nghịch lên, xâm phạm vào dạ dày, làm cho chức năng hạ giáng của Vị bị rối loạn gây ra.
- NHÂM THẦN PHONG KÍNH 妊娠风痉
Tức chứng Tử giản.
- NHÂM THẦN PHÚC THỐNG 妊娠腹痛
Có thai bị đau bụng. Tức chứng Bào trở.
- NHÂM THẦN SANG DƯƠNG 妊娠疮疡
Phụ nữ có thai mắc chứng mụn nhọt, đinh độc.
- NHÂM THẦN SUYỄN 妊娠喘
Trong thời gian mang thai xuất hiện các triệu chứng khó thở, đàm nhiều, đêm nằm không yên… Nguyên nhân do cảm thụ ngoại tà, Phế khí không tuyên hoặc do đàm nhiệt giao kết, khí nghịch lên gây suyễn. Cũng có khi do Phế Tỳ vốn đã suy yếu, thủy thấp không hóa, bốc lên Phế mà gây ra.
- NHÂM THẦN TÂM PHIỀN 妊娠心烦
Sau khi mang thai, tâm phiền bất an, mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ sệt. Nguyên nhân phần nhiều do âm huyết bất túc hoặc người vốn có đàm ẩm, lại do lo nghĩ, giận dữ quá độ, làm cho hỏa nhiệt xông bốc lên tim, dẫn đến thần chí không yên.
- NHÂM THẦN TÂM PHÚC TRƯỚNG MÃN 妊娠心腹胀满
Trong thời gian mang thai, ngực bụng trướng đầy, không thiết ăn uống. Nguyên nhân phần nhiều do người vốn có hư hàn, sau khi mang thai lại cảm nhiễm hàn khí hoặc bị nội thương do ăn uống. Làm cho trọc tà ngăn trở ở bên trong, Vị khí thăng phát không được mà phát bệnh.
- NHÂM THẦN TIỂU TIỆN BẤT LỢI 妊娠小便不利
Trong thời gian mang thai, lượng nước tiểu ít, thường tiểu gắt hoặc không thông. Nguyên nhân do thấp nhiệt dồn xuống Bàng quang, việc khí hóa bị trở ngại. Hoặc do Tỳ Phế khí hư, chức năng kiện vận bị rối loạn, khí không được đưa xuống Bàng quang mà phát sinh bệnh.
- NHÂM THẦN THẤT ÂM 妊娠失音
Có thai bị mất tiếng. Còn gọi là Nhâm thần âm á hoặc Tử âm.
- NHÂM THẦN THŨNG TRƯỚNG 妊娠肿胀
Có thai từ tháng thứ 6 trở đi thường phát sinh hiện tượng sưng phù. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Thận dương hư, thủy thấp đình tụ, tràn ra ngoài da mà phát bệnh.
- NHÂM THẦN THỦY THŨNG 妊娠水肿
Tức chứng Nhâm thần thũng trướng.
- NHÂM THẦN TRÚNG PHONG 妊娠中风
Nguyên nhân phần nhiều do sau khi mang thai bị chứng huyết hư, kinh lạc không được máu nuôi dưỡng, lại trúng phải phong tà mà sanh bệnh.
- NHÂM THẦN YÊU THỐNG 妊娠腰痛
Trong thời gian mang thai, vùng lưng đau mỏi, yếu sức, hễ mệt nhọc thì đau tăng. Nguyên nhân do Thận vốn đã bị suy yếu, sau khi mang thai Thận lại càng yếu hơn, lưng không được nuôi dưỡng mà gây ra; Cũng có khi do phong hàn xâm nhập vào kinh lạc gây bế tắc mà phát sinh bệnh.
- NHÂN ĐẬU TIẾP CHỦNG PHÁP 人痘接种法
Phương pháp tiêm vắcxin phòng ngừa đậu mùa. Lấy mủ đậu ở người đang lên đậu, qua chế biến, cấy trực tiếp vào người lành, tạo tính miễn dịch để đề phòng lên đậu ở người chưa mắc.
Có bốn phương pháp chủng đậu khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là tạo miễn dịch.
- NHÂN ĐỊA CHẾ NGHI 因地制宜
Do chỗ ăn ở, địa thế của mỗi người mỗi khác. Cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự phát sinh bệnh tật. Khi chữa bệnh phải chú ý theo dõi từng đặc điểm của nơi ở từ đó mới đưa ra liệu pháp thích hợp. Như phương nam khí hậu nóng bức, nhiều mưa cho nên thường xuất hiện các chứng thấp nhiệt, điều trị nên thanh nhiệt hóa thấp.
- NHÂN ĐỊNH 人定
Xem Thập nhị thời.
- NHÂN KHA 人疴
Tức chứng Ngũ bất nam.
- NHÂN NGHINH 人迎
Còn gọi là nhân nghinh mạch. ➊Một trong các bộ vị chẩn mạch. Động mạch cổ ở hai bên cạnh kết hầu, nơi có mạch đập (cũng gọi là nhân nghinh mạch). Xem những biến hóa của mạch đập tại đây có liên quan tới Vị. ➋ Bộ vị mạch chẩn, tên gọi riêng mạch thốn khẩu hai tay trái phải. ➌ Tên huyệt, thuộc kinh túc Dương minh Vị (ở phía sau động mạch cổ).
- NHÂN NHÂN CHẾ NGHI 因人制宜
Khi chữa bệnh, phải tùy tình hình cụ thể của bệnh nhân, phải chú ý về mặt thể chất, các đặc điểm về sinh bệnh lý của người bệnh, đồng thời cũng nên chú ý hoàn cảnh của bệnh nhân rồi mới đưa ra phép trị mới có thể ngăn chặn được sự thay đổi của bệnh tình, làm cho bệnh mau khỏi.
- NHÂN SỰ BẤT TỈNH 人事不省
Tình trạng tinh thần của người bị mê man không tỉnh táo.
- NHÂN THỜI CHẾ NGHI 因时制宜
Do con người và tự nhiên giới có mối tương ứng với nhau. Vì thế khi điều trị phải chú ý đến các đặc điểm về sự thay đổi biến hóa của khí hậu.
- NHÂN TRUNG ĐINH 人中疔
Đinh nhọt mọc ngay ở huyệt Nhân trung. Nếu đinh nhọt mọc ở huyệt Thừa tương, gọi là Thừa tương đinh; mọc ở phía ngoài hai bên góc mép, gọi là Hổ tu đinh (cũng gọi là Hổ tu độc). Đinh nhọt này do hỏa độc ở hai kinh Thận và độc công lên; đầu tiên chỉ nhỏ tí như hạt đậu, rắn chắc và đau, kèm theo phát sốt, phát rét; hết sức tránh lấy tay nặn mủ, vì dễ phát sinh chứng đinh sang tẩu hoàng rất nguy hiểm. Còn gọi là Long tuyền đinh, Thừa tương đinh, Hổ tu đinh.
- NHÂN TRUNG 人中
Còn gọi là Thủy câu.
➊ Rãnh ở giữa phía dưới mũi, phía trên môi. Cổ nhân cho rằng vọng chẩn ở nơi này để tìm hiểu bệnh tật ở bàng quang và tử cung. ➋ Tên huyệt thuộc Nhâm mạch (vị trí 1/3 từ rãnh giữa môi đi lên mũi).
- NHẤT ÂM 一 阴
Kinh Quyết âm ở chân. Xem thêm Tam âm.
- NHẤT DƯƠNG一阳
Kinh Thiếu dương ở chân. Tức tam dương.
- NHẤT NGHỊCH一逆
Tình trạng xử lý sai lầm một lần trong điều trị.
- NHẬT BÔ PHÁT NHIỆT 日晡发热
Sốt về chiều từ 3-5 giờ.
- NHẬT BÔ TRIỀU NHIỆT 日晡潮热
Tức chứng Triều nhiệt.
- NHẬT NHẬP 日入
Xem Thập nhị thời.
- NHẬT SÁI SANG 日晒疮
Chứng viêm da do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nguyên nhân do da trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm cho da bị kích ứng. Xuất hiện các triệu chứng da nổi mẩn đỏ, hoặc mụn nước, có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, đau nhức.
- NHẬT TRUNG日中
Xem Thập nhị thời.
- NHẬT XUẤT日出
Xem Thập nhị thời.
- NHI CHẨM THỐNG 儿枕痛
Do sau khi sanh máu hôi ra chưa hết hoặc do phong hàn xâm nhập vào bào mạch làm cho huyết ứ đình trệ bên trong mà gây ra bệnh. Biểu hiện đau vùng bụng dưới, ấn vào đau hoặc sờ thấy có khối cứng.
- NHĨ 耳
Một trong ngũ quan. Là cơ quan thính giác. Tai nghe rõ hay không là nhờ vào sự sung dưỡng của tinh, tủy, khí, huyết, và chức năng của Thận. Các bệnh tật của tai thường có quan hệ với Thận. Đồng thời cũng có quan hệ với các tạng phủ khác như Tâm, Tỳ, Can… Ngoài ra do các kinh Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu, Đởm, Vị đều đi vào tai cho nên tai có quan hệ mật thiết với các tạng phủ và kinh lạc. Vì thế thông qua các điểm phản ứng tìm thấy được ở loa tai, có thể biết được các bệnh tật ở tạng phủ hoặc rối loạn ở kinh lạc. Hiện nay thông qua các điểm phản ứng ở loa tai, các thầy thuốc có thể dựa vào đó mà đưa ra hướng chẩn đoán và điều trị bệnh.
- NHĨ BẾ 耳闭
Tức Nhĩ lung.
- NHĨ BÍ 耳泌
Tai chảy mủ gây đau. Bệnh thường gặp ở trẻ em. Tương đương với chứng viêm tai trong cấp tính.
- NHĨ CAM 耳疳
Bệnh thối tai. Còn gọi là Đinh nhĩ.
- NHĨ CĂN ĐỘC 耳根毒
Sau lỗ tai sưng đỏ nóng rát gây đau. Thường phát ở một bên, tương tự chứng viêm hạch lâm ba cấp.
- NHĨ CĂN UNG 耳根痈
Tức Nhĩ căn độc.
- NHĨ CẤU 耳垢
Còn gọi là Đinh ninh. Tức Ráy tai.
- NHĨ CHÂM 耳针
Phép nhĩ châm. Dùng loại kim nhỏ dạng cuộn tròn, gài vào huyệt vị ở trong và ngoài vành tai, hoặc dùng hào châm dài từ 0,7~1mm để châm vào tai. Còn gọi là nhĩ châm liệu pháp.
- NHĨ CHÂM LIỆU PHÁP耳针疗法
Phương pháp châm trên vành tai để chữa bệnh. Khi người ta mắc bệnh ở thân thể hoặc nội tạng, cần thăm dò những điểm nhạy cảm nhất ở vành tai (những điểm ấy gọi là nhĩ huyệt). Dùng một loại kim nhỏ dạng cuộn tròn châm trực tiếp vào nhĩ huyệt, thông qua phản ứng của dòng điện hoặc gài châm để chữa được nhiều loại tật bệnh toàn thân.
- NHĨ DẠNG 耳痒
Chứng lỗ tai ngứa ngáy khó chịu do Thận hỏa bốc, Can phong nhiễu động.
- NHĨ ĐINH 耳疔
Một loại đinh nhọt mọc ở lỗ tai. Nguyên nhân do hỏa độc tích ở kinh Thận hoặc uống quá nhiều các thuốc đơn thạch, hoặc thuốc nhiệt, tích độc mà thành.
- NHĨ ĐĨNH 耳挺
Cục thịt từ trong lỗ tai mọc lòi ra ngoài tai có hình dáng như hạt táo.
- NHĨ ĐỊNH 耳定
Chỉ hiện tượng từ trong lỗ tai mọc cục thịt to như hạt mơ. Mọc lòi ra ngoài lỗ tai.
- NHĨ HẬU THƯ 耳后疽
Phía sau tai sưng đau chảy mủ, kèm theo sợ lạnh, đau đầu, phát sốt. Do hỏa độc ở hai kinh Tam tiêu và Đởm gây nên.
- NHĨ KHUẨN 耳菌
Hiện tượng trong tai mọc cục thịt có hình dạng như cái nấm lòi ra ngoài.
- NHĨ LẠN 耳烂
Lỗ tai lở loét chảy nước vàng rỉ rả ra không dứt. Nguyên nhân do Can Đởm thấp nhiệt gây ra, giống như chứng thấp chẩn của YHHĐ.
- NHĨ LUÂN 耳轮
Phần ngoài ống tai, bao gồm toàn bộ vành tai. Còn gọi là nhĩ quách.
- NHĨ LUNG 耳聋
Chứng thính lực suy giảm. Nguyên nhân do tiên thiên bất túc hoặc do ngoại cảm, hay nội thương gây ra. Thường các chứng tai điếc cấp tính thuộc thực chứng. Chứng tai điếc mạn tính thuộc hư chứng.
- NHĨ MẠC 耳膜
Tức màng nhĩ. Lớp màng mỏng trong lỗ tai. Chia lỗ tai ra làm 2 phần tai trong và tai ngoài.
- NHĨ MINH 耳鸣
Chứng ù tai. Trong tai có tiếng ve kêu hoặc tiếng nước vỗ hoặc như tiếng chuông. Nguyên nhân có thể phân ra 2 loại là thực và hư.
Thực chứng gồm: Can Đởm hỏa khí thượng nghịch hoặc Tỳ Vị đờm hỏa thượng thăng.
Hư chứng do: Thận tinh bất túc, trung khí hạ hãm đều có thể gây ra bệnh này.
- NHĨ MÔN 耳门
➊ Mấu ở phía trước tai, che khuất lỗ tai. Còn gọi là nhĩ bình. ➋ Tên huyệt, nơi lõm phía trước nhĩ bình, thuộc kinh thủ Thiếu dương Tam tiêu.
- NHĨ NỘI DỊ VẬT 耳内异物
Chứng bệnh ở tai ngoài có dị vật. Thường kèm có đau tai, thính lực suy giảm.
- NHĨ NỤC 耳衄
Lỗ tai ra máu. Nguyên nhân do hỏa ở hai kinh Can, Thận mà gây bệnh.
- NHĨ PHÒNG PHONG 耳防风
Trong tai sưng đau, chảy mủ, nếu đau nhiều thì ở ngoài ta và vùng mặt chung quanh tai cũng sưng, không thể há miệng được. Do hỏa tà ở các kinh Can, Đởm, Tam tiêu quá thịnh gây ra.
- NHĨ QUÁCH 耳郭
Vành tai (toàn bộ) hoặc loa tai. Còn gọi là nhĩ luân.
- NHĨ TÂM THỐNG 耳心痛
Nếu trong lỗ tai khô đau gây ngứa, nguyên nhân thường do Can Đởm có phong nhiệt; Nếu trong tai sưng trướng gây đau, là do Tam tiêu tượng hỏa vượng; Nếu trong tai đau kèm có lở loét chảy nước, là do phong kèm thấp nhiệt tà xâm nhập vào kinh Can Đởm; Nếu kèm có váng đầu hoa mắt là do hư hỏa bốc lên. Còn gọi là Nhĩ thống.
- NHĨ THỐNG 耳痛
Tai đau. Nguyên nhân do Can Đởm có phong nhiệt tà tích trệ, hỏa ở Tam tiêu vượng thịnh hoặc do hư hỏa bốc mà gây ra.
- NHĨ TRĨ 耳痔
Chứng từ trong ống tai ngoài lòi ra một khối thịt nhỏ sưng. Khối thịt lòi ra hình dạng không giống nhau và có các tên gọi khác nhau: Loại thịt thừa dạng quả đào hoặc quả dâu thì gọi là Nhĩ trĩ. Dạng hạt táo, hạt mơ gọi là Nhĩ đinh, Nhĩ đĩnh. Dạng như cái nấm gọi là Nhĩ khuẩn.
- NHĨ UNG 耳痈
Chứng nhiễm trùng ống tai ngoài. Xuất hiện các chứng lỗ tai nóng rát, trướng đau, chảy mủ.
- NHỊ ÂM 二阴
➊ Tên chung cho tiền âm và hậu âm (bao gồm cả bộ phận sinh dục, niệu đạo và giang môn). ➋ Kinh âm mắc bệnh thứ hai. Theo thứ tự từ biểu truyền vào lý của bệnh thương hàn thì trong ba kinh âm, kinh Thái âm là kinh mắc bệnh trước tiên (gọi là tam âm), kinh Thiếu âm là kinh mắc bệnh tiếp theo, gọi là nhị âm.
- NHỊ DƯƠNG 二阳
Kinh dương mắc bệnh thứ hai. Theo thứ tự phát bệnh từ biểu truyền vào lý của bệnh thương hàn thì trong ba kinh dương, kinh Thái dương là kinh mắc bệnh trước tiên (gọi là tam dương), kinh Dương minh là kinh mắc bệnh tiếp theo, gọi là nhị dương.
- NHỊ DƯƠNG TỊNH BỆNH 二阳并病
Hai kinh dương trong thương hàn đều mắc bệnh. Thí dụ thoạt tiên thấy triệu chứng của Thái dương bệnh như đau đầu, sợ lạnh, phát sốt, khớp chân tay đau… Về sau lại có cả chứng trạng của Thiếu dương bệnh như nôn ọe, ngực sườn đầy. Cùng thấy chứng trạng xuất hiện có trước, có sau chứ không đồng thời xuất hiện cùng một lúc.
- NHỊ ĐÀI 腻苔
Rêu lưỡi dày bẩn và có màu trắng đục. Nguyên nhân phần nhiều gặp ở chứng thấp trọc nội trở, hoặc tiêu hóa kém và đàm ẩm ngăn trở bên trong.
- NHỊ THẬP BÁT MẠCH 二十八脉
1. 28 loại mạch tượng thường gặp. Đó là: phù, trầm, trì, sác, hoạt, sáp, hư, thực, trường, đoản, hồng, vi, khẩn, hoãn, huyền, khâu, cách, lao, nhu, nhược, tán, tế, phục, động, xúc, kết, đợi, đại.
2. 28 đường kinh mạch “người ta trên, dưới, trái, phải, trước, sau có 28 mạch…” [Linhkhu - Ngũ thập doanh]. Tức là chỉ 3 kinh mạch Âm ở chân và tay, 3 kinh mạch Dương ở chân và tay cộng 12 đường kinh mạch hai bên trái phải của 12 đôi thành 24 đường, cộng với Xung, Nhâm mỗi kinh có 1 đường, và Kiểu mạch ở hai bên phải, trái. Tổng cộng 28 đường kinh mạch.
- NHỊ THẬP TỨ TIẾT KHÍ 二十四节气
Tức Tiết khí.
- NHIỄM ĐÀI 染苔
Rêu lưỡi bị nhiễm màu sắc của thực vật và dược vật mà thay đổi màu sắc. Khi xem lưỡi cần quan sát kỹ để loại trừ các giả tượng.
- NHIẾP LÃNH SANG 摄领疮
Tức chứng Ngưu bì tiển.
- NHIẾP NHU 颞颥
Vùng hai bên huyệt thái dương.
- NHIỆT 热
➊ Tức nhiệt tà. ➋ Một trong bát cương. Chỉ các loại nguyên nhân dẫn tới cang thịnh, biểu hiện các nhiệt tượng như phát sốt, mặt mắt đỏ, miệng khát. ➌ Một trong các phép trị, tức phép ôn và phép khu hàn. ➍ Một trong tứ khí của thuốc.
- NHIỆT ÁCH 热呃
Chứng nấc cục do Vị hỏa thượng nghịch, hoặc do đàm hỏa uất kết mà gây ra. Chứng thấy tiếng nấc có lực, mặt đỏ người bứt rứt, khát nước, miệng khô, lưỡi ráo, rêu lưỡi vàng, mạch hồng đại mà sác.
- NHIỆT ẨU 热呕
Chứng nôn ói do Tỳ Vị tích nhiệt hoặc do nhiệt tà phạm Vị. Chứng thấy ăn vào lập tức ói ra, mặt đỏ, tâm phiền, thích mát, miệng khát, đại tiện bí kết. Mạch phần nhiều hồng sác. Hay gặp ở các chứng viêm dạ dày cấp, viêm túi mật, viêm tuyến tụy…
- NHIỆT BẾ 热闭
➊ Bệnh lý do nhiệt tà gây bế tắc ở tạng phủ kinh lạc. ➋ Chứng bế do nhiệt tà hãm ở bên trong.
- NHIỆT BÍ 热秘
Đại tiện bí kết do nhiệt bí ở Tiểu trường. Chứng thấy phát sốt mặt đỏ, miệng lưỡi lở, tiểu vàng sẻn, mạch sác thực.
- NHIỆT BỨC ĐẠI TRƯỜNG 热迫大肠
Chứng trạng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy, phân vàng khắm, giang môn có cảm giác nóng rát, tiểu tiện sẻn đỏ, rêu lưỡi vàng nhợt, mạch hoạt sác… Do thấp nhiệt làm tổn thương Trường Vị đến nỗi chức năng của Đại trường bị rối loạn gây nên bệnh.
- NHIỆT CÁCH 热膈
Tức chứng ế cách thuộc nhiệt. Chứng thấy nuốt vật khó, tức ngực hơi thở ngắn, lưng bụng đau. Thủy cốc không tiêu hóa, người gầy ốm, miệng lở loét, ngũ tâm phiền nhiệt hoặc phát sốt, tay chân nặng nề.
- NHIỆT CAM 热疳
Xem Lãnh nhiệt cam.
- NHIỆT CHỨNG 热证
Do mắc bệnh nhiệt, làm cho dương khí cang thịnh. Chứng thấy người sốt, phiền táo, mặt mắt đỏ, không sợ lạnh mà sợ nóng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc đen mạch sác.
- NHIỆT CHƯỚC THẬN ÂM 热灼肾阴
Mắc bệnh nhiệt vào giai đoạn cuối, Thận âm bị nhiệt tà làm tổn thương. Chứng thấy sốt nhẹ, lòng bàn tay, lòng bàn chân nóng, răng miệng khô ráo, tai điếc, chất lưỡi đỏ sậm, không có rêu, mạch tế sác hoặc hư sác.
- NHIỆT CỰC SINH HÀN 热极生寒
Trong quá trình mắc bệnh nhiệt, nhiệt tà phát triển đến giai đoạn cùng cực. Do nhiệt tà thịnh ở bên trong, hoặc do dương khí uất bế không tiết ra tay chân được mà xuất hiện các triệu chứng giả hàn như tay chân lạnh, mạch trầm.
- NHIỆT DẠ ĐỀ 热夜啼
Trẻ đêm ngủ không yên, dễ phát sinh phiền táo mà khóc đêm không dứt, kèm theo mặt đỏ người nóng. Nguyên nhân do sợ sệt hoặc đàm nhiệt quấy nhiễu bên trong mà phát bệnh.
- NHIỆT ĐÀM 热痰
Còn gọi là Đàm hỏa. ➊ Người vốn có các bệnh về đàm. Nguyên nhân do ăn uống không điều độ mà gây ra. Chứng trạng chủ yếu là suyễn ho. ➋ Đàm mê tâm khiếu, nguyên nhân phần nhiều do đàm nhiệt cùng kết tụ lại không tan. Chứng thấy đàm vàng dính khó khạc ra, mặt đỏ, người phiền nhiệt, tâm thống, hay cười nói như người điên, tim đập nhanh, hồi hộp, miệng môi khô ráo, mạch hồng.
- NHIỆT ĐỀ 热啼
Tức chứng Nhiệt dạ đề.
- NHIỆT ĐỘC 热毒
➊ Các chứng ung nhọt ngoài da (bị nhiễm trùng có mủ) ➋ Tức Ôn độc.
- NHIỆT GIẢ HÀN CHI 热者寒之
Các chứng bệnh thuộc nhiệt. Thường dùng các thuốc hàn lương để chữa. Trên lâm sàng thường căn cứ vào biểu, lý, hư, thực của bát cương để phân loại điều trị. Nếu là biểu nhiệt thì nên dùng các vị cay mát để giải biểu; Nếu là hư nhiệt thì nên dùng các vị ngọt mát để dưỡng âm thanh nhiệt.
- NHIỆT GIẢN 热痫
Chứng giản do có tích nhiệt ở bên trong. Chứng thấy tay chân co quắp, trong miệng đầy nhớt dãi, sốt cao khóc đêm, mặt đỏ hơi thở ồ ồ, nước tiểu đỏ, cầu táo bón. Thường hay gặp ở trẻ em. Nguyên nhân do Trường Vị có tích nhiệt, phong đàm ủng thịnh gây ra.
- NHIỆT HÓA 热化
➊ Bệnh tật phát triển trong quá trình mắc bệnh hàn, hàn tà hóa nhiệt nhập lý. ➋ Hiện tượng nhiệt hóa ở chứng thương hàn Thiếu âm bệnh từ thân thể và tay chân lạnh chuyển sang người và tay chân nóng.
- NHIỆT HOẮC LOẠN热霍乱
Do ăn quá nhiều các thực phẩm béo bổ, hoặc do bên ngoài cảm phải thử nhiệt, ôn nhiệt, chất xú uế uất lại ở trung tiêu phát sinh bệnh. Chứng thấy bụng đau quặn, nôn ói, tiêu chảy, lồng ngực bứt rứt, phát sốt, miệng khát, nước tiểu vàng sẻn, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hồng sác. Thường gặp trong các chứng ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn.
- NHIỆT HỒNG 热烘
Phương pháp dùng ngoài, đối với một số bệnh ngoài da sau khi bôi thuốc lên chỗ có bệnh lại hơ lửa. Thích hợp với một số bệnh ngoài da.
- NHIỆT KẾT 热结
Nhiệt tà kết tụ ở bên trong. Thường tùy theo bộ vị kết tụ mà xuất hiện các chứng trạng tương ứng. Như nhiệt tà kết ở Trường Vị thì xuất hiện đau bụng, đại tiện phân táo kết, nặng thì sốt cơn, nói sảng.
- NHIỆT KẾT BÀNG LƯU 热结旁流
Một biểu hiện thực chứng của Dương minh phủ. Phủ thực nhiệt chứng. Thường thấy đại tiện táo kết không thông, nhưng khi đi tiêu chỉ ra nước phân vàng thối chứ không ra cục phân như loại táo bón thông thường (vì vẫn còn thực chứng của Dương minh phủ, nên gọi là Nhiệt kết bàng lưu).
- NHIỆT KẾT BÀNG QUANG 热结膀胱
Nhiệt tà kết ở Bàng quang. Thường thấy bụng dưới cứng đầy, co thắt khó chịu, nhưng tiểu vẫn bình thường, phát sốt, không sợ lạnh, thần chí như cuồng.
- NHIỆT KẾT HẠ TIÊU 热结下焦
Nhiệt tà kết ở hạ tiêu khiến các chức năng của các tạng này bị trở ngại, biểu hiện có các triệu chứng: Bụng dưới trướng đau, đại tiện bí kết, tiểu ít, tiểu gắt buốt nặng thì tiểu tiện ra máu.
- NHIỆT KẾT HUNG 热结胸
Chứng thực nhiệt kết ở lồng ngực. Tà nhiệt kết ở trong ngực, đầy tức gây đau, phát sốt, khát nước, người uể oải, miệng khô, đại tiện bí kết, mạch trầm hoạt.
- NHIỆT KHÍ HOẮC LOẠN 热气藿乱
Tức chứng Nhiệt hoắc loạn.
- NHIỆT LÂM 热淋
Chứng lâm do thấp nhiệt uất kết ở hạ tiêu. Thường thấy tiểu ngắn, tiểu lắt nhắt, nước tiểu vàng sẻn, có cảm giác nóng rát, kèm có nóng lạnh, lưng đau, vùng bụng dưới quặn đau. Tương đương với chứng nhiễm trùng niệu cấp.
- NHIỆT LỆ 热泪
Hiện tượng mắt đau sưng khô rát chảy nước mắt, hoặc kèm có sợ ánh sáng, nước mắt có cảm giác nóng rát. Nguyên nhân do phong nhiệt từ bên ngoài xâm nhập vào, Can Phế hỏa thịnh hoặc âm hư hỏa viêm gây ra.
- NHIỆT LỴ热痢
Chứng kiết lỵ thuộc nhiệt. Nguyên nhân phần nhiều do nhiệt tà xâm nhập đường ruột, tích trệ không thanh mà gây ra. Triệu chứng: người nóng, đau bụng, nặng trằn hậu môn, lỵ ra phân màu trắng đỏ, người phiền khát muốn uống nước, tiểu nóng đỏ, rêu lưỡi vàng dính, mạch hoạt sác hữu lực.
- NHIỆT NĂNG KHỨ HÀN 热能去寒
Dùng các thuốc nhiệt để khu trừ hàn tà, hoặc chữa các chứng hàn. Như tay chân lạnh, sợ lạnh, vùng bụng lạnh đau.
- NHIỆT NHÂN HÀN DỤNG 热因寒用
Một trong các phép phản trị. Dùng các thuốc có tính ấm phối với một ít thuốc có tính hàn để chữa các chứng hàn, hoặc dùng thuốc nóng cho uống nguội. càng giúp thuốc phát huy tác dụng.
- NHIỆT NHÂN NHIỆT DỤNG 热因热用
Một trong các phép phản trị. Tức dùng các vị thuốc có tính nhiệt để chữa các bệnh thuộc chân hàn giả nhiệt.
- NHIỆT NHẬP HUYẾT PHẬN 热入血分
Nhiệt tà xâm nhập vào phần huyết. Ôn nhiệt bệnh phát triển sang giai đoạn nặng. Thường thấy sốt nhiều về đêm, thần chí hôn mê, người vật vã không yên, ngoài da nổi mẩn. Hoặc xuất hiện khuynh hướng co giật.
- NHIỆT NHẬP HUYẾT THẤT 热入血室
Phụ nữ đang hành kinh lại cảm thụ ngoài tà, tà nhiệt và huyết chống chọi nhau mà gây bệnh. Có các chứng trạng: Vùng ngực sườn và bụng dưới nghẽn đầy, lúc sốt rét, lúc sốt nóng, không giờ giấc nhất định, về chiều có lúc nói sảng, trạng thái thần chí khác thường.
- NHIỆT NHẬP TÂM BÀO 热入心包
Trong quá trình mắc các bệnh nhiệt, ôn tà vào lý phận, xuất hiện triệu chứng sốt cao, hôn mê, nói sảng hoặc hôn trầm (lìm lịm) không nói năng gì, đó là bệnh nhiệt ở giai đoạn quan trọng.
- NHIỆT PHU CHỈ THỐNG PHÁP 热敷止痛法
Phương pháp đắp nóng dùng thuốc giã nát (nếu là thuốc tươi) hoặc tán bột (đối với thuốc khô) thêm rượu hoặc giấm trộn cho ướt đặt lên bếp xào cho nóng, nhắc xuống trải lên miếng gạc hoặc vải sau đó đắp lên vùng da bị tổn thương (nhớ chú ý không gây phỏng da). Thường được dùng để chữa các chứng do bị té, bị đánh, gây tổn thương các phần mềm của da.
- NHIỆT PHỤC 热服
Thuốc sau khi sắc xong, nhân lúc còn nóng uống, thích hợp với các chứng đại hàn.
- NHIỆT PHỤC XUNG NHÂM 热伏冲任
Bệnh lý nhiệt tà ẩn náu ở Xung mạch và Nhâm mạch. Chứng thấy sốt nhẹ, lưng mỏi đau, bụng dưới đau quặn, tử cung ra máu.
- NHIỆT QUYẾT 热厥
Do tà nhiệt quá thịnh, tân dịch bị tổn thương, sự vận hành của dương khí bị trở ngại, không thể thấu phát ở tứ chi mà sinh chứng tay chân lạnh. Thường kèm theo các chứng như ngực bụng có cảm giác nóng rát, miệng khát, phiền táo, tiểu đỏ, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng…
- NHIỆT QUYẾT TÂM THỐNG 热厥心痛
Tức chứng Nhiệt tâm thống.
- NHIỆT SẢN 热产
Lúc sanh vào mùa nóng, lúc này sản phụ cần phải thích nghi với thời tiết ôn lương, ngược lại dễ mắc bệnh này. Nếu nhiệt nhiều thì xuất hiện đau đầu, mặt đỏ, choáng váng. Còn có tên gọi là Thử sản.
- NHIỆT SANG 热疮
Bệnh phát ở môi miệng, chung quanh khóe miệng và lỗ mũi mọc mụn, mọc thành chùm kèm thấy ngứa và nóng rát, dễ tái phát. Nguyên nhân do ngoại cảm phong nhiệt hoặc do Phế Vị tích nhiệt hun đốt bên trên gây ra.
- NHIỆT SUYỄN 热喘
Do Phế bị nhiệt tà hun đốt, hoặc đàm hỏa ứ đọng gây tắc nghẽn khí đạo mà phát sinh chứng suyễn. Thường thấy suyễn, ho có nhiều đàm dính vàng, ngực đầy tức, người phiền nhiệt.
- NHIỆT TÀ 热邪
Một trong các bệnh tà, đặc điểm của nó là dễ dẫn đến các nhiệt chứng, dương chứng. Như phát sốt, thở ồ ồ, sưng đỏ, gặp nóng thì đau, đại tiện bí kết.
- NHIỆT TÀ TRỞ PHẾ 热邪阻肺
Bệnh ho, suyễn do nhiệt tà ngăn trở Phế. Chứng trạng chủ yếu là phát sốt, ho, đờm vàng dính hoặc trong đờm có lẫn máu, nặng thì thở gấp, khó thở, đau ngực sườn, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch hồng sác hoặc huyền sác.
- NHIỆT TẢ 热泻
Chứng tiêu chảy. Nguyên nhân do nhiệt bức Trường Vị gây ra. Thường thấy ruột sôi, bụng đau, mỗi lần đau là mỗi lần đi tiêu chảy, phân dính nhớt, hoặc đi ra nước, hoặc do thủy cốc không tiêu hóa. Hậu môn nóng rát, nặng trằn. miệng khát, tiểu tiện đỏ gắt, mạch sác.
- NHIỆT TÂM THỐNG 热心痛
Chứng Vị quản thống do cảm thụ thử tà, hoặc thường uống các vị thuốc có tính nhiệt, hoặc hay ăn các thức ăn nóng, nhiệt tà uất ở bên trong mà phát bệnh. Thường thấy trong dạ dày có cảm giác nóng rát, lúc có lúc không, sợ nóng, thích lạnh, hoặc kèm thấy mặt mắt đỏ, hơi vàng, người nóng, bứt rứt, lòng bàn tay nóng, đại tiện phân khô cứng.
- NHIỆT TỄ 热剂
Là phương thuốc có tác dụng ôn nhiệt, như Can khương, Phụ tử.
- NHIỆT TÍCH TẠI LÝ 热积在理
Trong cơ thể trước tiên có nhiệt tà ẩn náu hoặc tà khí nào đó uất lại hóa nhiệt, khiến cho Trường Vị tích nhiệt. Khi phát bệnh có các chứng trạng: Đau bụng, hôi miệng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, trướng bụng và có thống điểm, đại tiện bí kết hoặc thối khắm, tiểu tiện vàng sẻn.
- NHIỆT TIẾT 热疖
Tức chứng Nhiệt tả.
- NHIỆT TÍNH TẮC THŨNG 热性则肿
Chứng sưng đau do dương nhiệt thiên thắng nhiệt tà quá vượng dẫn tới vùng cục bộ bị sung huyết. Từ đó phát sinh các chứng sưng đỏ, như ung nhọt, bì phu viêm.
- NHIỆT THẮNG TẮC THŨNG 热胜则肿
Bệnh do dương nhiệt thiên thắng gây thũng thống. Nhiệt thuộc dương tà làm cho dương khí nội uất, huyết mạch bị úng trệ, cho nên hỏa nhiệt thái quá xung huyết cục bộ, có thể làm sưng đỏ (như ở các bệnh viêm da, ung nhọt).
- NHIỆT THẬM PHÁT KÍNH 热甚发痉
Do nhiệt tà ủng trệ hoặc nhiệt thậm làm tổn thương âm dịch, gân mạch không được nuôi dưỡng gây ra bệnh kính. Chứng thấy sốt cao, lưng gáy cứng, cấm khẩu, răng cắn chặt, tay chân co quắp, bụng đầy, đại tiện bí kết, nặng thì uốn ván, thần chí hôn mê, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hồng sác hoặc trầm hoạt vô lực.
- NHIỆT THÂM QUYẾT THÂM 热深厥深
Một hiện tượng bệnh lý của chứng nhiệt quyết. Bệnh ôn nhiệt nếu sốt cao kéo dài không lui, đột nhiên xuất hiện tay chân quyết lạnh, hôn mê bất tỉnh… Đó là do chính khí bị tổn thương, nhiệt tà ẩn phục, dương khí bị nhiệt tà nghẽn trở không thấu đạt được tới tứ chi làm cho tay chân lạnh. Cho nên gọi là nhiệt thâm quyết thâm.
- NHIỆT THẤU 热嗽
Chứng ho do nhiệt tích lại gây ra. Chứng thấy cổ họng khô đau, lỗ mũi thở ra hơi nóng, đàm vàng dính ít khó khạc, hoặc khạc ra đàm có lẫn máu, hoặc có phát sốt.
- NHIỆT THỊNH KHÍ PHẬN 热盛气分
Chứng nhiệt tà hun đốt ở phần khí. Chứng trạng chủ yếu là sốt cao, không sợ lạnh, mắt đỏ, tâm phiền, vã mồ hôi, khát nước, rêu lưỡi vàng khô, mạch hồng đại.
- NHIỆT THỊNH PHONG ĐỘNG 热盛风动
Trong quá trình mắc các bệnh sốt cấp tính. Do sốt cao mà xuất hiện các chứng phong tà. Như thần chí hôn mê, cuồng táo, kinh quyết, co giật. Còn gọi là Nhiệt cực sinh phong.
- NHIỆT THƯƠNG CÂN MẠCH 热伤筋脉
Do sốt cao hoặc phát sốt kéo dài nung nấu doanh âm, khiến cho âm dịch, tân huyết bị tổn thương, gân mạch mất sự nhu dưỡng mà phát sinh bệnh. Thường thấy tay chân co quắp hoặc bại liệt.
- NHIỆT THƯƠNG KHÍ 热伤气
Nhiệt tà phần nhiều làm tổn thương khí phận, do nhiệt tà xâm nhập vào làm cho da dẻ thưa hở, mồ hôi tiết ra, mồ hôi ra nhiều thì làm tổn thương khí.
- NHIỆT THƯƠNG PHẾ LẠC 热伤肺络
Bệnh khái huyết hoặc khạc ra huyết. Do hỏa nhiệt làm tổn thương Phế lạc. Trên lâm sàng chia ra thực nhiệt và hư nhiệt. Thực nhiệt do ngoại tà uất lại hóa nhiệt, nhiệt làm tổn thương đường kinh lạc của Phế, hoặc Can Đởm thực hỏa bốc lên Phế gây nên khạc ra máu lượng nhiều, mặt đỏ, phát sốt, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch phần nhiều hoạt sác.
Hư nhiệt do người bệnh vốn có Phế Thận âm suy, hư hỏa hun đốt Phế gây nên khạc ra máu lượng ít hoặc trong đờm lẫn máu, kèm thêm sốt nhẹ, nóng cơn về chiều, gò má đỏ bừng, họng khô ráo, chất lưỡi đỏ bệu và ít rêu, mạch tế sác.
- NHIỆT THƯƠNG THẦN ÂM 热伤神阴
Chứng nói sảng do sốt cao, ý thức bị trở ngại, nặng thì thần chí hôn mê.
- NHIỆT TRUNG 热中
➊ Hiện tượng người hay đói ăn nhiều, tiểu nhiều.
➋ Chứng mắt vàng, nguyên nhân do phong tà xâm nhập vào kinh Vị hóa nhiệt gây ra.
➌ Chứng do Tỳ Vị bị tổn thương dẫn đến khí hư hỏa vượng. Thường thấy người nóng, vật vã, khí suyễn, đau đầu, sợ lạnh hoặc miệng khát, mạch hồng đại vô lực .
- NHIỆT TRƯỚNG 热胀
Tổn thương do sau khi ăn các thực phẩm béo bổ, ôn nhiệt uất kết ở trong. Hoặc khí uất hóa hỏa, tà thịnh âm hư mà gây ra chứng trướng bụng. Thường thấy vùng bụng trướng đầy, đại tiện phân khô kết, tiểu vàng sẻn hoặc phát sốt, mạch hồng sác.
- NHIỆT TÝ 热痹
Chỉ chứng tý. Nguyên nhân do nhiệt độc lưu đọng ở khớp xương, hoặc bên trong có uất nhiệt, lại cảm phải phong hàn thấp tà cùng kết lại mà gây ra bệnh. Chứng thấy khớp xương sưng nóng đỏ đau, phát sốt, miệng khát. Phần nhiều hay thấy ở trong các bệnh viêm khớp dạng thấp, thống phong.
- NHIỆT UẤT 热郁
Một trong lục uất. Do tình chí không thoải mái, Can khí uất kết, khí uất hóa nhiệt mà phát sinh các triệu chứng đau đầu, miệng khô đắng, tình tự nóng nảy, ngực bứt rứt, sườn trướng đầy, ợ chua, đại tiện bí kết, tiểu tiện sẻn đỏ, mắt đỏ, tai ù, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
- NHIỆT VÔ PHẠM NHIỆT 热无犯热
Nếu như không thuộc hàn chứng, vào những ngày nóng nực, không nên tùy tiện sử dụng các vị thuốc có tính nhiệt, để tránh làm tổn thương tân dịch hoặc hóa táo, phát sinh biến chứng.
- NHIỆT VÔ TRẦM 热无沉
Tác dụng của các vị thuốc có tính nhiệt thường có chiều hướng đi lên hoặc đi ra ngoài, không có chiều hướng đi xuống.
- NHIỆT YỂM PHÁP 热罨法
Một trong những cách chườm nóng. Dùng bông gòn hoặc gạc sạch nhúng vào nước nóng hoặc nước thuốc nóng, vắt hơi ráo đắp lên chỗ đau. Thường dùng cách này để chữa các chứng sưng thũng hoặc đau nhức.
- NHIÊU TRÙNG BỆNH 蛲虫病
Bệnh giun kim. Do Giun kim sống ký sinh ở đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ em. Thường thấy ngứa vùng hậu môn về ban đêm, nặng thì ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ, trẻ thường quấy khóc suốt đêm.
- NHO MÔN SỰ THÂN 儒门事亲
1228, Trương Tùng Chính (Tử Hòa), đời Kim, Trung quốc. Gồm 15 quyển. Chủ trương dùng ba phép hãn, thổ, hạ trong điều trị; dùng thuốc nghiêng về hàn lương và sở trường về công tà.
- NHU CHÍ 柔痓
Tức chứng Nhu kính.
- NHU KÍNH 柔痉
Một loại bệnh kính (co giật). Thấy phát sốt ra mồ hôi mà không có dấu hiệu sợ lạnh. Nguyên nhân do cảm nhiễm phong tà gây ra.
- NHU MẠCH 濡脉
Mạch đập nhỏ mà mềm mại, mạch đi ở biểu. Để nhẹ tay đã thấy mạch đập, ấn nặng tay thì không thấy. Nguyên nhân do mất máu làm tổn thương âm hoặc do thấp tà trệ lại gây ra.
- NHU TIẾT 濡泄
Tức chứng Thấp tả.
- NHŨ CAM 乳疳
Tức các chứng Nhũ nham, Nhũ kết hạch. Do trong thời kỳ cho con bú, phát sinh nhọt hoặc kết khối, lâu ngày không liền miệng, đau đớn khó chịu.
- NHŨ ĐẦU PHÁ TOÁI 乳头破碎
Tức chứng Nhũ đầu quân liệt.
- NHŨ ĐẦU QUÂN LIỆT乳头皲裂
Chứng đầu vú nứt nẻ gây đau, có khi chảy máu; hoặc ra chất dịch màu trắng, hoặc kết vảy màu vàng. Nguyên nhân do Can hỏa uất không sơ tiết được, hoặc do Can Vị có thấp nhiệt kết lại mà phát sinh bệnh. Còn gọi là Nhũ đầu phong.
- NHŨ HẠCH乳核
Tức chứng trong vú kết hạch.
- NHŨ LAO 乳痨
Khi mới phát thấy bầu vú có khối u to như quả mơ, quả mận, cứng mà không thông, màu da bình thường; sau vài tháng khối u to dần, dính liền với da, đau lâm râm, màu da chuyển sang hồng, khối u từ cứng biến sang mềm, có mủ, khi vỡ miệng mủ chảy ra. Chung quanh có màu đỏ sậm, đau lan ra ngực sườn và dưới nách. Phần nhiều do Can khí uất kết, hoặc có đàm trọc ngưng kết ở kinh Vị. Tương đương với chứng Nhũ phòng kết hạch.
- NHŨ LẬU乳漏
Tức chứng Nhũ lậu 乳瘘.
- NHŨ LẬU乳瘘
Vú đau phát triển thành lỗ dò (mạch lươn). Nguyên nhân phần nhiều do mắc chứng Nhũ ung, Nhũ phát mà chữa không khỏi, miệng vết thương lâu ngày không lành gây ra lỗ dò. Chỗ mắc bệnh thường chảy nước trong, hoặc ra nước vàng đục, đầu vú thụt vào trong, không liền miệng. Còn gọi là chứng Nhũ lậu 乳漏.
- NHŨ NỤC 乳衄
Nguyên nhân do ưu tư quá độ, Can Tỳ bị thọ thương, huyết không tàng mà phát bệnh.
- NHŨ NGA 乳蛾
Bệnh ở vùng cổ họng. Nguyên nhân do ngoại tà phong nhiệt kết ở hầu họng hoặc hư hỏa bốc lên, hoặc do khí huyết ngưng trệ gây nên. Còn gọi là Hầu nga.
- NHŨ NGA 乳鹅
Tức chứng Nhũ nga乳蛾.
- NHŨ NHAM 乳岩
Chỉ hiện tượng vú có u nhọt. Phần lớn hay gặp ở phụ nữ vào độ tuổi trung niên. Nguyên nhân do suy nghĩ, buồn giận quá độ, Can Tỳ khí uất gây ra.
- NHŨ PHÁT 乳发
Bầu vú sưng cứng gây đau, lâu thì lở loét, lan rộng ra, hình thành lỗ dò, đồng thời kèm thấy các triệu chứng toàn thân như phát sốt, sợ lạnh. Tương đương với viêm tuyến vú. Còn gọi là Phát nhũ.
- NHŨ PHÒNG TRƯỚNG THỐNG 乳房胀痛
Bầu vú, đầu vú đau, đau lan tới ngực sườn. Thường hay gặp trước mỗi kỳ kinh. Nguyên nhân do Can uất khí trệ, kinh mạch bế tắc mà phát bệnh.
- NHŨ TẾ 乳细
Cho thuốc vào trong cái bát nghiền cho thật nhuyễn. Các thuốc tra vào mắt, thuốc thổi vào cổ họng đều dùng loại này.
- NHŨ THỰC TÍCH TRỆ 乳食积滞
Trẻ em trong thời kỳ bú sữa, do ăn không tiêu, sữa tích lại ở Trường Vị không tiêu hóa được. Chứng thấy ngực bụng trướng đầy, người lừ đừ chán ăn. Nôn ọe ra nước chua, đại tiện phân tanh hôi, kèm thấy trẻ phiền táo hay khóc, giấc ngủ không yên, hoặc sốt nhẹ không lui, người gầy mòn.
- NHŨ TIỂN 乳癣
Tức chứng Nãi tiển.
- NHŨ TIẾT 乳泄
Sản phụ đang trong thời kỳ cho con bú mà phát sinh chứng đau vú, vú mọc nhọt.
- NHŨ TRẤP BẤT TÚC 乳汁不足
Phụ nữ cho con bú bị thiếu sữa. Nguyên nhân do sau khi sanh khí huyết bị hao tổn, nguồn sinh hóa của sữa không đủ hoặc do Can uất khí trệ, làm cho nhũ trấp (sữa) bị ủng trệ không lưu thông mà gây nên bệnh.
- NHŨ TRUNG KẾT HẠCH 乳中结核
Trong bầu vú có cục u cứng như cái hạt.
- NHŨ TỬ 乳子
Bé gái còn nhỏ, Thận khí chưa sung thịnh, thiên quý chưa đến (chưa có kinh nguyệt).
- NHŨ TÝ 乳痹
Trong bầu vú mọc nhọt, hình như hạt mơ hạt mận, hoặc như trứng gà. Ấn vào không đau, day đẩy cũng không di động, màu da không biến đổi, có thể tùy theo sự vui buồn mà phát triển hoặc tan mất. Nguyên nhân do lo nghĩ làm tổn thương Tỳ, tức giận làm tổn thương Can, làm cho khí trệ, đàm ngưng gây thành bệnh. Tương tự như bướu lành tính tuyến vú hoặc tuyến vú tăng sinh.
- NHŨ UNG 乳痈
Nhọt mọc ở bầu vú (viêm tuyến vú cấp tính). Thường gặp ở phụ nữ sau khi sanh. Nguyên nhân do Can khí uất kết, Vị nhiệt ủng trệ gây ra. Lúc mới phát thấy bầu vú kết khối cứng, sưng đau, nhũ trấp không thông, người phát sốt, sợ lạnh, nhọt ở vú phát triển lớn dần, sờ vào thấy nóng đau dữ dội, hoặc thấy nóng lạnh không lui, ủ lại thành mủ.
- NHŨ XUY 乳吹
Tức chứng Nhũ ung.
- NHUẬN HẠ 润下
Phương pháp dùng các loại thuốc có vị ngọt tính bình, có tác dụng tư nhuận tân dịch hoặc nhuận hoạt để chữa các bệnh trường táo, tân dịch khô kiệt. Thích hợp chữa chứng táo bón ở người già hoặc táo bón do thói quen, hoặc phụ nữ có thai bị táo bón. Còn gọi là Hoãn hạ.
- NHUẬN PHẾ HÓA ĐÀM 润肺化痰
Tức Nhuận táo hóa đàm.
- NHUẬN TÁO 润燥
Phương pháp dùng các thuốc sinh tân nhuận táo để chữa các chứng táo. Phép nhuận táo có phân ra Khinh tuyên nhuận táo, Cam hàn nhuận táo, Thanh trường nhuận táo và Dưỡng âm nhuận táo.
- NHUẬN TÁO HÓA ĐÀM 润燥化痰
Phương pháp điều trị chứng táo đàm. Thích hợp chữa các chứng do cảm thụ táo tà hoặc do Phế âm bất túc. Chứng thấy hầu họng khô táo, hoặc đau nhức, ho đàm đặc dính khó khạc, lưỡi đỏ, rêu vàng mà khô. Còn gọi là Nhuận Phế hóa đàm.
- NHỤC ANH 肉瘿
Vùng cổ mọc một hay nhiều khối sưng to, màu sắc da bình thường, kèm ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ. Phần nhiều do uất kết làm tổn thương Tỳ, Tỳ khí không vận hành gây ra bướu tuyến giáp trạng.
- NHỤC CỰC 肉极
Một trong sáu loại lao thương hư tổn. Nhục cực thì màu da vàng úa gầy còm.
- NHỤC LAO 蓐痨
Do sau khi sanh khí huyết bị tổn thương, việc nuôi dưỡng không được chu đáo, hoặc do cảm thụ phong tà, hoặc do lo lắng nghĩ ngợi quá mức mà gây ra. Chứng thấy người gầy còm, suyễn, nóng lạnh như sốt rét, đau đầu, tự ra mồ hôi, tay chân mệt mỏi, ho khí nghịch, trong ngực có hòn khối kết tụ, bụng đau quặn hoặc đau như dùi đâm.
- NHỤC LUÂN 肉轮
Tức mi mắt, thuộc Tỳ. Khi thấy bệnh ở mi mắt thì phải xem xét bệnh lý ở Tỳ Vị.
- NHỤC LỰU 肉瘤
Nguyên nhân do lo nghĩ quá độ làm tổn thương Tỳ vị, Tỳ khí uất kết mà gây ra bướu. Sờ vào thấy cứng chắc, màu da không thay đổi, không nóng cũng không lạnh.
- NHỤC NUY 肉痿
Tay chân teo róc mềm yếu không có sức. Hoặc kèm có hơi sưng, tê dại, ăn uống kém, đại tiện phân sệt. Nguyên nhân do Tỳ Vị suy nhược, hoặc do thấp nhiệt dầm ngấm gây ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết, cơ nhục gân mạch không được nuôi dưỡng mà phát bệnh.
- NHỤC PHẬN 肉分
Những hoa văn trên da thịt.
- NHỤC PHONG 蓐风
Phụ nữ sau khi sanh bị trúng phong tà. Chứng thấy uốn ván, miệng cắn chặt không mở.
- NHỤC SANG 褥疮
Tức chứng Tịch sang 席疮.
- NHỤC THÍCH 肉刺
Tức chứng kê nhãn. Do cục bộ bị đè nén hoặc chà sát lâu ngày, làm cho vùng da tại chỗ dày lên, hóa sừng mà gây bệnh. Thường phát ở dưới chân, kẽ ngón chân, rễ cắm sâu, trên đỉnh cứng, mặt ngoài có màu vàng nhạt, ấn vào thì gây đau, ảnh hưởng đến việc đi lại.
- NHỤC THOÁT 肉脱
Hiện tượng bắp thịt gầy róc. Nguyên nhân do tinh huyết bên trong cạn kiệt, trung khí hư suy gây ra.
- NHỤC TÝ 肉痹
Tức chứng Cơ tý.
- NHUỆ THƯ 锐疽
Tức chứng Nga khẩu thư.
- NHUỆ TÝ 锐眦
Tức chứng Ngoại nhãn giác.
- NHUYỄN HẠ CAM 软下疳
Một loại thuộc chứng hạ cam. Xem chứng Hạ cam.
- NHUYỄN KIÊN TÁN KẾT 软坚散结
Phương pháp điều trị do đàm trọc ứ huyết kết tụ mà hình thành chứng loa lịch, tích tụ. Nếu do đàm trọc gây ra thì dùng phép tiêu đàm, nhuyễn kiên, tán kết; Nếu do khí trệ huyết ứ thì dùng phép phá ứ tiêu đàm.
- NHUYỄN KIÊN TRỪ MÃN 软坚除满
Là phương pháp dùng các loại thuốc hàm hàn có tác dụng nhuận hạ. Dùng chữa chứng đại tiện phân bí kết, sanh ra bụng trướng đầy.
- NHUYỄN NAN 软难
Trẻ em do nuôi nấng không đúng cách làm cho sự phát dục của trẻ không tốt mà xuất hiện các chứng tê liệt, bại xụi.
- NHƯ NGÂN NỘI CHƯỚNG 如银内障
Tức chứng Viên ế nội chướng.
- NHƯ TÁNG THẦN THỦ 如丧神守
Chứng thần chí hỗn loạn, tâm thần không yên, hay sợ sệt. Nguyên nhân do nhiệt thịnh gây ra.
- NHƯỢC MẠCH 弱脉
Mạch đập thâm trầm mà tế nhuyễn, vô lực. Nguyên nhân do khí huyết bất túc gây ra.
- NIỆM CHÂM 捻针
Thủ pháp vê kim châm cứu, sau khi châm thì vê kim. Mỗi khi châm kim vào hay rút kim ra đều sử dụng thủ pháp này.
- NIẾT TÍCH 捏积
Tức chứng Niết tích 捏脊.
- NIẾT TÍCH 捏脊
Một trong các phép trị ngoại khoa. Phép cạo gió hay đánh gió. Bảo bệnh nhân nằm sấp, hoặc ngồi khom lưng, thầy thuốc xoa dầu vào hai bên xương sống chỗ cơ thang từ trên cổ xuống dưới tới thắt lưng rồi dùng đồng xu cạo dọc theo cơ thang. Dùng chữa cảm cúm hoặc trẻ em ăn không tiêu.
- NIỆU 尿
Sự hình thành và bài tiết nước tiểu có quan hệ mật thiết với các chức năng của Thận, Tỳ, Tam tiêu và Bàng quang, có tác dụng thay đổi tân dịch. Quan sát màu sắc và lượng nước tiểu để hỗ trợ cho việc phân tích bệnh tình.
- NIỆU BẠCH 溺白
Tức chứng Niệu trọc.
- NIỆU BÀO 尿胞
Tức Bàng quang.
- NIỆU HUYẾT 尿血
Hoặc Niệu huyết 溺血. Khi đi tiểu trong nước tiểu có lẫn máu. Nguyên nhân do âm hư hỏa vượng. Thường thấy tiểu ra máu đỏ tươi, lưng đùi mỏi mệt yếu sức, tai ù, hoa mắt, tâm phiền, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác; Nếu do Tỳ Thận lưỡng hư thường thấy tiểu ra máu đỏ nhợt, sắc mặt vàng úa, ăn uống kém, lưng mỏi đau, tay chân lạnh, chất lưỡi nhợt nhạt, mạch hư nhuyễn.
- NIỆU TRỌC 溺浊
Nước tiểu ra đục như nước cơm, còn gọi là Bạch trọc. Nếu tiểu đục mà màu đỏ thì gọi là Xích trọc. Nguyên nhân gây ra bạch trọc phần nhiều là do Tỳ Vị có thấp nhiệt dồn xuống bàng quang gây ra. Xích trọc phần lớn do thấp nhiệt uất kết hun đốt ở hạ tiêu, hoặc huyết phận làm tổn thương mạch lạc gây ra bệnh.
- NIỆU XÍCH 溺赤
Tiểu ra nước tiểu vàng sẫm.
- NOÃN SÚC 卵缩
Tức chứng Nang súc.
- NÔ NHỤC PHÀN TINH 胬肉攀睛
Mộng thịt màu đỏ nhạt từ trong khóe mắt lan ra, hình dáng giống như loài côn trùng có cánh, nằm vắt ngang tròng trắng, dần dần xâm nhập vào tròng đen, nặng thì che khuất con ngươi. Nguyên nhân phần nhiều do phong nhiệt ủng thịnh ở hai kinh Tâm Phế, hoặc do khí trệ huyết ứ, cũng có thể do âm hư hỏa vượng gây ra.
- NỘ TẮC KHÍ THƯỢNG 怒则气上
Bệnh lý do giận dữ quá độ làm cho Can khí nghịch thượng. Thường thấy ngực sườn đầy trướng, đau đầu, chóng mặt, nặng thì hôn mê, nôn ra máu.
- NỘ THƯƠNG CAN 怒伤肝
Do thường xuyên giận dữ làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của tạng Can, khiến cho Can khí thượng nghịch, huyết theo khí mà nghịch lên trên, mặt đỏ, đau đầu, chóng mặt. Nặng thì ói ra máu hoặc hôn mê.
- NỘI CHÂM 内针
Tức tiến châm. Cũng đọc là Nạp châm.
- NỘI BẾ 内闭
Xem chứng Thoát.
- NỘI CHƯỚNG 内障
Bệnh phát sinh phía trong nhãn cầu (gồm thủy tinh thể, đáy mắt…) Trong y học cổ truyền có 23 loại hình nội chướng khác.
- NỘI ĐIẾU 内钓
Bệnh chứng ở trẻ sơ sinh, do nhiễm phong hoặc do kinh sợ gây nên. Biểu hiện bằng các triệu chứng đặc trưng như: Co giật, vùng bụng đau kịch liệt.
- NỘI ĐỘC 内毒
Do nhiệt độc xâm nhập vào bên trong cơ thể. Độc tà ẩn phục lại và nung nấu ở bên trong, khi đó do sức đề kháng kém hoặc gặp nhân tố khác mà phát sinh ung nhọt ở ngoài da hoặc các tổ chức mềm. Kèm theo sốt cao, nhức đầu, miệng khô họng đau, khớp xương đau mỏi, da dẻ phát ban, thần khí không sáng suốt. Tương đương với bệnh nhiễm trùng máu hay còn gọi là bệnh hoại huyết của y học hiện đại.
- NỘI HÃM 内陷
Tình trạng tà khí hãm ở bên trong. Tà khí cang thịnh, chính khí hư yếu không chống nổi tà khí, thì tà khí hãm ở bên trong, bệnh tình sẽ nặng thêm. Thí dụ: Bệnh sởi đang ở giai đoạn sởi mọc, do độc sởi quá thịnh, hoặc bị nhiễm phong hàn, chính khí bất túc, nốt sởi tự nhiên lặn mất, sắc mặt trắng bệch, thở gấp, bệnh tình nặng nhanh chóng. Như vậy gọi là độc sởi nội hãm.
- NỘI HÀN 内寒
Chứng bệnh dương hư khí yếu, công năng tạng phủ suy giảm dẫn đến sự vận hóa của thủy dịch bị trở ngại. Biểu hiện lâm sàng là nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, chân tay lạnh, ra mồ hôi lạnh, mạch trầm trì.
- NỘI HỮU CỬU HÀN 内有久寒
Tức cố lãnh.
- NỘI KINH TRI YẾU 内经知要
1642, Lý Trung Tử (Sĩ Tài, Niệm Nga), đời Minh, Trung quốc. Gồm 2 quyển sắp xếp lại Hoàng đế Nội kinh Tố vấn và Linh khu kinh thành 8 loại: Đạo sinh, âm dương, sắc chẩn, mạch chẩn, tạng tượng, kinh lạc, trị tắc, bệnh nặng. Tóm tắt và chú giải rõ ràng.
- NỘI KHÕA THƯ 内踝疽
Chỉ nhọt mọc trên mắt cá chân. Nguyên nhân do hàn thấp hạ chú, khí trệ huyết ứ gây ra. Cũng đọc là Nội loã thư.
- NỘI LÂM 内淋
Tức chứng cao lâm.
- NỘI LẬU 内漏
Chỉ các chứng xuất huyết do nội thương.
- NỘI LIÊM SANG 内臁疮
Chứng sâu quảng, chứng mụn lở loát phát sinh ở bắp chân (ở phía ngoài bắp chân gọi là ngoại liêm sang, ở phía trong bắp chân gọi là nội liêm sang).
Ngoại liêm sang do thấp nhiệt kết tụ ở túc tam dương kinh; Nội liêm sang do thấp tà nung nấu ở Túc tam âm kinh kèm theo huyết phận hư nhiệt gây nên. Cũng có khi trước đó bị thấp chẩn làm tổn thương. Nơi đau, thoạt tiên ngứa ngáy sưng đỏ, gãi rách thịt, chảy nước thành mủ, nặng thì lở loét, có khi phạm tới xương, lâu ngày không liền miệng. [Ngoại khoa đại thành]: “Ngoại liêm sang dễ chữa, nội liêm sang khó khỏi”. (Hiện nay gọi chung là bệnh lở loét chi dưới).
- NỘI LOÃ THƯ 内踝疽
Xem Nội khoả thư.
- NỘI NGOẠI TRĨ 内外痔
Loại trĩ hỗn hợp vừa có trĩ nội và trĩ ngoại.
- NỘI NHÂN 内因
Phép phân loại bệnh của người xưa. Một trong ba nguyên nhân gây ra bệnh. Đó là nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân. Nội nhân chỉ các hoạt động khác thường của tình chí là Hỉ (vui), Nộ (giận), Ưu (buồn rầu), Tư (nghĩ ngợi), Bi (đau buồn), Khủng (sợ hãi), Kinh (kinh sợ).
- NỘI NHIỆT 内热
➊ Chứng nhiệt phát sinh do âm dịch khuy tổn. Triệu chứng: sốt cơn, sốt về đêm hoặc ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác. ➋ Chứng lý nhiệt do nhiệt tà nhập lý. Thường thấy mặt mắt đỏ, tâm phiền, phát sốt, miệng khát, táo bón, tiểu vàng sẻn, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch trầm thực.
- NỘI PHIỀN 内烦
Chứng nội nhiệt (thực nhiệt hoặc hư nhiệt) dẫn đến vùng ngực bụng bức rứt. Vì tâm phiền dẫn đến rối loạn về ý thức, nên cũng gọi là phiền loạn.
- NỘI PHONG 内风
Bệnh phát triển trong quá trình xuất hiện các chứng phong. Biểu hiện bằng các chứng trạng thần kinh như xây xẩm, choáng váng, co giật, run rẩy. Nguyên nhân không do cảm nhiễm phong tà từ bên ngoài, vì thế gọi là nội phong.
- NỘI SUY 内吹
Chứng nhũ ung phát sinh trong thời gian mang thai.
- NỘI TÁO内燥
Chứng táo do mắc các bệnh nhiệt, nôn mửa, ra mồ hôi, mất máu làm cho âm tân tổn thương, mà phát bệnh. Biểu hiện lâm sàng là sốt cơn, tâm phiền, môi khô ráo, da dẻ khô, lưỡi khô không nhuận.
- NỘI THÁC 内托
Là một trong ba đại pháp cho uống bên trong dùng để chữa các bệnh ung nhọt thuộc ngoại khoa. Dùng các thuốc có công dụng bổ ích khí huyết, để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, khiến cho độc tà tiêu tán, để tránh nguy cơ độc tà hãm vào bên trong. Còn gọi là Thác pháp.
- NỘI THẤP 内湿
Chứng thủy thấp đình trệ trong cơ thể. Do chức năng của tạng phủ bị trở ngại nhất là chức năng của Tỳ Thận dương hư không vận hóa được thủy thấp mà gây bệnh. Triệu chứng lâm sàng là kém ăn, tiêu chảy, bụng trướng, đái ít, mặt vàng, chi dưới phù thũng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi nhuận, mạch nhu hoãn.
- NỘI THỦ 内取
➊ Phương pháp xem mạch để phán đoán bệnh tình thuộc hư hay thực. ➋ Phương pháp dùng thuốc uống ở bên trong để điều trị bệnh.
- NỘI THỰC 内实
Tức Lý thực.
- NỘI THƯƠNG 内伤
➊ Các nhân tố làm cho tạng khí ở bên trong bị khuy tổn. Như thất tình quá độ, ăn uống không điều độ, mệt mỏi, phòng sự quá mức. ➋ Bệnh trạng do đâm chém, té ngã đến nỗi tạng khí ở bên trong cơ thể bị thương tổn hoặc gắng sức mang nặng đến nỗi tổn thương khí huyết mà phát sinh bệnh.
- NỘI THƯƠNG ẨM THỰC KÍNH 内伤饮食痉
Chứng kính do thức ăn uống bị đình trệ, làm tổn thương Tỳ Vị mà gây ra. Chứng thường gặp sau khi nôn ói, tiêu chảy.
- NỘI THƯƠNG BẤT ĐẮC NGOẠ 内伤不得卧
Chứng mất ngủ mà nguyên nhân có thể do Can hỏa, Đởm hỏa, Vị khí bất hòa, Tâm huyết hư, Tâm khí hư gây ra.
- NỘI THƯƠNG ĐẦU THỐNG 内伤头痛
Chứng đau đầu do khí huyết trong nội tạng bị tổn thương hoặc do đờm thấp ứ trệ mà phát bệnh. Chứng thấy đau đầu lúc phát lúc không. Kèm thấy khí huyết của tạng phủ không đủ hoặc các bệnh tà khác ở bên trong gây ra.
- NỘI THƯƠNG PHÁT NHIỆT 内伤发热
Chứng phát sốt do khí huyết của tạng phủ suy nhược hoặc chức năng bị rối loạn mà phát bệnh.
- NỘI THƯƠNG VỊ QUẢN THOÁNG 内伤胃脘痛
Chứng đau dạ dày mà nguyên nhân có thể do tích hàn, tích nhiệt, hay do Tỳ Vị hư hàn, âm hư. Hoặc do tích thực, đàm ẩm, khí trệ, huyết ứ, trùng tích đều có thể gây ra.
- NỘI THƯƠNG YÊU THỐNG 内伤腰痛
Chứng đau lưng do Can Tỳ Thận hư tổn, hoặc đàm thấp, ứ huyết, hoặc do nội thương gây ra. Các biểu hiện phần nhiều là ở các chứng hư, bệnh thường kéo dài.
- NỘI TIÊU 内消
➊ Bệnh tiêu khát có các chứng ăn nhiều, tiểu nhiều mà không khát. ➋ Còn gọi là Ngoại khoa tiêu pháp. Phép nội tiêu. Một trong ba phép chữa lớn trong ngoại khoa. Dùng thuốc uống trong để làm tiêu mụn nhọt.
- NỘI TỔN 内损
Tức chứng nội thương.
- NỘI TRĨ 内痔
Chứng trĩ nội, mọc ở bờ giang môn.
- NỘI TRỊ 内治
Phương pháp dùng thuốc để chữa trị các loại bệnh phát sinh trong cơ thể.
- NỘI TÝ 内眦
Khóe mắt trong. Còn gọi là Đại tý 大眦.
- NỘI UNG 内痈
Ung nhọt sưng hóa mủ, phát sinh ở tạng phủ, hoặc ở xoang ngực bụng.
- NỘT 焫
Phương pháp điều trị bằng châm cứu, người xưa dùng hỏa châm, ôn châm hoặc thạch châm, thêm cứu nóng để kích thích vùng cục bộ của cơ thể.
- NỤC GIA 衄家
Người mắc bệnh hay chảy máu mũi.
- NỤC HUYẾT 衄血
➊ Xuất huyết ở các cơ quan bên ngoài nhưng không do ngoại thương gây ra như chảy máu mắt, chảy máu lỗ tai, chảy máu chân răng, chảy máu lưỡi, chảy máu ở cơ nhục… ➋ Chảy máu mũi.
- NÙNG HUYẾT LỴ 脓血痢
Một loại bệnh kiết lỵ. Có triệu chứng đặc trưng là đi cầu phân ra mủ máu. Nguyên nhân phần nhiều do nhiệt tà uất kết mà gây ra.
- NÙNG NHĨ 脓耳
Trong lỗ tai sưng đỏ, đau nhức, chảy mủ. Nguyên nhân do Can kinh tích nhiệt hóa hỏa gây ra.
- NÙNG OA SANG 脓窝疮
Mụn nhọt có mủ. Thường phát trên mặt, trên cánh tay hoặc cẳng chân. Nguyên nhân do thấp và nhiệt cùng uất kết hun đốt ở da mà phát sinh bệnh. Hoặc do mẩn ngứa, do rôm sảy mà thành.
- NUY 痿
Xem Nuy chứng.
- NUY CHỨNG 痿证
Hiện tượng tay chân mềm yếu vô lực, lâu ngày dẫn đến bắp thịt teo róc, không vận động theo ý được, thường gặp ở các chi dưới. Do Phế nhiệt làm tổn thương tân dịch hoặc thấp nhiệt dầm ngấm, hoặc do Can Thận khuy hư, tinh huyết bất túc mà không nuôi dưỡng được cho gân mạch.
- NUY HOÀNG 萎黄
Chứng vàng da toàn thân. Nguyên nhân phần lớn do Tỳ Vị suy nhược, khí huyết bất túc hoặc kiêm có thấp uất, trùng tích.
- NUY QUYẾT 痿厥
Tay chân mềm yếu, không có sức mà lại không ấm.
- NUY TÍCH 痿躄
Hai chân mềm yếu không có sức.
- NỮ KHOA 女科
Khoa học chuyên về phụ nữ. Cũng gọi là Phụ khoa.
- NỮ LAO ĐẢN 女劳疸
Xuất xứ: Kim quỹ yếu lược. Là một loại bệnh vàng da. Triệu chứng: khắp mình vàng, vùng trán hơi sạm đen, bàng quang co thắt, bụng dưới đầy, tiểu tiện thông lợi, đại tiện phân đen, xế chiều thì lòng bàn tay chân nóng mà lại có cảm giác ớn lạnh. Nguyên nhân phần nhiều do mệt nhọc hoặc do phòng sự quá độ mà gây ra.
- NỮ LAO PHỤC 女劳复
Hiện tượng bệnh nặng mới khỏi, tinh thần khí huyết còn chưa khôi phục, nếu chẳng chú ý điều dưỡng ăn uống nghỉ ngơi cho lại sức mà lại phòng sự quá độ làm tổn thương Thận tinh nên bệnh tái phát. Chứng trạng chủ yếu là đầu nặng, mắt hoa, vai lưng đau hoặc bụng dưới đau quặn.
- NỮ TỬ BÀO女子胞
Một trong phủ kỳ hằng. Bao gồm cả hệ thống sinh dục của phụ nữ, trong đó có cả tử cung, buồng trứng, và ống dẫn trứng. Công năng chủ yếu là thông điều kinh nguyệt và nuôi dưỡng bào thai. Về công năng sinh lý, nữ tử bào có quan hệ mật thiết với các tạng Thận, Can, Tâm, Tỳ và hai mạch Xung, Nhâm. Còn gọi là Bào cung, Bào tạng, Tử tạng.
- NỮU THƯƠNG 扭伤
Hiện tượng trật khớp. Thường gặp ở khớp vai, cổ tay, khớp gối hoặc mắt cá. Vùng khớp sau khi bị tổn thương sưng trướng, đau nhức, vận động bị giới hạn, màu da tím tái nhưng không có hiện tượng gãy xương.